Saturday, December 27, 2014

Biển Đông nếu nóng lên, sẽ nóng gấp nhiều lần câu chuyện giàn khoan



csb
Các chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, nhấn mạnh rằng, vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là câu chuyện có ý nghĩa chiến lược toàn cầu, nơi lợi ích quốc gia của các nước ngày càng gắn chặt với hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
* Trung Quốc hành xử quyết đoán như vậy thì liệu Biển Đông trong năm 2015 có nóng hơn câu chuyện giàn khoan năm qua không, thưa ông?
– Tình hình Biển Đông từ cả chục năm qua cho thấy tình hình Biển Đông “nóng lên”, hay “nguội đi” hoàn toàn phụ thuộc vào cách hành xử của Trung Quốc.
Như chúng ta đã thấy, cách hành xử quyết đoán của Trung Quốc không phải là điều mới. Tuy nhiên, trong năm 2014 tích chất, quy mô và phạm vi của hành động quyết đoán đã được đẩy lên một mức mới. Sự quyết đoán này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa mới bắt đầu thực thi chính sách “Tấn công bằng thiện cảm” (Charm Offensive) lần 2 đối với ASEAN sau khi Trung Quốc có lãnh đạo mới sau Đại hội XVIII. Ở đây có 2 điểm đáng chú ý: Một là, sau khi thực thi chính sách quyết đoán đối với tranh chấp tại Biển Đông, Trung Quốc đã thấy được sự phản ứng mềm mỏng nhưng cương quyết của Việt Nam, sự phản ứng mạnh mẽ của ASEAN và cộng đồng quốc tế, nên tạm thời có những bước “xuống thang” chiến thuật. Hai là, khi đã xuống thang như vậy, nhưng Trung Quốc cũng chưa có bất cứ cam kết hay tuyên bố công khai nào về việc Trung Quốc sẽ từ bỏ cách hành xử quyết đoán như vậy trong tương lai.
Từ đó, tôi cho rằng hoàn toàn có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục cách hành xử của mình như vậy trong năm 2015. Và nếu điều đó xảy ra thì việc Biển Đông nóng lên trong năm tới là điều được dự báo trước, và nếu có “nóng” hơn thì chắc chắn sẽ “nóng” hơn gấp nhiều lần, vì Trung Quốc sẽ không dùng “bổn cũ soạn lại” mà có cách tiếp cận khác trước.
Tuy nhiên, cũng có một số lý do để hy vọng. Một là, Trung Quốc đã thấy các hạn chế của chính sách quyết đoán này, thấy được bài học từ Nga. Hai là, Trung Quốc vừa mới công bố chuyển hướng ưu tiên đối ngoại mới, theo đó đặt trọng tâm trong quan hệ với các láng giềng. Mục tiêu của sự điều chỉnh này sẽ không thể đạt được nếu Trung Quốc làm xấu đi môi trường chiến lược và xa lánh các nước láng giềng bằng chính sách quyết đoán. Là nhà nghiên cứu chiến lược, tôi luôn hy vọng điều tốt đẹp nhất xảy ra, nhưng cũng đồng thời phải chuẩn bị cho các phương án xấu nhất.
* ASEAN năm tới dưới nhiệm kỳ Chủ tịch Malaysia không xem Biển Đông là trọng tâm. Vậy điều nay có đặt ra thách thức với Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền?
– Theo tôi, nên đặt và hiểu vấn đề thế này: Thứ nhất, việc xây dựng chương trình nghị sự của ASEAN là công việc chung của ASEAN. Là nước chủ nhà ASEAN năm 2015, Malaysia có tiếng nói quan trọng nhưng không phải là tiếng nói quyết định. Việc xây dựng chương trình nghị sự, trong đó có vấn đề Biển Đông, phải nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên khác trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, ta không nên hiểu và đặt vấn đề Biển Đông chỉ là việc liên quan đến Việt Nam, mà nên phải coi vấn đề Biển Đông là câu chuyện chung của ASEAN, của cộng đồng quốc tế và thực tế đúng là như vậy.
Thứ ba, việc Malaysia nêu ra như vậy thể hiện mong muốn của ASEAN, và của một số nước khác là muốn tập trung vào các điểm đồng, muốn Biển Đông là khu vực hòa bình và hợp tác. Đây cũng là mong muốn của chính Việt Nam. Tuy nhiên, dự tính là như vậy, nhưng nếu tình hình thay đổi, ý tôi nói là Biển Đông nóng lên, thì chương trình nghị sự của ASEAN cũng phải thay đổi theo cho phù hợp với bối cảnh mới.
