Trẻ em cần được quản lý khi tắm sông suối, ao hồ-baobinhphuoc.com
Hôm 17 tháng 11 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố một báo cáo cảnh báo về nguy cơ chết đuối toàn cầu. Đây là báo cáo đầu tiên tổng kết về chết đuối trên toàn cầu do WHO thực hiện với mong muốn lên tiếng cảnh báo các quốc gia về những cái chết hoàn toàn có thể được phòng tránh nhưng lại đang trở thành một quan ngại đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng. Để tìm hiểu về vấn đề này, Việt Hà phỏng vấn bác sĩ David Meddings, tác giả chính của bản báo cáo.
Việt Hà: thưa bác sĩ, khi nói đến Tổ chức Y tế Thế giới, người ta thường nghĩ đến những vấn đề bệnh tật vốn là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay trên thế giới. Vậy tại sao vấn đề chết đuối lại trở thành quan trọng vào lúc này đối với WHO?
BS. David Meddings: lý do chính là vì đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, khiến 372,000 người chết mỗi năm, hơn một nửa trong số họ là dưới 25 tuổi. Chết đuối là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho những người từ 1 đến 24 tuổi ở tất cả mọi khu vực trên thế giới. Nếu so sánh chết đuối với các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong khác, nói ví dụ như ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi, mặc dù chết đuối không gây chết nhiều trẻ em ở độ tuổi đó như các bệnh HIV, hay viêm não, nhưng nó gây tử vong nhiều hơn ở trẻ em so với các bệnh sởi hay viêm phổi. Nếu nhìn vào bức tranh tổng thể là 372,000 người chết đuối mỗi năm, con số này chiếm 2/3 con số chết do suy dinh dưỡng toàn cầu, và hơn ½ con số tử vong do tiêu chảy trên toàn cầu. Đây là cả hai nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà mọi người nghĩ tới khi nói về vấn đề sức khỏe toàn cầu và chúng tôi có cả một hệ thống để tập trung vào các vấn đề này. Điều mà chúng tôi đã làm trong báo cáo này là kêu gọi sự chú ý vào chết đuối và kêu gọi những nguồn quỹ tập trung vào vấn đề này vì đây cũng là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Việt Hà: Báo cáo cho thấy phần lớn các ca chết đuối xảy ra ở những nước đang phát triển và kém phát triển, theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến những cái chết đáng tiếc ở những khu vực này là gì?
Đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, khiến 372,000 người chết mỗi năm, hơn một nửa trong số họ là dưới 25 tuổi. Chết đuối là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho những người từ 1 đến 24 tuổi ở tất cả mọi khu vực trên thế giớiBS. David Meddings
BS. David Meddings: trước hết tôi muốn nói là hơn 90% số chết đuối xảy ra ở những nước có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới. những vùng có nhiều người chết đuối nhất là vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình dương. Vì vậy khu vực châu Á nói chung có tỷ lệ chết đuối rất cao. Phần lớn các ca chết đuối xảy ra ở trẻ nhỏ ở những nơi rất gần nhà trẻ. Một nghiên cứu ở Bangladesh cho thấy hơn 80% trẻ ở độ tuổi dưới 5 chết đuối trong bán kính 20 m từ nhà của trẻ. Kể cả khi trẻ lớn lên, trẻ vẫn có nguy cơ chết đuối và các em có xu hướng bị chết đuối cách xa nhà hơn. Một điểm chúng ta nên chú ý là hơn 50% số ca chết đuối ở độ tuổi dưới 25, có nghĩa là khoảng 50% người chết đuối có độ tuổi trên 25. Những ca chết đuối này xảy ra với những ngư dân… hiển nhiên xảy ra ở những vùng nước rộng, ở hồ, ở biển nơi các ngư dân bị mắc bão hoặc do các vụ lật tàu, phà. Cho nên có nhiều bối cảnh khác nhau khi các vụ chết đuối xảy ra. Nhưng điều quan trọng là tỷ lệ chết đuối cao nhất xảy ra ở vùng Đông Nam Á và tây Thái Bình Dương ở trẻ là ở các khu vực rất gần nhà, ở ao hồ, kênh rạch, bể nước, sông, hay các chậu nước đựng quần áo giặt đầy nước và để ở nhà, đây là các nguồn nước chính gây chết đuối ở trẻ.
Việt Hà: Cũng theo báo cáo thì tỷ lệ chết đuối ở các nước có thu nhập cao không đáng kể so với các nước có thu nhập thấp và trung bình, vậy vấn đề kinh tế đóng vai trò thế nào trong vấn đề này?
