Thursday, June 12, 2014

Trung Quốc 'Quốc tế hóa' Tranh chấp Biển Đông?

Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp
Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp

Duy Ái-12.06.2014
Trung Quốc hồi đầu tuần này đã nộp văn thư cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon để tố cáo Việt Nam gây phương hại cho hòa bình và ổn định khu vực qua việc cản trở những hoạt động của giàn khoan mà Bắc Kinh hạ đặt trong vùng biển Hà Nội cho là thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của mình. Đây là lần thứ nhì trong vòng chưa đầy 3 tuần Trung Quốc đưa vấn đề giàn khoan 981 ra trước Liên hiệp quốc, mặc dù Bắc Kinh lâu nay vẫn nhất mực đòi đàm phán song phương để giải quyết những vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Một số các nhà phân tích cho rằng sự việc này phản ánh mối lo ngại ngày càng nhiều của Trung Quốc đối với việc các nước láng giềng sử dụng luật pháp quốc tế để triệt tiêu ưu thế quân sự của Trung Quốc trong vụ tranh chấp Biển Đông.

Tàu Tuần duyên của Trung Quốc vây quanh giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc, cách bờ biển Việt Nam khoảng 210 km 14/5/14
Tàu Tuần duyên của Trung Quốc vây quanh giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc, cách bờ biển Việt Nam khoảng 210 km 14/5/14

Hôm thứ hai (ngày 9 tháng 6) vừa qua, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Vương Dân đã nộp một hồ sơ gọi là thông báo lập trường về vụ giàn khoan 981 cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon và yêu cầu nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc chuyển hồ sơ này cho tất cả các nước hội viên.

Sau khi nộp hồ sơ có nhan đề “Giàn khoan 981: Sự gây hấn của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc”, ông Vương Dân đã họp báo để tố cáo Hà Nội gây phương hại cho hòa bình và ổn định khu vực qua những hành động mà ông gọi là “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc”.

Theo Tân Hoa Xã, hồ sơ lập trường của Trung Quốc có kèm theo nhiều văn kiện để chứng minh điều mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các quần đảo và vùng biển có tranh chấp với Việt Nam, trong đó có thông cáo về lãnh hải mà Trung Quốc công bố năm 1958 và công hàm cùng năm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gởi cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Hồ sơ này nói rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa) từ nhiều thập niên trước.

Trước đó, Việt Nam cũng đã hai lần gởi hồ sơ cho Liên hiệp quốc để tố cáo Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền khi đưa giàn khoan đến hoạt động trong vùng biển mà Hà Nội cho là thuộc thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc Lê Hoài Trung đã lên tiếng đòi Trung Quốc di dời giàn khoan và hơn 100 chiếc tàu ra khỏi hiện trường để tạo điều kiện cho việc tiến hành đàm phán. Tuy nhiên, ông Trung nói thêm rằng Bắc Kinh liên tục từ chối đối thoại và khăng khăng cho rằng vùng biển đặt giàn khoan “không hề có tranh chấp gì cả.”

Hôm thứ 3 (ngày 10 tháng 6), một ngày sau khi nhận hồ sơ của Trung Quốc, phát ngôn viên Liên hiệp quốc cho báo chí biết rằng cơ quan thế giới này sẵn sàng điều giải vụ tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam.

Ông Stephane Durrajic nói rằng ông Ban Ki Moon sẵn sàng đứng ra làm trung gian điều giải nếu có sự yêu cầu của các bên liên hệ. Nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc cũng bày tỏ hy vọng là vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo tường thuật hôm thứ 3 của tạp chí The Diplomat, xét theo bề ngoài thì việc Trung Quốc nêu ra vụ tranh chấp với Việt Nam tại Liên hiệp quốc là một việc khó hiểu, vì lâu nay Bắc Kinh vẫn nhất mực đòi thương thuyết song phương với các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và không ngớt chỉ trích điều mà họ gọi là “âm mưu quốc tế hóa” vụ tranh chấp này. Nhưng thật ra, việc nộp hồ sơ lập trường cho Liên hiệp quốc phản ánh mối lo ngại ngày càng nhiều của Trung Quốc đối với việc các nước láng giềng sử dụng luật pháp quốc tế để triệt tiêu ưu thế quân sự của Trung Quốc trong vụ tranh chấp Biển Đông. 

