Tuesday, November 25, 2014

Sau scandal mới đề nghị đình chỉ công tác hàng loạt cán bộ

QUẢNG NINH 24-11 (NV) - Cả Bí thư Tỉnh ủy lẫn Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cùng đề nghị đình chỉ công tác lãnh đạo Đồn Biên phòng Hải Hòa và lãnh đạo phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái.


Hải quan Quảng Ninh kiểm kê hàng lậu bị tịch thu. (Hình: Tiền Phong)

Đề nghị vừa kể được đưa ra sau khi Bộ Công an CSVN tổ chức một đợt bố ráp lớn ở thị xã Móng Cái, Quảng Ninh vào thượng tuần tháng này và khám phá nhiều kho chứa hàng của hai nhân vật được cho là trùm buôn lậu hàng Trung Quốc.

Theo báo chí Việt Nam thì ông Lưu Văn Thắng, người được cho là nhân vật điều hành một tổ chức chuyên buôn lậu hàng Trung Quốc, với số lượng lên tới hàng ngàn tấn/năm đã ra đầu thú.

Công an CSVN đã tịch thu hơn 100 tấn hàng lậu bao gồm: đồ điện tử, đồ gia dụng, vải, sữa cho trẻ em nhái nhãn hiệu của nhiều hàng sữa nổi tiếng,…từ những kho chứa hàng nằm dọc biên giới Việt – Trung và một số nhà kho của Công ty Thương mại Móng Cái, chợ Cây Dừa, chợ ASEAN mà ông Thắng thuê để chứa hàng. Tổng giá trị toàn bộ số hàng lậu bị tịch thu được ước đoán phải tới vài chục tỉ đồng.

Công an còn thu giữ 12 chiếc đò mà ông Thắng sử dụng để đưa hàng lậu băng qua sông Ka Long vào Việt Nam. Vào thời điểm Công an thực hiện đợt bố ráp, hàng chục người là nhân viên của ông Thắng đã bị bắt giữ nhưng không hiểu vì sao ông Thắng lại có thể đào thoát.

Công an CSVN cũng đã khám xét tư gia của ông Trần Văn Lai, 52 tuổi, thu giữ lô hàng lậu gồm 3,000 bộ quần áo, 1,000 vỉ đồ chơi trẻ em, khoảng 3,000 món phụ tùng xe hai bánh gắn máy, cùng với gạch men và một số loại hàng hóa khác...

Trong khi các viên chức phụ trách hải quan, công an, quản lý thị trường ở Móng Cái và Quảng Ninh mô tả hoạt động của các tổ chức buôn lậu hàng Trung Quốc rất “tinh vi” nên hết sức khó khăn trong việc phát giác, bắt giữ thì báo chí Việt Nam mô tả, trước nay, hoạt động buôn lậu ở Móng Cái nói riêng và Quảng Ninh nói chung vẫn diễn ra công khai.

Mỗi khi xe hoặc sà lan chở hàng lậu từ Trung Quốc đến điểm tập kết hay cập bờ phía Việt Nam là phu khuân vác đổ đến bốc dỡ, xếp lên những phương tiện vận chuyển khác mang về kho cất giữ, trước khi các xe vận tải tới tiếp nhận, phân phối khắp Việt Nam.

Ai cũng biết nhờ mua bán hàng Trung Quốc nhập lậu và nhận vận chuyển hàng lậu cho nhiều nhóm buôn lậu khác, ông Lưu Văn Thắng, 36 tuổi, trở thành chủ một biệt thự trị giá hàng chục tỉ ở thành phố Móng Cái. Bây giờ, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh mới làm ra vẻ “cương quyết”.

Trong hai thập niên vừa qua, hàng hóa Trung Quốc vẫn ồ ạt chảy vào Việt Nam. Lúc đầu là buôn lậu, kế đó là đường tiểu ngạch và sau này là nhập cảng chính ngạch.

Hàng hóa Trung Quốc đã bóp chết nhiều doanh nghiệp Việt Nam và gần đây, nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu Trung Quốc đã cột chặt các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vào Trung Quốc. Nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp hấp hối vì không kịp ứng phó.

Một chuyên gia tên là Võ Trí Thành từng than rằng, do khả năng cạnh tranh và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quá yếu nên Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng.

Cuối tháng trước, khi Quốc hội CSVN thảo luận về tình hình hình kinh tế - xã hội, ông Trương Trọng Nghĩa, một luật sư và là thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố Sài Gòn đã nêu ra hàng loạt thắc mắc về quản trị quốc gia trong tương quan Việt – Trung.

Chẳng hạn, tại sao trong vòng mười năm qua, kinh tế Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc và sự lệ thuộc đó diễn ra gần như trong tất cả các lĩnh vực? Tại sao một quốc gia có tiềm năng nông nghiệp lớn như Việt Nam mà lại phải nhập cảng nông sản và đủ loại nguyên liệu làm thực phẩm lớn, kể cả rau, trái, trứng gà từ Trung Quốc? Tại sao buôn lậu và thực phẩm chất lượng kém vẫn ồ ạt tràn qua biên giới theo đường tiểu ngạch?..

Ông Nghĩa nhấn mạnh, đừng xem sự lệ thuộc Trung Quốc là vì “âm mưu, thủ đoạn”.  Theo ông Nghĩa, sự lệ thuộc Trung Quốc là vì “đầu óc cũ kỹ”, kém và tham. Nếu quyền lực được giao cho những kẻ kém cỏi cả về năng lực lẫn đạo đức, người ta chưa mua thì đã chủ động chào bán, thậm chí dùng hối lộ như một điều kiện để làm ăn với mình thì không chỉ lệ thuộc mà sẽ mất nước. (G.Đ)
11-24- 2014 2:25:50 PM 

No comments:

Post a Comment