Thursday, June 12, 2014

Mỹ sẽ “bóp nghẹt yết hầu” trên biển của Trung Quốc?

baodatviet.vn - Trong tương lai Mỹ sẽ sử dụng chiến lược gì để ngăn chặn TQ? Tác chiến “Không hải nhất thể” chăng? Đây có thể là chiến lược đã quá lỗi thời!
Bài viết trên trang web của Tạp chí “Lợi ích quốc gia” (The National Interest - TNI) của Mỹ ngày 10-06 phân tích, “Tác chiến không-hải nhất thể” mang lại quá nhiều bất trắc nhưng hiệu quả rất thấp. Một số phân tích và so sánh dưới đây cho thấy, cắt đứt con đường xuất, nhập khẩu của Trung Quốc mới là chiến lược mang lại hiệu quả cao nhất.
Bài viết chỉ ra, khái niệm về “Tác chiến không-hải nhất thể” đã được Trung tâm đánh giá chiến lược và dự toán ngân sách Mỹ đưa ra vào năm 2010.
Căn cứ vào khái niệm này, một khi nổ ra chiến tranh với Trung Quốc, quân đội Mỹ sẽ tấn công hệ thống giám sát tình báo và hệ thống phòng không của Đại lục, sau đó sẽ triển khai chiến dịch đánh phá các hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa chống hạm trên lục địa của Trung Quốc, đồng thời cướp đoạt quyền kiểm soát mạng lưới tác chiến và quyền khống chế trên không, trên biển và trên vũ trụ.
Bài viết của Tạp chí “Lợi ích quốc gia” cho biết, khái niệm “Tác chiến không-hải nhất thể” còn tồn tại một số vấn đề thiếu sót nghiêm trọng. Về bản chất, hình thái tác chiến này là một hành động khiêu khích hết sức nghiêm trọng.
Yếu tố cốt lõi của khái niệm “Tác chiến không-hải nhất thể” chính là khắc chế sự thách thức của chiến lược “chống tiếp cận/khu vực cấm” (A2/AD) mà một số đối thủ tiềm tàng đang áp dụng, tiêu biểu là Trung Quốc, hiện đang đe dọa sự “tự do hoạt động” của không quân và hải quân Mỹ.
“Tác chiến không-hải nhất thể” chủ yếu bao gồm các đòn tấn công chính xác phủ đầu từ xa (ví dụ như tên lửa siêu thanh) và tấn công phá hoại mạng thông tin chỉ huy - hiệp đồng với tính chất như một chiến dịch “làm mù mắt đối phương” (ví dụ như bom xung mạch điện từ, vũ khí chống radar…).
Tác chiến không-hải nhất thể không còn khắc chế được Trung Quốc?
Tác chiến không-hải nhất thể không còn khắc chế được Trung Quốc?
Điều này có nghĩa là, quân đội Mỹ sẽ thông qua các phương tiện tác chiến tầm xa tàng hình để hủy diệt khả năng tấn công và dập tắt năng lực phòng không của Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các hành động quân sự tiếp theo. Mỹ tuyên bố, khái niệm “Tác chiến không-hải nhất thể” của họ không có liên quan gì đến chiến lược của Trung Quốc nhưng rõ ràng mục đích của Washington là nhằm vào Bắc Kinh.
Lực lượng pháo binh 2 (Binh chủng tên lửa chiến lược) của quân đội Trung Quốc đồng thời kiểm soát cả hệ thống tên lửa thông thường và tên lửa hạt nhân, Nếu Mỹ phát động tấn công vào lực lượng đang nắm quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược Trung Quốc, rất có khả năng sẽ dẫn đến một cuộc xung đột không thể kiểm soát.
Đồng thời, một nhiệm vụ hết sức khó khăn là quân đội Mỹ phải phát hiện và phá hủy bằng được các hệ thống tên lửa, phần lớn là theo kiểu cơ động của Trung Quốc. Trong chiến tranh vùng Vịnh, dường như quân đội Mỹ đã thất bại khi thực hiện nhiệm vụ này.
Bài báo nêu rõ, cơ hội thành công trong ba lĩnh vực chính của khái niệm về “tác chiến không hải nhất thể” là “Làm mù, Quét sạch các đầu mối chỉ huy, kiểm soát và Áp chế các hệ thống phóng tên lửa của đối phương” là rất nhỏ. Nó còn phải đối mặt với những rủi ro lớn từ các cuộc tấn công của Trung Quốc, khiến xung đột leo thang không thể kiểm soát được.