BS. David Meddings: đây là điều quan trọng để chỉ ra là ở các nước có thu nhập cao điều mà chúng ta chứng kiến trong các thập kỷ qua là ngày càng ít người chết đuối. Chúng tôi tin đó là do một loạt các nhân tố. Một trong các nhân tố là việc học bơi đã trở thành quen thuộc với mọi người ở độ tuổi rất trẻ. Một nhân tố quan trọng khác là người dân đang dần chuyển ra xa khỏi các vùng nông thôn tới thành thị nơi có sẵn nước máy, điều này có nghĩa là người dân không phải đến các vùng nước mặt để lấy nước cho các sinh hoạt hàng ngày của mình. Đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình, điều quan trọng theo tôi là khi sống ở các nơi này, người dân sống ở các vùng nông thôn phải sống gần các vùng nước mặt vì nước là nguồn quan trọng cho cuộc sống con người. Vì vậy mối quan hệ giữa nước với người dân ở vùng nông thôn là rất khác so với mối quan hệ giữa nước với người dân ở các nước có thu nhập cao. Ở các nước có thu nhập cao, nguồn nước chủ yếu đến từ vòi nước ở bếp hay các phòng khác trong nhà hoặc là bể bơi giải trí ở nhà hay nơi công cộng luôn có giám sát. Vì vậy sự tiếp xúc với nước của người dân ở các nước có thu nhập cao khác với người dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Điều này góp phần vào việc làm giảm tỷ lệ tử vong do chết đuối dù là ở trẻ 18 tháng hay đang tập đi tình cờ bước ra khỏi nhà mà không có sự giám sát của cha mẹ, hay là ở những ngư dân đi đánh bắt cá khi có bão xảy ra.
Nhưng điều quan trọng là tỷ lệ chết đuối cao nhất xảy ra ở vùng Đông Nam Á và tây Thái Bình Dương ở trẻ là ở các khu vực rất gần nhà, ở ao hồ, kênh rạch, bể nước, sông, hay các chậu nước đựng quần áo giặt đầy nước và để ở nhà, đây là các nguồn nước chính gây chết đuối ở trẻBS. David Meddings
Việt Hà: Vấn đề chết đuối trong trẻ em ở các nước châu Á đã từng được UNICEF đề cập trong một báo cáo cách đây khoảng hai năm và đã có những khuyến nghị được ra nhưng cho đến giờ, dường như đây vẫn là vấn đề gây quan ngại chính. Với những khó khăn về nguồn lực mà các nước có thu nhập thấp và trung bình đang phải đối mặt, liệu những nước này có thể làm gì để giảm thiểu những ca chết đuối đáng tiếc này?
BS. David Meddings: có 3 điều mà các nước này có thể làm ở mức cộng đồng và các điểm khác các nước này có thể làm ở mức quốc gia. Ở mức cộng đồng, các nước nên làm việc với các cộng đồng có nguy cơ nhiều người chết đuối để đảm bảo có các rào cản tiếp xúc với vùng nước, chúng ta nói đến các tường rào hay nắp đậy ở những giếng nước để không có những hố trên mặt đất mà trẻ có thể ngã xuống. Quây khu chơi cho trẻ nhỏ làm từ tre là những vật liệu sẵn có ở địa phương để trẻ chơi khi không có cha mẹ ở gần. Điều này ngăn cản trẻ bước khỏi nhà và rơi vào các vùng nguy hiểm khi không có cha mẹ giám sát. Họ cũng có thể làm cửa an toàn rộng 1 mét dùng các vật liệu sẵn có ở địa phương để trẻ không vào các nhà được xây trên vùng nước vốn rất phổ biến ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, như các nhà xây trên sông hồ. Trẻ bước ra khỏi các nhà này có thể ngã xuống nước. Thứ hai nữa là những nơi giữ trẻ ở địa phương an toàn cho trẻ đảm bảo tránh nguy cơ chết đuối hay các rủi ro thương tật khác có thể xảy ra với trẻ. Cuối cùng là ở địa phương, chúng tôi kêu gọi việc dạy trẻ biết bơi sớm và những quy định an toàn nước. Ở mức quốc gia, các nước có thu nhập thấp và trung bình nên tập trung vào các quy định liên quan đến an toàn cho tàu phà và đảm bảo việc thực hiện các quy định này. Họ cũng phải tập trung vào việc quản lý những rủi ro do lụt lội gây ra, đảm bảo kế hoạch này bao gồm cả ở địa phương lẫn quốc gia, cung cấp những cảnh báo sớm về bão lụt, đảm bảo có kế hoạch sơ tán cho những vùng có nguy cơ cao. Ở đây tôi cũng phải nói là thảm họa do bão lụt đang gia tăng trên thế giới và cơ quan liên chính phủ về thay đổi khí hậu đã dự báo là tình trạng này sẽ tiếp tục tăng. Phần lớn những người chết do lũ lụt là do chết đuối. Vì vậy các chính phủ cần nhận được các hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để họ có những bước chuẩn bị đối phó với chết đuối do bão lụt. WHO cũng khuyến cáo các quốc gia có chương trình an toàn nước cấp quốc gia bao gồm sự tham gia của nhiều lĩnh vực để đảm bảo việc thực hiện chính sách trên toàn quốc chống chết đuối.
Việt Hà: xin cảm ơn bác sĩ đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này
No comments:
Post a Comment