Nguyên ổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
25.11.2014
Việt Nam mới ra quyết định thu hồi nhà đất của một giới chức từng làm tổng tranh tra của chính phủ, sau khi công chúng đặt nghi vấn về tài sản của ông này.
Giới hữu trách Việt Nam cho rằng ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ, đã “thiếu trung thực, vi phạm những điều đảng viên không được làm, gây phản cảm, tạo dư luận xấu”.
Báo chí trong nước, mà đi đầu là tờ Người Cao Tuổi, từng đưa tin về các tài sản được cho là trị giá “cả chục triệu đôla” của ông Truyền.
Theo kết luận của cơ quan chức năng của Việt Nam, ông Truyền bị coi là đã “có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất liên quan tới sáu căn nhà do ông và người thân đứng tên”.
Về một căn biệt thự tại tỉnh Bến Tre, chính quyền Việt Nam cho rằng ông Truyền đã “thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn”.
Bà Lê Hiền Đức, một nhà giáo về hưu, tham gia các hoạt động chống tham nhũng, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng vụ việc liên quan tới ông Truyền “quá lộ liễu nên không thể che đậy được”.
“Tôi nghĩ rằng một phần nhỏ cũng là có mạnh tay hơn chút xíu. Bây giờ tham nhũng tràn lan quá mà dân thì quá bức xúc. Nhiều cái quá trắng trợn cho nên bắt buộc cũng phải làm, gọi là mạnh tay hơn chút xíu. Nhưng thực ra, Trần Văn Truyền về hưu rồi, mới dám khui, mới dám làm. Chứ nếu còn đương chức, tôi chắc chắn không dám làm đâu. Ngoài Trần Văn Truyền ra, còn nhiều, nhiều nữa, nhưng một, là đương chức, hai là, cũng không thể nào đủ sức để moi ra hết được, bởi vì tham nhũng nó quá nhiều”.
Người được mệnh danh là “cụ bà chống tham nhũng” nói thêm rằng đây “cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người tham nhũng còn đương chức”.
Truyền thông trong nước vừa qua đã cho đăng tải nhiều bài viết liên quan tới vụ ông Truyền với những hàng tít như “Từ vụ ông Trần Văn Truyền: Chặt cái gốc đặc quyền, đặc lợi”, “Còn bao nhiêu người như ông Trần Văn Truyền?” hay “Dân có quyền nghi ngờ việc giơ cao đánh khẽ”.
Một đại biểu quốc hội mới đây đã lên tiếng cho rằng chưa có một cán bộ cấp cao nào ở Việt Nam bị xử lý vì tham nhũng.
Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, được VnExpress trích lời nói: "Công chức nào đó nhận phong bì vài trăm nghìn đồng thì bị lên án mạnh mẽ, còn cán bộ cấp cao tham nhũng một lô đất, căn biệt thự công vụ hàng chục tỷ đồng thì từ trước đến nay chưa xử ai".
No comments:
Post a Comment