Đồng quan điểm, chuyên gia Nga Kashin cho rằng, khái niệm "tác chiến không-hải nhất thể" được xây dựng đầu tiên là nhằm phá hủy các hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính, tình báo, trinh sát và do thám của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), cắt đứt liên lạc giữa các phương tiện này với khu vực tác chiến.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo vệ mình trước chiến lược này của Mỹ. Nhiều kế hoạch lớn đã được đầu tư phát triển để đối phó như: các phương tiện tác chiến điện tử, tấn công mạng và sử dụng vũ khí chống vệ tinh... Như vậy, bước thứ nhất Mỹ cũng khó hoàn thành nói gì đến bước thứ 2.
Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc hiện đang quản lý lực lượng tên lửa hạt nhân
Binh chủng Pháo binh 2 Trung Quốc hiện đang quản lý lực lượng tên lửa hạt nhân
Vị chuyên gia của của Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, tới năm 2020, Trung Quốc sẽ có khả năng tác chiến trên toàn vùng tây Thái Bình Dương. Khi đó, Trung Quốc sẽ có khả năng đánh bại các đồng minh Tây Thái Bình Dương của Mỹ trong một hay thậm chí một vài cuộc xung đột liên tiếp.
Hiện nay, một khi Trung Quốc đã muốn chiếm ưu thế ở Tây Thái Bình Dương với sự đầu tư ồ ạt cho không quân và hải quân, thì lực lượng của Mỹ đang hiện diện ở khu vực này không thể ngăn cản được. Kashin đưa ra nhận định, về chính trị, Bắc Kinh sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến như vậy trước khi Washington kịp phản ứng.
Mỹ sẽ áp dụng chiến lược "Kiểm soát xa bờ" đối phó với Trung Quốc?
Bài viết của TNI đưa ra cảnh báo là “Tác chiến không-hải nhất thể” sẽ đem lại quá nhiều bất trắc, hiệu quả thì chưa rõ ràng nhưng hậu quả thì đã có thể lường trước được là rất thảm khốc. Vì vậy, Mỹ không nên áp dụng chiến lược phiên lưu và manh động do giới quân sự đưa ra.
TNI đưa ra kiến nghị, Washington nên dùng "Kiểm soát xa bờ" như là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay để đối phó với Bắc Kinh. Biện pháp này không mang tính chất công kích trực tiếp Trung Quốc, mà chỉ lợi dụng ưu thế địa lý để cản trở xuất, nhập khẩu thương mại, làm suy thoái nghiêm trọng nền kinh tế của Trung Hoa Đại Lục.
Ưu điểm lớn nhất của chiến lược này là không phải mạo hiểm xuyên phá qua không phận trên biển và trên đất liền của Trung Quốc, giảm được nguy cơ xung đột leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Bài viết phân tích, chiến lược này có ưu thế lớn trong việc lợi dụng các điểm yếu của quân đội Trung Quốc vì ngoài chuỗi đảo thứ nhất, năng lực tác chiến của quân đội nước này giảm xuống rõ rệt. Mỹ có thể tuyên bố, mỗi vùng biển là một khu vực cấm hành trình, tàu thuyền qua lại vùng biển này sẽ bị bắt giữ hoặc đánh chìm.
“Kiểm soát xa bờ”sẽ khiến những vũ khí khủng của Trung Quốc trở thành vô dụng?
“Kiểm soát xa bờ”sẽ khiến những vũ khí khủng của Trung Quốc trở thành vô dụng?
Bằng cách ngăn cấm tàu vận tải hàng hóa và tàu dầu qua lại, Mỹ có thể nhanh chóng làm cho kinh tế Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng. Đối với Trung Quốc, xuất, nhập khẩu là vấn đề rất quan trọng. Xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào những tàu chở container lớn, bởi vì phí vận chuyển thấp, mà những tàu thuyền này và cả các tàu chở dầu rất dễ bị đánh chìm.
Một chuyên gia Trung Quốc ngày 10-06 đã bình luận trên tờ “Thời báo Hoàn Cầu” rằng, chính quyền Obama công khai tuyên bố họ không muốn gây trở ngại cho tàu thuyền tự do hải hành trên vùng biển quốc tế, nhưng hành động lại trái ngược khi công bố phong tỏa vùng biển giáp với Trung Quốc.
