Wednesday, August 20, 2014

Dĩ độc trị độc?

Thiện và Ác - Chiến Quốc Sách chống Thánh Chiến

Thời sự quốc tế có loan những loại tin lạ như sau.

Trong vụ xung đột trên Dải Gaza, một thành viên của Minh Ước NATO - đồng minh của Hoa Kỳ - lại yểm trợ phe Hamas, lực lượng khủng bố đang bắn hỏa tiễn vào các khu đông dân của Israel, một đồng minh chiến lược của Mỹ. Vì vậy, chính quyền Israel mới kín đáo hợp tác với chế độ quân phiệt của Tổng Thống Abdel Fattah al-Sisi tại Egypt để từ bán đảo Sinai phá vỡ khả năng tấn công của Hamas. Ðại Tướng al-Sisi là người xuất phát từ quân đội đã thẳng tay tiêu diệt lực lượng Huynh Ðệ Hồi Giáo Muslim Brotherhood nên bị chính quyền của Tổng Thống Barack Obama nghi ngờ và coi như độc tài chẳng kém gì Tổng Thống Hosni Mubarak ngày xưa.

Trong vụ xung đột trên lãnh thổ Iraq, để ngăn đà bành trướng của lực lượng Thánh Chiến xưng danh Ðế Quốc Hồi Giáo Caliphat dưới quyền một nhân vật có tham vọng làm Thánh Ðế Caliph, còn cao hơn hoàng đế, là “giáo chủ” Abu Bakr al-Baghdadi của hệ phái Sunni, Mỹ đang liên kết với các giáo chủ Shia của Iran và cả chế độ độc tài và hiếu sát của Tổng Thống Bashar al-Assad tại Syria. Mới năm ngoái thôi, Tổng Thống Obama còn vạch lằn ranh đỏ và dọa tấn công chế độ al-Assad, ngày nay đôi bên lại sát cánh để tiêu diệt một lực lượng khủng bố còn hiếu sát hơn. Và việc Mỹ hợp tác với Iran, kẻ thù công khai từ 35 năm qua, cho thấy cái lẽ đảo điên của thời sự.

Người ta thấy hai khái niệm “thiện và ác,” hay dân chủ và độc tài, đang bị thực tế đập tan tành. “Hồ Sơ Người Việt” sẽ rọi đèn vào đó để chúng ta cùng điều chỉnh lý luận cho tinh tế hơn...


Ôn hòa và quá khích

Khởi đầu mọi chuyện có thể là lực lượng khủng bố al-Qaeda với thành tích tấn công nước Mỹ trong vụ “9-11” năm 2001 sau nhiều năm thao dợt nghiệp vụ trên các mục tiêu khác của Hoa Kỳ.

Tổ chức này còn dữ hơn lực lượng OLP của Yasser Arafat, đòi giải phóng Palestine bằng hành vi khủng bố, và al-Qaeda được chế độ Taliban chứa chấp tại Afghanistan. Khi lực lượng Taliban đánh đòn khủng bố trong cuộc nội chiến và cướp chính quyền tại Kabul vào năm 1996, chẳng ai giật mình. Người ta chỉ rùng mình, rồi thôi, khi chế độ Taliban cho nổ tung những pho tượng Phật cổ nhất tại Trung Á vào Tháng Ba năm 2001. Ðấy là chuyện nội bộ của họ!

Cũng vậy, vào đầu năm 2005, khi mật vụ của chế độ độc tài Syria và lực lượng khủng bố Hizbollah do Iran yểm trợ tại Lebanon tổ chức ám sát Thủ Tướng Lebanon là Rafic Hariri, với gần hai tấn thuốc nổ, thế giới thản nhiên coi như đấy là bạo động trong thế giới Hồi Giáo với nhau. Người ta điều tra, tố giác rồi lại thôi.

