Tuesday, November 25, 2014

Tại sao các nhà đầu tư Mỹ đổ vỡ vì cổ phiếu Trung Quốc

 Paul Wiseman và Marcy Gordon, Epoch Times 26 Tháng Mười Một , 2014
102094910-new-york-stock-exchange-rebound.1910x1000
WASHINGTON-Một thỏa thuận có mùi tanh.
Tập đoàn Marine Food là một công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán New York (NYSE). Họ đã chi 27 triệu USD trong tháng 1/2010 để mua lại một công ty có “bí quyết sản xuất đồ uống rong biển”. Điều kỳ lạ là ba tháng trước đó, công thức đồ uống này chỉ được định giá không tới 8.800 USD.
Nhưng khi Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Hoa Kỳ (SEC) xem xét lại thỏa thuận này thì họ không thể tìm thấy các thông tin liên quan đến giao dịch. Công ty kế toán đại diện cho công ty Trung Quốc này đã từ chối cung cấp thông tin. Sau đó công việc điều tra của SEC bị gián đoạn.
Điều gì xảy ra với China Marine? Giá cổ phiếu của công ty này đạt mức cao nhất là 8 USD vào năm 2010, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 12 cent.
Trường hợp này là một cảnh báo cho các nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào các công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ. Các công ty Trung Quốc như Alibaba đã lập kỷ lục cao trong năm nay khi bắt đầu chào bán cổ phiếu ra công chúng, nhưng thực tế hoạt động của họ lại rất lỏng lẻo so với các công ty cổ phần khác trên sàn giao dịch Mỹ. Điều này có nghĩa là đem lại mức rủi ro cao hơn cho các nhà đầu tư.
Những lo ngại về rủi ro của cổ phiếu Trung Quốc cũng nổi lên sau một cuộc điều tra gần đây của hãng tin AP đối với công ty Hóa chất Thiên Hà. Tại thời điểm công ty này bắt đầu niêm yết trên sàn giao dịch vào tháng 6 năm nay, Ngân hàng Đầu tư Morgan Stanley đã giúp họ thu hút tới 654 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng cổ phiếu của Thiên Hà đã mất giá tới 39% kể từ khi xuất hiện những cáo buộc rằng họ đã phóng đại giá trị kinh doanh của mình.
Joseph Carcello, một Giáo sư chuyên ngành kế toán của Đại học Tennessee cho biết “Không hề có các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư”.
Hơn 100 công ty Trung Quốc đã bị đình chỉ hoặc bị “đá” ra khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ trong năm 2011 và 2012, hầu hết trong số đó là do không nộp báo cáo tài chính đúng thời hạn. Các công ty này, bao gồm cả China Marine đã khai thác lỗ hổng pháp lý để cấu kết với các công ty hình thức ở Mỹ. Bằng cách đó, họ trốn tránh việc thanh tra kiểm sát của SEC trong lần đầu tiên bán cổ phiếu trên thị trường Mỹ.
Khoảng hai chục công ty trong số này cũng bị SEC xử lý do lỗi kế toán hoặc gian lận. Tuy nhiên, những cuộc điều tra bị đình trệ vì giấy tờ kiểm toán của các công ty là ở Trung Quốc – điều này ngoài tầm kiểm soát của SEC.
Hiện tại có khoảng 100 công ty Trung Quốc giao dịch trên NYSE và thị trường chứng khoán Nasdaq.
Trung Quốc hạn chế đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực kinh doanh. Để vượt qua trở ngại đó, Alibaba và nhiều công ty khác của Trung Quốc đã thực hiện theo một mô hình sở hữu đặc biệt (variable interest entity hoặc VIE).
Mô hình này hoạt động như sau: Các công ty niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ không phải là công ty thực ở Trung Quốc. Thay vào đó, các công ty này thuộc loại hình công ty cổ phần, thường được thành lập với mục đích miễn trừ thuế tại những nơi được gọi là Thiên đường về thuế (Tax haven) như quần đảo Cayman. Các nhà đầu tư nước ngoài không có quyền điều hành quản lý công ty.
Kết quả là, những người quản lý công ty Trung Quốc có thể tái cấu trúc công ty mà theo đó gây rủi ro cho các nhà đầu tư. Chẳng hạn như Giám đốc điều hành Alibaba, Jack Ma đã tách dịch vụ thanh toán của Alibaba sang một công ty khác thuộc quyền kiểm soát của ông ta mà không nói với Yahoo, một nhà đầu tư lớn của Alibaba.
