Ngày 16/11/2014, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiết lộ chi tiết về cách thức các quan chức mua và bán chức vụ, một hiện tượng tham nhũng tràn lan trong giới quan chức ở Trung Quốc. (Ảnh minh họa từ internet)
Làm thế nào để mua hoặc bán một chức quan? Thời điểm nào là tốt nhất? Ai sẽ là các ứng viên để mua hoặc bán chức quan? Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Tân Hoa Xã đã có cuộc phỏng vấn chi tiết với một số nhân viên thuộc cơ quan chống tham nhũng về một vấn nạn đang tràn lan trong giới quan chức nước này.
Sau khi kiểm tra 31 tỉnh, 7 cơ quan Trung ương, 6 doanh nghiệp nhà nước và 2 trường đại học có liên quan trong 2 năm qua, đoàn kiểm tra trung ương đã phát hiện cách thức hối lộ để được thăng chức, thậm chí mua chức đang đang diễn ra phổ biến tại nhiều nơi trong bộ máy chính quyền Trung Quốc. Số tiền hối lộ cho các chức quan, trong một số trường hợp có thể lên tới hàng chục triệu NDT (10 triệu NDT tương đương với 1,6 triệu USD), báo cáo cho hay.
Một cán bộ cơ sở làm việc tại cơ quan chống tham nhũng trong nhiều năm qua tiết lộ có ba kiểu người mua quan bán chức, gồm: người muốn thăng chức, người muốn được chuyển từ một đơn vị nghèo tới đơn vị giàu có hơn và người muốn chuyển từ công ty phi chính phủ sang doanh nghiệp nhà nước.
Rất nhiều cá nhân bán các vị trí quan chức, bao gồm: thứ nhất là các quan chức cao cấp ở một đơn vị, người có quyền quyết định thay đổi về nhân sự; thứ hai là theo chỉ đạo, đôi khi người thứ ba và thậm chí là người thứ tư chỉ đạo và nhận hối lộ để giúp người khác được thăng tiến, báo cáo tiết lộ thêm.
Những cơ hội tốt nhất để hối lộ các quan chức cao hơn là trong các kỳ nghỉ, khi người thân của các lãnh đạo bị ốm, khi con lãnh đạo kế hoạch đi du học và trong các sự kiện quan trọng của gia đình lãnh đạo như đám cưới…
Mua quan bán chức cũng thường xảy ra trước cuộc bầu cử và trước sự thay đổi lãnh đạo Đảng.
Đôi khi các quan chức cấp cao hơn sẽ tự làm rò rỉ thông tin về tình hình thay đổi nhân sự để thu hút và nhận tiền hối lộ. Một số lần khác, các quan chức sẽ đưa ra giá cụ thể của các vị trí thấp hơn và yêu cầu mọi người phải trả khoản tiền đó. Nếu không có tiền, một người sẽ không bao giờ có cơ hội thăng chức, báo cáo cho biết.
Một chuyên gia chống tham nhũng chỉ ra, số tiền hối lộ để có được một chức quan là khá lớn, do đó mọi người thường phải đi vay, vay vốn, tìm nguồn tài trợ từ chủ sở hữu công ty tư nhân, tham ô công quỹ, hay nhận tiền hối lộ.
Lý do khiến việc mua quan bán chức tràn lan ở Trung Quốc là vì quyền lực tập trung trong tay các lãnh đạo đơn vị. Vòng xoáy hối lộ, mua chức tiếp diễn nếu lãnh đạo là một quan chức tham nhũng.
Có nhiều khe hở tạo điều kiện cho tham nhũng phát sinh, như hệ thống xúc tiến việc bầu cử không rõ ràng, không minh bạch, thiếu hệ thống giám sát và báo cáo.
Một ví dụ điển hình về việc mua quan bán chức là trường hợp của ông Trương Tiếu Đông, Bí thư thành phố An Dưỡng Viện, tỉnh Hà Nam. Ông Trương bị bắt cùng 33 trường hợp khác vì tội nhận hối lộ. Tất cả đều dính dáng đến việc thay đổi nhân sự. Vụ hối lộ lớn nhất mà ông Trương nhận là 2 triệu NDT (326.547 USD) để giúp một người được thăng chức.
Thông tin trên được công bố ngày 16/11 và nhanh chóng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc và các cổng internet. Tuy nhiên, ngày 17/11, nhiều trang web ở Đại lục bao gồm cả Tân Hoa Xã bị buộc phải gỡ thông tin nói trên mà không có lời giải thích.
No comments:
Post a Comment