Ngày nay, tổ chức al-Qaeda coi như đã bị tê liệt khi lãnh tụ Osama bin Laden bị ám sát và những tàn dư của các lực lượng al-Qaeda tự phát hay nội hóa, tại khu vực Yemen, tại vùng Hồi Giáo Mahgreb, tại bán đảo á Rập, dần dần bị khống chế. Nhưng từ al-Qaeda mà ra. lực lượng xưng danh “al-Qaeda tại Iraq” (AQI) đã thoát xác và thoát khỏi chiến lược al-Qaeda để trở thành ISIL, Islamic State of Syria and the Levant, thế giới lại một phen giật mình.

Mở mùa lễ chay Ramadan của Hồi Giáo vào ngày 29 Tháng Sáu, lực lượng ISIL này xưng danh Ðế Quốc Hồi Giáo và ra tuyên ngôn trong tạp chí “Dabiq” mà chẳng mấy ai thèm xem, hay nói tới. Tuyên ngôn đó có phần tuyên truyền, phần vận động và quan trọng nhất phần trình bày mục tiêu và chiến lược. Cuối mùa lễ Ramadan, tạp chí Dabiq xuất bản số hai, với phần Anh ngữ rất chuẩn để nói rõ hơn về kế hoạch thành lập một đế quốc Hồi Giáo duy nhất với mục thống tiêu thống nhất thế giới Hồi Giáo dưới sự lãnh đạo của Thánh Ðế Abu Bakr al-Bahdadi. Tuần trước, Hồ Sơ Người Việt đã có một bài trình bày kế hoạch này (Người Việt số ra ngày 13 Tháng Tám).

Yếu tố đáng chú ý ở đây là hai phần “đạo” và “đời.”

Về đạo, lực lượng ISIL hay ISIS hay IS của al-Bahdadi viện dẫn cổ thư, Kinh Thánh và Kinh Koran để chứng minh lẽ chính thống của mình, còn cực đoan và toàn trị hơn mọi loại giáo luật khác của đạo Hồi. Về đời, lực lượng này đả kích al-Qaeda là ôn hòa nhu nhược, phân ranh bạn thù và kêu gọi dân Hồi Giáo theo hệ phái Sunni di cư và tập trung vào khu vực kiểm soát của họ, nằm ngang lãnh thổ Syria và Iraq. Tổ chức hiếu sát này không chỉ nói chuyện trên trời, hoặc ra tay tàn sát bất cứ ai không đồng ý với họ, mà còn có tham vọng về địa dư và lãnh thổ trong khi vẫn kêu gọi nổi dậy từ Bắc Phi qua Tây Phi, Trung Ðông, Trung Á, Nam Á và Ðông Nam Á.

Ðể bạn đọc dễ tìm trên bản đồ, xin liệt kê ở đây 12 quốc gia được nhắc tới: Tunisia và Algeria (Bắc Phi), Yemen (Bán đảo Á Rập), Mali, Nigeria (Tây Phi), Somalia (Ðông Phi), bán đảo Sinai (của Egypt, tiếp giáp với Dải Gaza), khu vực Waziristan của Pakistan tiếp giáp với Afghanistan), Libya, Chechnya (của Nga), Indonesia và Philippines (Ðông Nam Á)...

Chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của một tổ chức quá khích nhất trong thế giới Hồi Giáo. làm nhiều xứ Hồi Giáo khác phải quan tâm.


Loạn trị và hợp tan

Hình như người ta - giới lãnh đạo và truyền thông lẫn chúng ta - vẫn đánh giá sai khả năng giết người của những tư tưởng cao đẹp hay những lý luận tôn giáo như “cách mạng” hay “Thánh Chiến.”

