HÀ NỘI (NV) - Đó là điều mà ông Du Chính Thanh, chủ tịch Hội Nghị Chính Trị Hiệp thương Nhân Dân (Chính Hiệp) Trung Quốc nêu ra với ông Lê Hồng Anh, ủy viên thường trực Bộ Chính Trị Đảng CSVN.
Ông Du Chính Thanh (trái) hội đàm với ông Lê Hồng Anhtại Hà Nội hôm 25 tháng 12, 2014. (Hình: Tân Hoa Xã)
Ông Du Chính Thanh được xem là nhân vật đứng hàng thứ tư trong Bộ Chính Trị, Đảng Cộng Sản Trung Quốc, chỉ sau đứng sau chủ tịch Nhà Nước (Tập Cận Bình), thủ tướng (Lý Khắc Cường) và chủ tịch Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc (Quốc Hội-Trương Đức Giang).
Ông Thanh đột ngột đến Việt Nam hôm 25 tháng 12, 2014. Trước đó, Tân Hoa Xã loan báo điều này và giải thích chuyến thăm Việt Nam vốn nằm ngoài kế hoạch bang giao giữa hai bên là thể theo lời mời của Đảng CSVN.
Sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 đến thăm dò khai thác dầu khí ở phía nam khu vực quần đảo Hoàng Sa, quan hệ Việt-Trung trở nên căng thẳng chưa từng thấy kể từ lúc hai bên “bình thường hóa quan hệ.”
Sự kiện mới nhất cho thấy bất đồng giữa hai bên trở nên sâu rộng hơn là việc Việt Nam gửi thư bày tỏ lập trường cho Tòa Trọng Tài về Luật Biển, công khai khẳng định tòa này có thẩm quyền phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc, sau khi Trung Quốc tuyên bố Tòa Trọng Tài về Luật Biển vô năng. Thư bày tỏ lập trường gửi Tòa Trọng Tài về Luật Biển còn bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh, Trung Quốc không bao giờ chấp nhận việc Việt Nam đòi chủ quyền tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời kêu gọi Việt Nam tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển của Trung Quốc và giải quyết các bất đồng trên cơ sở bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế nhằm cùng gìn giữ hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
Mới rồi, tại Hà Nội, Tân Hoa Xã cho biết, ông Thanh bảo với ông Anh là ông được cử sang Việt Nam nhằm “củng cố lòng tin giữa hai quốc gia, thiết lập sự đồng thuận và thúc đẩy quan hệ Trung-Việt đi đúng hướng”!
Hồi tháng 11, 2014, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Nhà Nước Trung Quốc cũng từng đề nghị Việt Nam hợp tác, xử lý bất đồng một cách ôn hòa và duy trì sự ổn định ở Biển Đông, khi gặp ông Trương Tấn Sang, chủ tịch Nhà Nước Việt Nam, bên kề Hội Nghị Thượng Đỉnh của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22, diễn ra tại Bắc Kinh.
Tuy nhiên đối với Biển Đông, Trung Quốc luôn khẳng định, chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa là “không thể tranh biện.” Trung Quốc chỉ đàm phán, giải quyết các tranh chấp về chủ quyền ở quần đảo Trường Sa theo phương thức song phương (đàm phán trực tiếp với quốc gia có liên quan), không chấp nhận đàm phán đa phương (các bên có liên quan cùng thảo luận để giải quyết tranh chấp).
Trước nay, Trung Quốc luôn hứa hẹn, khuyến khích Việt Nam hợp tác, giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa để duy trì, phát triển quan hệ Việt-Trung. Những lời hứa, khuyến khích kiểu như vừa kể vốn đã được lập đi, lập lại hàng trăm lần và sau đó, Trung Quốc lại dấn thêm những bước sâu hơn, mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định yêu sách về chủ quyền trên Biển Đông.
Chẳng hạn sau cuộc gặp bên lề APEC 22 giữa ông Bình và ông Sang, Trung Quốc loan báo đã hoàn thành việc mở rộng phi đạo trên đảo Phú Lâm, một hòn đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974.
Trung Quốc cũng đã hoàn tất công việc biến nhiều bãi đá ở quần đảo Trường Sa - trong đó có bãi đá Gạc Ma mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1988, thành các hòn đảo nhân tạo để thiết lập những căn cứ quận sự mới ở Biển Đông.
Tuy chế độ Hà Nội chỉ trích Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nhiều hơn và mạnh mẽ hơn so với trước, song những chỉ trích này thường lắng xuống sau khi chính quyền Trung Quốc vỗ về, trấn an và kèm theo đó, các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc lại trắng trợn hơn. (G.Đ)
12-26- 2014 5:05:47 PM
No comments:
Post a Comment