Wednesday, August 20, 2014

Du lịch và thị thực : Những bất cập đối với Việt Nam


RFI-Thụy My
Theo Hiệp hội Lữ hành châu Á – Thái Bình Dương (PATA), Việt Nam là một trong năm nước trong khối ASEAN thu hút nhiều du khách ngoại quốc nhất trong năm 2013, chủ yếu là khách châu Á. Tuy nhiên việc cạnh tranh với các nước trong khu vực đã có ngành công nghiệp du lịch phát triển là khá quyết liệt, và một trong những biện pháp được đề cập đến gần đây là miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch thuộc các thị trường trọng điểm.
Còn đối với người dân Việt Nam, thì từ khi có chính sách mở cửa đã có thể ra nước ngoài du lịch thoải mái hơn trước. Và với các hiệp định miễn thị thực đã ký, kể từ ngày 26/10/2013 công dân Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông có thể nhập, xuất cảnh vào tất cả các nước thành viên ASEAN, tuy thời gian được lưu trú tại mỗi nước có khác nhau. Đối với Miến Điện là Brunei là không quá 14 ngày, Philippines 21 ngày, và sáu nước còn lại là 30 ngày.
Nhưng cách đây vài hôm, lại có thông tin Thái Lan hạn chế cấp thị thực cho người Việt Nam nhập cảnh, gây phản ứng trong dư luận. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dã ngoại Lửa Việt cho biết như trên.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, lâu nay người Việt rất thích sang Thái Lan du lịch. Biện pháp mang tính kỳ thị trên sẽ làm mất khách, và Thái Lan cũng ý thức được điều đó nên đã nhanh chóng sửa đổi. Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết, đây không phải là lần đầu khách du lịch Việt Nam bị phân biệt đối xử, mà bản thân ông cũng đã bị hành xử như vậy.
Nhưng thật ra việc gì cũng có nguyên nhân của nó. Một số ít người Việt khi ra nước ngoài, cụ thể là Thái Lan, đã có những hành vi không đúng đắn thậm chí phạm pháp, khiến hình ảnh của người Việt bị hoen ố.
Bên cạnh một số ít phần tử bất hảo, cũng có những người Việt sang Thái Lan du lịch tuy nhiên vì hoàn cảnh đã ở lại làm việc một cách bất hợp pháp nhưng lương thiện, trở thành một lực lượng lao động cạnh tranh với người bản địa. Ông Mỹ cho rằng Nhà nước phải có những biện pháp để hạn chế tình trạng người Việt ra nước ngoài gây tiếng xấu cho đất nước.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, cách đối xử khinh miệt đối với du khách Việt là không thể chấp nhận được. Vấn đề là hiện tượng này đã xảy ra mấy năm nay, nhưng người Việt thay vì yêu cầu Nhà nước có phản ứng chính thức, lại thường chỉ lên mạng phàn nàn – một phần còn do họ thiếu tin tưởng nơi chính quyền.
Ngược lại, phía Việt Nam lại tỏ ra quá dễ dãi trước việc công dân các nước khác, đến Việt Nam rồi ở lại làm những nghề bất lương. Chẳng hạn như những người châu Phi đến hành nghề mại dâm, rồi một lượng lớn người Trung Quốc nhập cảnh và làm việc bất hợp pháp. Hay các thương nhân Trung Quốc tự do đi từ Bắc chí Nam mua đủ loại hàng hóa, gây rối loạn thị trường mà chưa hề có biện pháp chế tài này.
Để thu hút khách quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã miễn thị thực hoặc cấp thị thực rất dễ dàng. Việt Nam từ khi đơn phương miễn visa cho công dân 7 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và bốn nước Bắc Âu, thì lượng khách từ các nước này đến du lịch Việt Nam đã tăng đột biến.
Và ngược lại, nhìn chung từ khi có việc miễn thị thực giữa các nước ASEAN, thì du khách Việt đã được đi lại dễ dàng hơn. Có một điều an ủi là Trung Quốc, một « cường quốc du lịch » lại đứng sau Việt Nam về số nước cho miễn thị thực nhập cảnh.

No comments:

Post a Comment