Vụ đặt bom ở Boston Marathon tại Hoa Kỳ năm ngoái cho thấy hai anh em di dân đã có chỗ đứng trong xã hội Mỹ vẫn trở thành sát nhân, nhân danh “Thánh Chiến.” Vụ nhà báo Mỹ James Foley vừa bị lực lượng IS chặt đầu sau hai năm bị bắt làm con tin có thể làm nhân loại rùng mình. Nhưng nhân loại gọi là văn minh còn rùng mình hơn nữa, nếu quả thật là ký giả Foley đã bị một tay khủng bố người Anh hành quyết. Việc lực lượng này xuất bản hai tạp chí bằng một thứ Anh ngữ của người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ cho thấy khả năng quyến rũ thanh niên của những lý luận sát nhân.

Vì thế, mối nguy của loại tổ chức quá khích như lực lượng Thánh Chiến IS với giấc mơ điên cuồng của một đế quốc Hồi Giáo toàn cầu không thu hẹp vào thế giới Hồi Giáo. Lý luận khôn ngoan và hơi ích kỷ, là “cứ để các hệ phái đó giết nhau đi,” có những giới hạn của nó. Nếu không quan tâm đến mối nguy này thì chính các nước Tây phương sẽ bị thiệt hại như đã từng bị sau khi quay lưng với al-Qaeda hay Taliban.

Nhưng nếu quan tâm và muốn góp phần giải quyết, các nước Tây phương và đứng đầu là Hoa Kỳ sẽ phải hợp tác với nhiều chế độ độc tài và gian ác. Quan niệm Thiện và Ác như hai thế đối lập chỉ có trong kinh sách, chứ thực tế lại rắc rối và bẽ bàng gấp bội.

Hoa Kỳ thời Tổng Thống George W. Bush sai lầm khi mở chiến dịch Iraq và lật đổ chính quyền đa sát của Saddam Hussein nên tạo cơ hội cho chế độ độc tài Iran. Rút tỉa kinh nghiệm, ông Bush đã đảo ngược quyết định tháo chạy mà dồn quân đánh tới vào năm 2007 và tạm dàn xếp một giải pháp hòa hợp giữa ba phe Sunni, Shia và Kurd để rút lui. Sai lầm của chính quyền Obama là tháo chạy bằng mọi giá khỏi Iraq và để lại một khoảng trống nguy hiểm khiến nước Mỹ lại phải nhập cuộc lần nữa. Sai lầm kế tiếp là đối sách nhập nhằng với Syria, vừa đủ để làm chế độ al-Assad bị suy yếu, mà chưa đủ để một lực lượng khác có thể ổn định xứ này.

Nhưng làm sao ổn định được một quốc gia Hồi Giáo thành hình từ những dàn xếp ngược ngạo của lịch sử khiến sắc tộc và hệ phái tôn giáo lại coi nhau như kẻ thù?

Hỗn loạn tại Syria và Iraq đã tạo khoảng trống cho lực lượng IS tung hoành. Chỉ hai năm sau là đe dọa cả bốn khu vực địa dư là Syria, Iraq, Iran và vùng kiểm soát của sắc tộc Kurd. Ở chung quanh là các chế độ Hồi Giáo thân Mỹ mà chưa hề có dân chủ, như Jordan, Saudi Arabia... Xa hơn nữa thì có xứ Egypt. vẫn mang tiếng quân phiệt và Libya, nay đã rơi vào phân hóa sau khi lãnh tụ Muammar Gaddhafi bị hạ sát nhờ sự can thiệp của Hoa Kỳ.

Kết quả là Hoa Kỳ ngày nay phải bắt tay với các chế độ thiếu dân chủ và nhiều khi chống Mỹ, để đối phó với một lực lượng còn tàn ác hơn al-Qaeda, cực đoan hơn Taliban...


Kết luận ở đây là gì?

Lãnh đạo Hoa Kỳ phải giải thích được cho quần chúng - trước hết là cho loại truyền thông lý tưởng và nông cạn - cái thực tế phũ phàng của thế giới bên ngoài, để người dân biết cân nhắc lợi hại của ngắn hạn và trường kỳ. Hơn là cứ phản ứng theo cảm quan của thời sự.

08-20-2014 2:07:38 PM
 Hùng Tâm/Người Việt

No comments:

Post a Comment