(GDVN) - "Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn rất kiềm chế, nhưng tất nhiên, giống như bất kỳ quốc gia nào khác, chúng tôi có quyền tự vệ", Đại sứ Lê Hoài Trung cho biết.
Bất chấp sự đe dọa, cản phá hung hãn của tàu chiến, máy bay, tàu công vụ và tàu cá vỏ sắt Trung Quốc, lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên trì bám biển, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam. Ảnh Reuters.
Tờ Đa Chiều của người Hoa hải ngoại ngày 11/6 đưa tin, kể từ khi xảy ra vụ giàn khoan 981 (Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - PV), lãnh đạo Việt Nam nhiều lần tỏ thiện chí muốn đối thoại với phía Trung Quốc để giải quyết khủng hoảng, nhưng đều bị Bắc Kinh gạt đi.
Đa Chiều bình luận, việc đóng băng mọi khả năng đối thoại cấp cao với lãnh đạo Việt Nam từ phía Trung Quốc là "tuyệt tình hiếm thấy". Thậm chí Bắc Kinh còn đưa vấn đề (vu cáo trắng trợn Việt Nam) ra Liên Hợp Quốc hôm 9/6 đã khiến thế công - thủ giữa 2 bên trên Biển Đông đang dần thay đổi, người Trung Quốc đang hể hả rằng đó là "hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam vì đã dám khiêu khích Trung Quốc"?!
Thái độ gây sự, kiếm chuyện rồi lại dội nước lạnh vào thiện chí của người khác sẽ không giúp gì cho uy tín của lãnh đạo Bắc Kinh, và càng không thể hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông, trừ phi đây chính là điều họ muốn (tiếp tục duy trì căng thẳng), vì đằng sau vụ giàn khoan có thể còn một âm mưu khác thâm độc hơn. Trung Quốc cần có con bài để đánh lạc hướng dư luận và thu hút sự chú ý của Việt Nam, đó là hoạt động phi pháp biến 6 bãi đá Trung Quốc xâm lược ở Trường Sa thành đảo nhân tạo - PV.
Hãng Kyodo News ngày 11/6 bình luận, việc Bắc Kinh đóng tất cả các cánh cửa đối thoại cấp cao với Việt nam là thái độ cứng rắn (hống hách) hiếm thấy, vì vậy người ta khó có thể dự đoán căng thẳng vụ giàn khoan 981 bao giờ mới hạ nhiệt.
Kyodo News cho hay, ngày 13/5 một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã qua Trung Quốc trao đổi, giải quyết tình hình căng thẳng nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục từ chối tiếp xúc cấp cao. Hôm 20/5 khi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan sang Thượng Hải dự hội nghị Các biện pháp xây dựng lòng tin (CICA) có tiếp xúc ngoại giao với Tập Cận Bình, nhưng 2 bên cũng không thực hiện hội đàm để hóa giải căng thẳng trên Biển Đông.
Động thái đặc biệt đáng chú ý của Bắc Kinh là hôm 9/6 họ đã công khai đưa vấn đề giàn khoan 981 ra Liên Hợp Quốc (vu cáo Việt Nam) và yêu cầu phổ biến tài liệu (xuyên tạc, bịp bợm) này đến 193 quốc gia thành viên.
Trong khi đó cho đến hiện tại Bắc Kinh vẫn tiếp tục rêu rao "sẵn sàng đối thoại hòa
bình với các bên tranh chấp", nhưng thực chất vừa tìm cách uy hiếp Việt Nam trên thực địa bằng tàu chiến, máy bay, vừa lu loa vu cáo Việt Nam trên mặt trận ngoại giao, tuyên truyền, đồng thời đóng cánh cửa đối thoại dù Việt Nam đã rất thiện chí - PV.
Điều này càng chứng tỏ những "thiện chí cửa miệng" của Bắc Kinh không đáng tin cậy, nó chỉ là thủ đoạn câu giờ, tìm cách trì hoãn Việt Nam sử dụng biện pháp pháp lý đối phó với hành vi bành trướng, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam từ phía Trung Quốc mà thôi.
Đúng như Đại sứ Lê Hoài Trung, đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã tuyên bố và được tờ Bưu điện Hoa Nam trích dẫn, Bắc Kinh đã từ chối tham gia đối thoại hòa bình mà vẫn khăng khăng vị trí hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là "thuộc chủ quyền Trung Quốc không thể tranh cãi"?!
Đại sứ Trung nhận xét, thái độ này của Trung Quốc từ chối đối thoại là hành vi khiêu khích và chỉ làm tăng thêm quan ngại nghiêm trọng trước tình hình. Việt Nam không hề khiêu khích như Trung Quốc vu cáo, Việt Nam muốn đối thoại hoặc bất kỳ phương pháp hòa bình nào để giải quyết vấn đề.
"Cho đến bay giờ chúng tôi vẫn rất kiềm chế, nhưng tất nhiên giống như bất kỳ quốc gia nào khác, chúng tôi có quyền tự vệ", Đại sứ Lê Hoài Trung cho biết.
No comments:
Post a Comment