Đường 'lưỡi bò', vùng biển Trung Quốc đòi chủ quyền
Đường 'lưỡi bò', vùng biển Trung Quốc đòi chủ quyền

Hồi tháng trước, sau khi xảy ra vụ đối đầu vì vụ giàn khoan, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cho biết Hà Nội đang xem xét tới việc tiến hành những hành động pháp lý để chống lại những hành vi của Trung Quốc mà nhiều người mô tả là có tính chất gây hấn và gây mất ổn định ở Biển Đông.

Philippines cũng đã kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Liên hiệp quốc về Luật Biển, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Các nhà quan sát cho rằng nếu Việt Nam kiện Trung Quốc, quyết định đó có phần chắc sẽ nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của nhiều nước, kể cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia.   

Các nhà phân tích cho rằng qua việc chủ động nêu vấn đề Biển Đông tại một tổ chức quốc tế và trình bày yêu sách chủ quyền của mình, Trung Quốc có thể đang tìm cách làm cho Việt Nam không thực hiện lời đe dọa mà ông Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra.

Theo nhận xét của nhà bình luận Zachary Keck của tờ The Diplomat, chiến lược mới của Trung Quốc có tính chất hợp lý đối với vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, nơi mà ông cho là Trung Quốc có những luận cứ tương đối vững chắc. Ông Keck cho rằng Bắc Kinh đang hy vọng là mối rủi ro thua kiện sẽ khiến Việt Nam từ bỏ ý định đưa vấn đề này ra trước tòa án trọng tài quốc tế, và như thế, các nước khác có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông cũng sẽ cảm thấy ngần ngại trong việc sử dụng luật pháp quốc tế để chống lại Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Keck, chiến lược mới của Trung Quốc là một canh bạc nguy hiểm vì Trung Quốc đang quốc tế hóa vụ tranh chấp và nâng cao vị trí của luật pháp quốc tế như một cơ sở cho các yêu sách chủ quyền và giải quyết tranh chấp.

Ông Keck cho rằng tuy điều này có thể có lợi cho Trung Quốc trong vụ tranh chấp với Việt Nam về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, nhưng đường lưỡi bò mà Bắc Kinh dùng để đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông hoàn toàn trái ngược với luật pháp quốc tế. Và do đó Trung Quốc sẽ gặp phải mối rủi ro là tạo ra một tiền lệ mà họ không muốn phải tôn trọng trong nhiều trường hợp tương tự.

Trong lúc Bắc Kinh và Hà Nội đưa vụ đối đầu về giàn khoan ra trước Liên hiệp quốc, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á đã nhắc lại lập trường của Washington là không nghiêng về bên nào trong vụ tranh chấp, tuy ông đã chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc để củng cố yêu sách của mình.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Rangoon hôm thứ 3 vừa qua, ông nói rằng “Chúng tôi không có ý kiến đối với vấn đề yêu sách của Trung Quốc mạnh hơn hay yêu sách của Việt Nam mạnh hơn. Chúng tôi chỉ không tán đồng sự khẳng định thẳng thừng của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc là yêu sách của họ là không thể tranh cãi.” Vị trợ lý ngoại trưởng Mỹ hối thúc Trung Quốc và Việt Nam rút toàn bộ tàu bè ra khỏi khu vực đang có đối đầu và yêu cầu Bắc Kinh dời giàn khoan đi nơi khác.

Ông Russel cũng khuyến khích Trung Quốc tham gia vụ kiện với Philippines tại Tòa án Trọng tài Liên hiệp quốc. Ông nói rằng đó là một cơ hội “để loại bỏ sự mơ hồ liên quan tới những yêu sách của Trung Quốc, những yêu sách đã góp phần làm gia tăng căng thẳng và bất trắc trong khu vực.”
 

No comments:

Post a Comment