Dư luận xã hội đang xôn xao trước việc Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN) công bố công khai kết luận sai phạm của ông Trần Văn Truyền, cựu tổng thanh tra chính phủ và quyết định thu hồi một trong 6 căn nhà của ông.
Dư luận chỉ xôn xao, bàn tán thôi, chứ báo chí trong nước cho rằng “dư luận hoan nghênh” là không hoàn toàn chinh xác.
Thực ra, một ông quan lớn, đứng đầu một cơ quan chống tham nhũng, bị kiểm tra và bị xử lý thì trong phút chốc có thể làm lòng dân hể hả, nhưng ai cũng biết rằng đây là việc đặng chẳng đừng, chứ chẳng phải trong lĩnh vực chống tham nhũng “không có vùng cấm nào cho bất cứ ai” như ông Nguyễn Sỹ Cương, ủy viên thường trực Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội nói.
Ông Trần Văn Truyền chỉ chịu nhả ra khi thấy không thể “ôm” nổi vì áp lực của dư luận xã hội, chứ chẳng phải ông ta tử tế gì. Hơn nữa nếu có thu hồi căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn, thì cũng chỉ là tát nước sông bằng gàu, chẳng làm sự giàu có của ông ngót đi chút nào.
Công bố mới nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế về chỉ số tham nhũng cho thấy Việt Nam xếp thứ 116/177 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tham nhũng thì ở quốc gia nào cũng có nhưng mức độ rất khác nhau. Ở Việt Nam tham nhũng là quốc nạn, là đại dịch chẳng thể nào chữa nổi trong cái hệ thống chính trị mà mọi phương tiện phòng ngừa và chống nó đều bị ÐCSVN vô hiệu hóa. Ðó là sự theo dõi, kiểm soát các hoạt động lẫn nhau trong một Quốc Hội có lực lượng đối lập; là sự kiểm soát của cộng đồng xã hội thông qua báo chí tự do; là sự xử lý vi phạm nghiêm minh thông qua ngành tư pháp (cảnh sát, công tố viện, tòa án) độc lập, không phải là công cụ của đảng cầm quyền.
Chính vì một mình một chiếu, vừa đá bóng vừa thổi còi mà cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam được xem như một trò hề, hoàn toàn giả tạo, mị dân. Người ta lập ra ban này, cơ quan nọ để chống tham nhũng, nhưng chính chúng lại là hang ổ của tham nhũng. Càng chức vụ cao càng ăn to nói lớn, càng nhiều hứa hẹn. Ông Nguyễn Tấn Dũng vào lúc nhậm chức thủ tướng năm 2006 đã chẳng tuyên bố hùng hồn rằng, sẽ từ chức nếu không chống được tham nhũng, đó sao! Tám năm qua dưới quyền ông, không những không thể chống mà thậm chí tham nhũng phát triển nhiều hơn, nghiêm trọng hơn và tinh xảo hơn. Không có gì đúng hơn câu tục ngữ “vừa ăn cướp, vừa la làng”!
Năm 2005, khi còn là phó Ban Kiểm Tra Trung Ương ông Trần Văn Truyền từng khẳng định rằng:
“Hiện nay tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp. Mức độ tổn thất do tham nhũng cũng lớn hơn.”
“Hồi xưa, nghe vài trăm triệu đồng đã kinh hồn, giờ hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ... Nội vấn đề đất đai nó chỉ cần quặt quẹo trên quy hoạch, cấp phép lòng vòng một chút, khi phát hiện ra thì đã mất hàng trăm tỉ đồng rồi”- (Tuổi Trẻ Online, 30 tháng 3, 2007)
Và vì là người của Ủy Ban Thanh Tra nên ông nắm bắt sự việc hơn ai hết:
“Bất cứ cuộc thanh tra nào, bất cứ vụ giải quyết án nào cũng đều có “chạy.” Chạy trực tiếp, chạy gián tiếp, chạy nhiều, chạy ít tùy mỗi việc” - (TTO 30 tháng 3, 2007)
Và ông cũng biết rất rõ:
“Ðấu tranh chống tham những, tiêu cực rất gian nan, khó khăn nên chúng ta phải có bản lĩnh, dám đương đầu và chấp nhận để đấu tranh. Nếu đấu tranh mà giải quyết được tình trạng tiêu cực thì đó là có lợi cho cái chung, đất nước đang cần, nhân dân đang mong” - (Tuổi Trẻ Online ngày 28 tháng 5, 2010).
Cái “khó khăn, gian nan” mà ông đề cập trên đây chẳng phải là công việc tay cày vai bừa nặng nhọc, trèo đèo lội suối, hoặc phải vắt óc suy nghĩ mà chính là “phẩm chất đạo đức,” có “tự giữ mình” được hay không.
Ðồng tiền tham nhũng biến hóa khôn lường, ít khi bắt được quả tang, vì nó được thực hiện lòng vòng, trong bóng tối, tại nhà riêng, nơi cổng sau hay thông qua vợ, con, anh, em ruột, thậm chí... “em nuôi,” “mẹ nuôi”...
Giờ này khi bị sờ đến ông Trần Văn Truyền bao biện chuyện ông chiếm hữu một đống nhà cửa, đất đai, tiền bạc ngược lại hoàn toàn với những gì chính ông đã nói:
“Song hợp pháp đến đâu, khi truy nguyên nguồn gốc cũng là tham nhũng. Vì nhờ có chức quyền, anh nắm được quy hoạch, đầu cơ đúng chỗ đúng lúc nên mới mua 1 đồng bán 10, 100 đồng. Biểu hiện tham nhũng rất rõ: một số cán bộ giàu lên nhanh chóng. Căn cứ đồng lương, kể cả việc sản xuất kinh doanh gia đình cũng không thể lý giải được mức sống đó” - (Pháp Luật TP. HCM, ngày 5 tháng 7, 2005).