Các VIEs cũng không rõ ràng về mặt pháp lý ở Trung Quốc. Trong năm 2011, một phiên tòa ở Trung Quốc đã từ chối một hợp đồng giao dịch giữa công ty GigaMedia tại Đài Loan với một công ty kinh doanh cờ bạc của Trung Quốc vì GigaMedia cho rằng công ty này được kiểm soát thông qua hình thức VIE. Người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh cờ bạc này nắm giữ các tài liệu cần thiết về hoạt động ở Trung Quốc. Do vậy, GigaMedia không thể làm được gì.
Trong năm 2012, Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc đã bác bỏ hợp đồng của một nữ doanh nhân Hồng Kông vì các điều khoản trong hợp đồng này né tránh các quy định của Trung Quốc trong việc đầu tư vào một ngân hàng Trung Quốc. Tòa án đưa ra quyết định này với lý do “có ý định che giấu bất hợp pháp”.
Các nhà phân tích cho biết Bắc Kinh có thể dựa vào lý luận tương tự để ra lệnh cấm đối với tất cả các VIEs trong thời gian tới, điều này có khả năng gây ra tổn thất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài của Mỹ cũng như các nước khác.
Trung Quốc cấm các thanh tra viên của Hoa Kỳ thực hiện kiểm toán tại các công ty kế toán Trung Quốc là để bảo vệ bí mật quốc gia. Điều này có nghĩa là hầu hết những cổ phiếu Trung Quốc đang được niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ là không phù hợp với luật pháp Mỹ.
“Đó là một vấn đề rất nghiêm trọng”, James Doty, Chủ tịch Ban Thanh tra Giám sát Kế toán các công ty đại chúng (Public Company Oversight Accounting Board ) cho biết.
Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh dường như lo sợ các tài liệu này sẽ xác nhận những nghi ngờ về việc các công ty Trung Quốc đang bị nợ quá hạn tại các ngân hàng nhà nước hoặc có liên quan đến tham nhũng.
Xem xét trường hợp China Marine cho thấy cổ phiếu của công ty kinh doanh thức ăn nhanh và đồ uống này bắt đầu giao dịch trên thị trường Mỹ trong năm 2007. Các nhà điều tra Mỹ đã gia tăng sự nghi ngờ khi China Marine mua bí quyết sản xuất đồ uống trị giá tới 27 triệu USD một năm trước đó mà trên thực tế chỉ đáng giá 8.776 USD.
Liệu công ty kế toán của China Marine có xem xét thỏa thuận này? Nếu có, liệu họ có quyết định giá trị của giao dịch?
Vấn đề là các công ty kế toán sẽ không chuyển giao giấy tờ mua bán. Và giá cổ phiếu của China Marine đã giảm mạnh.
Hai năm trước, SEC đã kiện các chi nhánh của các công ty kiểm toán thuộc Big Five ở Trung Quốc với lý do luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu họ phải cung cấp các tài liệu. Vào tháng 1, một thẩm phán hành chính của SEC đã đồng ý và cấm không cho các công ty này kiểm toán các công ty kinh doanh của Mỹ.
Ban giám sát kế toán đang theo đuổi một thỏa thuận với Trung Quốc để có thể tiếp cận với các công ty kiểm toán này. Đây là một nỗ lực mà Doty đang ưu tiên thực hiện. Nếu không đạt được thỏa thuận đó, các công ty Trung Quốc có thể bị buộc ra khỏi thị trường Mỹ. Điều này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư bị phá sản.
Nhiều nhà phân tích nghi rằng điều đó rất có thể xảy ra. Các công ty Trung Quốc muốn tiếp cận thị trường vốn của Mỹ. Và các công ty đầu tư của Mỹ và thị trường chứng khoán muốn kiếm lời khi cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ.
Trong khi đó, các cổ phiếu được giao dịch trên thị trường Mỹ không cung cấp sự bảo vệ cần thiết cho các nhà đầu tư mà đáng ra họ được hưởng.
Hiện tại, giáo sư tài chính trường Đại học Dartmouth Anant Sundaram cảnh báo cổ phiếu Trung Quốc không an toàn: “Tôi sẽ không đầu tư vào những cổ phiếu này”.
Theo hãng tin AP

No comments:

Post a Comment