Vị chuyên gia này tuyên bố rùm beng rằng, đây là bằng chứng không thể chối cãi về việc để đối phó đối với chính quyền Bắc Kinh, Washington sẵn sàng vứt bỏ tất cả nguyên tắc và luật pháp quốc tế mà họ đã đề xướng (trong khi đó, Bắc Kinh cũng sẵn sàng và đã nhiều lần chà đạp lên luật lệ quốc tế)!
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng ngạo mạn tuyên bố, dù là như vậy, chiến lược “Kiểm soát xa bờ” cũng không hề thuận lợi như Washington đã tưởng tượng. Mỹ có không ít các quốc gia đồng minh ở châu Á, nhưng đa số các quốc gia này không mấy hy vọng vào cái ô bảo hộ của Mỹ và không muốn “tự châm lửa đốt mình” vì lợi ích của Hoa Kỳ.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, hiện tại Mỹ không thể phát động một cuộc chiến tranh toàn diện chống lại nước này, bởi siêu cường số một đang suy giảm về kinh tế và đầu tư quốc phòng. Hơn nữa, “Chú Sam” vẫn đang phải “vật lộn” với “Gấu Nga” nhằm cứu vớt “hình ảnh bẽ bàng” ở Ukraine.
Mỹ có hai đồng minh lớn ở Châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng cả hai nước này đều không thể một mình chống chọi với Trung Quốc. Seoul còn đang phải “mắt nhắm mắt mở” trước những hành động cứng rắn của Triều Tiên, trong khi Tokyo chỉ đủ các hệ thống vũ khí cần thiết để bảo vệ mình trước một cuộc tấn công tiềm tàng của Bắc Kinh.
Bóp nghẹt tuyến hàng hải đường biển là biện pháp có hiệu quả cao nhất để hạ gục Trung Quốc (Ảnh minh họa)
Bóp nghẹt tuyến hàng hải đường biển là biện pháp có hiệu quả cao nhất để hạ gục Trung Quốc (Ảnh minh họa)
Hơn nữa, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nếu như xuất, nhập khẩu của nước này bị ảnh hưởng sẽ phá hoại trật tự kinh tế toàn cầu hóa, Mỹ cũng không tránh khỏi thiệt hại, thậm chí nền kinh tế thế giới cũng không tránh khỏi những hậu quả nặng nề.
Phải chăng người Trung Quốc đã đánh giá quá cao giá trị nền kinh tế của mình trong bối cảnh những hành động hung hăng của nước này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đầu tư vào thị trường Trung Quốc và đầu tư ra nước ngoài của doanh nhân nước này?
Một ví dụ điển hình là Nhật Bản. Trong năm 2013, Tokyo đã có những hành động quyết liệt đánh thẳng vào nền kinh tế của Trung Quốc như: Rút vốn đầu tư trực tiếp và chuyển dịch các cơ sở sản xuất của nước này từ Trung Quốc sang Myanmar và các nước láng giềng của Bắc Kinh, gây ra sự lo lắng rất lớn của các chuyên gia kinh tế nước này.
Nếu các nước lớn chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt, đồng loạt làm như Nhật, rút vốn đầu tư và chuyển các cơ sở sản xuất sang các nước láng giềng, hình thành một vòng cung kinh tế mở bao vây xung quanh một nền kinh tế bị phong tỏa của Trung Quốc.
Đồng thời các nước nhỏ, có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc chấp nhận mất một nguồn đầu tư tuy lớn nhưng “lợi bất cập hại”, thẳng tay loại bỏ hoặc siết chặt quản lý các dự án đầu tư và đấu thầu quốc tế có yếu tố Trung Quốc thì Bắc Kinh có còn huênh hoang được nữa không?
Lúc đó, những đầu tư kênh đầu tư vì lợi ích chính trị như với Nga, những hợp tác của Trung Quốc với 1 vài đối tác bé nhỏ như Pakistan, Bangladesh… hoặc những cam kết đổi chác kiểu vắt kiệt tài nguyên của các nước nghèo ở châu Phi có giúp cho nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc tránh khỏi sụp đổ hay không?
Trái ngược với quan điểm của giới chức quân sự và những chính khách “diều hâu”, nhận định của giới học giả đưa ra rõ ràng là hợp lý hơn. Các đòn đánh “điểm huyệt” về kinh tế vừa hiệu quả hơn lại vừa hỗ trợ đắc lực cho các biện pháp chính trị và quân sự nên nó phải trở thành biện pháp chủ đạo.
Thứ Sáu, 13/06/2014 06:35
Thiên Nam

No comments:

Post a Comment