Wednesday, August 20, 2014

Võ Nguyên Giáp trong góc nhìn của họa sĩ Chóe



Published on August 20, 2014
Họa sĩ Chóe (tên thực : Nguyễn Hải Chí, 1943 – 2003) được biết đến là một trong những cây bút biếm thượng hạng của làng báo Sài Gòn thập niên 1970. Thật ra, trong một xã hội đảm bảo quyền bày tỏ chính kiến như Việt Nam Cộng hòa, Chóe không phải nhân vật đặc biệt – có quá nhiều người như thế. Nhưng cho đến giờ tên tuổi của ông vẫn được nhắc đến, bởi sự nghiệp sáng tác của Chóe giống như những mảnh vụn còn sót lại của một thời tự do báo chí.
A caricature of North Vietnam's chief military leader, General Vo Nguyen Giap, by Choe appeared in a Saigon newspaper in 1972
Bức biếm họa này được đăng trên báo Sóng Thần (chủ bút là nữ văn sĩ Trùng Dương, cũng tức là bà Nguyễn Thị Thái) năm 1972 – thời điểm mà tên tuổi họa sĩ Chóe bắt đầu được công luận chú ý. Đây cũng là thời điểm khốc liệt nhất của cuộc Chiến tranh Việt Nam, chưa bao giờ trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam nhiều quân nhân đến thế, “hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng” và “từng vùng thịt xương có mẹ có em”. Bức biếm khiến bất kỳ ai cũng có thể liên tưởng tới câu nói của ông Lê Duẩn (cố Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam) vào năm 1979 : “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta” – hàm nghĩa, thừa nhận chính quyền miền Bắc đóng vai trò “tên lính xung kích” của khối cộng sản trong cuộc chiến đối đầu với các nước “tư bản” (mà thực ra phải gọi là “phi cộng sản”), chứ không phải là “ngọn cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc và hòa bình thế giới” như trong luận điệu tuyên truyền chính trị.
Đương nhiên, bức biếm họa này là bằng chứng quá đủ để đưa Chóe vào trại giam mà chưa cần xét nội dung của nó đúng hay sai, nếu như ông sống tại miền Bắc. Không biết chừng còn bị đem ra pháp trường ấy chứ ! Người ta có thể khoác lên cổ ông dăm bảy cái gông : không phản ánh đúng thực tế xã hội ; gây mất lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của đảng và nhà nước ; nói xấu lãnh tụ và kích động chia rẽ tình đoàn kết giữa các nhà lãnh đạo với nhân dân ; thoái hóa về tư tưởng, đạo đức và lối sống ; nghe theo sự xúi giục của các thế lực thù địch để quay lại chống phá nhà nước… Vả chăng, không chỉ chính quyền kết án ông mà dư luận sẽ dè bỉu, nhục mạ ông vì dám “chà đạp thần tượng” của họ. Nhưng rất may cho Chóe là còn có thể toàn mạng đến năm 2003, bởi vì ông sinh sống tại miền Nam – nơi mà bất kỳ ai cũng có thể đốt quốc kỳ, gọi các ông Diệm – Thiệu – Kỳ – Hương là “thằng” mà không bị lên án. Không có nghĩa quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa “do bọn phong kiến phản động và bọn lưu manh xu thời ngụy tạo”, hay chính thể này là “sản phẩm của chủ nghĩa tân đế quốc” nên không xứng đáng được tôn trọng, mà thật đơn giản, thể chế chính trị tại miền Nam cho phép Chóe trình bày mọi quan điểm riêng và bảo vệ cái quyền được trình bày đó. Một phía là cấm phản biện và cấm chỉ trích, bất kể đúng – sai ; phía còn lại bảo đảm và khuyến khích mọi tố chất cá nhân, dù có phi logic hay khó hiểu đến mức nào chăng nữa. Tuy thế, đã có thời nhiều người tin rằng, các nhân vật ưa phản biện như Chóe là “biểu hiện tâm lý phản kháng của nhân dân lầm than trong vùng giặc tạm chiếm”.

No comments:

Post a Comment