Vào cái thời buổi mà cái gì cũng có thể chạy bằng tiền, đặc biệt chức vụ, thứ đầu tư nhanh lấy lại vốn nhất, phổ biến trong bộ máy công quyền, ông Trần Văn Truyền đã kịp bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương trước khi nghỉ hưu, từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2011.
Mặc dù kết luận cho thấy rằng sai phạm của ông Truyền “gây phản cảm, tạo dư luận xấu ở địa phương và lan rộng trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và tổ chức đảng,” Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Ðảng cũng chỉ đề nghị Tỉnh Ủy Bến Tre “thực hiện quy trình xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.”
Mà quy trình của đảng thì “biết rồi khổ lắm nói mãi”! “Quy trình” này cũng sẽ giống như “quy trình” xả nước đập thủy điện làm dân chết trôi, “quy trình” xây dựng đường cao tốc bị nứt nẻ ngay sau khi khánh thành, “quy trình” hải quan xuất khẩu để lọt 600 bánh heroin, hay “quy trình” tiêm vaccin làm hàng loạt trẻ em bị chết oan, nhưng không một ai bị sứt mẻ gì cả!
Bởi vì làm khác sao được nếu như xử lý tất cả các quan chức? Thử hỏi có quan chức nào trong chế độ hiện nay nghèo khó? Tiền bạc từ đâu ra mà có nhà cao cửa rộng, ăn xài hoang phí, gửi con cái đi học nước ngoài?
Ở Hà Giang một tỉnh với hơn 50% hộ nghèo, nhưng đối nghịch lại là sự hiện hữu của những ngôi nhà sàn “khủng,” phần lớn làm bằng gỗ “tứ thiết” như nhà của chủ tịch tỉnh Ðàm Văn Bông, của phó bí thư thường trực, chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh Vương Mí Vàng. Còn cựu chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô sở hữu một trang trại ngút ngàn, nhà cũng được làm bằng gỗ quý, chạm trổ công phu...
Ở Hải Dương, dân chúng bất bình chứng kiến khu đất đẹp nhất đối diện dự án quy hoạch “trụ sở ngàn tỷ” rơi vào tay một số quan chức trong tỉnh. Ðặc biệt là ngôi biệt thự tráng lệ, bề thế của Giám Ðốc Sở Tài Chính Nguyễn Trọng Hưng trong khu đất vàng.
Dinh thự nguy nga và vườn cao su “khủng” của chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cũng nên đưa vào danh mục. Dư luận đang thắc mắc, không biết tài sản của ông Cung và tài sản của ông Truyền khác nhau ở điểm nào, mà đến nay đã hơn 7 tháng, việc xác minh, kiểm tra tài sản của ông chủ tịch tỉnh Bình Dương vẫn chưa thấy sáng tỏ?
Không thể nào kể hết sự giàu có của giới quan chức Việt Nam hiện nay. Nhà và đất chỉ là những thứ có thể nhìn được, sờ được, còn đôla và vàng cất giấu hay để ở ngân hàng nước ngoài mới là khủng khiếp.
Thế nhưng, cái gì cũng có cái giá của nó. Ðồng tiền không mua được mọi thứ. Nhà văn Nguyễn Ðình Bổn viết (trên Facebook):
“Tại đất nước hỗn mang này người giàu chân chính rất ít và tất cả cán bộ đều giàu hơn người dân trung bình. Ðiều này chỉ cần quan sát là thấy, không có gì bàn cãi. Nhưng giàu có theo kiểu ăn cắp tiền quốc gia thì có hạnh phúc không?
“Tôi cho rằng họ có sung sướng ở góc độ hưởng lạc bản thân. Như kẻ thích chơi gái thì có siêu gái, thích xe hơi có siêu xe, thích nhà có siêu nhà... nhưng những lạc thú trần gian này không diễn ra liên tục, bền bỉ. Bất hạnh nằm trong tâm. Và tâm của cán bộ giàu có Việt Nam là tâm lo sợ. Trần Văn Truyền là một ví dụ. Ông ta siêu giàu nhưng chắc chắn ở giờ phút hiện tại, vì vẫn là con người, ông ta đang đối diện với một cái tâm nhục nhã, sợ hãi, tức giận. Không hy vọng gì ông này có tâm hối hận, phục thiện, nhưng chỉ chừng ấy thì đã đau khổ rồi. Con cái ông ta cũng vậy, không thể nói họ hạnh phúc dù họ ở siêu nhà, đi siêu xe, nhưng hằng ngày vẫn phải đối diện với cái nhìn khinh bỉ hả hê của đồng nghiệp, đối diện với sự chỉ trích trên phương tiện truyền thông.
“Tất nhiên, có thể nói tất cả cán bộ là Trần Văn Truyền. Ai nhìn thấy một cán bộ nghèo khó xin chứng minh. Và vì vậy tại Việt Nam, người dân có quyền khinh bỉ người giàu khi họ đương chức, và cả khi đã về hưu, và không phải tất cả mọi người đều muốn giàu như kiểu đó!”
11-24-2014 12:55:44 PM
Lê Diễn Ðức
No comments:
Post a Comment