Thứ tư, nhiều diễn đàn ASEAN là diễn đàn mở, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) là nơi các nước thành viên ASEAN, các nhà lãnh đạo có quyền bày tỏ tất cả các vấn đề mà họ quan tâm và thấy tác động tới môi trường an ninh khu vực.
* Trong bối cảnh quan hệ các nước lớn thay đổi như vậy, và trong bối cảnh an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam bị đe dọa mạnh mẽ, liệu Việt Nam có phải tạo ra những liên kết mới để đảm bảo an ninh chiến lược của đất nước?
– Nhìn lại lịch sử cận đại của VN, chúng ta thấy thành công của chúng ta là thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập tự chủ. Đây là điểm cốt lõi xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Bên cạnh đó một nhân tố khác tạo nên thành công của ta là kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Sức mạnh dân tộc liên quan đến yếu tố bên trong, là sự cố kết chính trị, là sự đồng lòng từ trên xuống dưới, là việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh. Nội lực ở đây còn là sự vững mạnh về kinh tế. Muốn đảm bảo an ninh chủ quyền thì phải xây dựng được một nền kinh tế hiện đại, đủ mạnh để giúp người dân có cuộc sống thịnh vượng, có đủ khả năng xây dựng được một nềnquốc phòng hiện đại, đủ sức đối phó hữu hiệu với các thách thức an ninh bên ngoài. Khi chúng ta có nội lực mạnh thì đối phương bên ngoài sẽ bớt có ý định xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của ta, và giả sử nếu có liều mạng xâm phạm thì không thể chiến thắng và buộc phải trả giá rất đắt.
Tuy nhiên chỉ có nội lực thôi thì chưa đủ, mà phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế, và sức mạnh thời đại, như chúng ta đã làm và làm thành công trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trước đây. Tôi rất tâm đắc với cách tiếp cận của nguyên Tổng Bí Thư Lê Duẩn và lãnh đạo Đảng ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước xây dựng thành công luận thuyết “Ba dòng thác cách mạng”, đặt Việt Nam ở ngọn cờ đầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhờ vậy mà trong bối cảnh tình hình thế giới hết sức phức tạp, trong bối cảnh so sánh lực lượng không cân sức, nhưng chúng ta vẫn nhận được sự ủng hộ của cả Liên Xô và Trung Quốc (trong bối cảnh mâu thuẫn Xô-Trung lên đến đỉnh điểm), sự ủng hộ của phe XHCN, của phong trào cộng sản và công nhân thế giới, của các nước đang phát triển tạo thành làn sóng ủng hộ Việt Nam rộng khắp và chưa từng có.
Trong bối cảnh hiện nay việc nêu lại luận thuyết “Ba dòng thác cách mạng” có thể không còn phù hợp, nhưng cách tiếp cận thì vẫn còn nguyên giá trị. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, chúng ta đã gắn lợi ích của Việt Nam với lợi ích của khu vực và thế giới, nhờ vậy đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước khu vực và dư luận quốc tế.
Thứ nhất, ta nêu cao ngọn cờ chính nghĩa, khẳng định và có các bằng chúng không thể chối cãi về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thứ hai, ta nêu cao ngọn cờ hòa bình, sử dung công cụ ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Dù chịu sức ép lớn từ bên ngoài nhưng chúng ta vẫn kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, mong muốn giải quyết bằng hòa bình các tranh chấp, và các nước thấy lòng khát khao yêu chuộng hòa bình của chúng ta. Thứ ba, chúng ta đề cao công cụ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, nhờ vậy ta tập hợp được lực lượng ngay trong ASEAN và trên thế giới.
Càng ngày nhận thức chung của khu vực và thế giới đều thấy rằng, vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không phải là câu chuyện riêng của Trung Quốc, của quan hệ song phương giữa Trung Quốc với VN hay các nước ASEAN, mà là câu chuyện có ý nghĩa chiến lược toàn cầu, nơi lợi ích quốc gia của họ ngày càng gắn chặt với hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
* Trân trọng cảm ơn ông đã dành cho Lao Động bài phỏng vấn cuối năm quan trọng này.
Theo Lao Động

No comments:

Post a Comment