Duy Long - Thứ Hai, ngày 24/11/2014 - 15:25
(PLO) – Truyền thông Trung Quốc vừa đưa tin Bắc Kinh đã chính thức vận hành nhà máy thủy điện lớn nhất Tây Tạng, thuộc vùng núi Himalaya. Sự kiện này đã làm dấy lên quan ngại về những căng thẳng giữa Trung Quốc với nước láng giềng Ấn Độ.
Theo Tân Hoa Xã, các tổ máy phát điện đầu tiên thuộc Trạm thủy điện Zangmu, nằm trên sông Yarlung Zangbo đã đi vào hoạt động hôm Chủ nhật (23-11).
Trạm thủy điện Zangmu nằm ở độ cao 3.300m so với mực nước biển. Công trình này đã tiêu tốn 9,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,6 tỷ USD), dự kiến sẽ cao 116m khi chính thức hoàn thành. Với tổng công suất lên đến 510.000KW, đây là đập thủy điện lớn nhất từng được xây dựng trên cao nguyên Tây Tạng.
Đập thủy điện Zangmu, công trình năng lượng lớn nhất từng được xây dựng trên cao nguyên Tây Tạng.
Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức của Tổng công ty Điện lực Tây Tạng: “Nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ giải quyết được tình trạng thiếu điện trên cao nguyên, đặc biệt là vào mùa đông”.
Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải những phản ứng mạnh mẽ từ phía Ấn Độ, bởi lẽ việc xây đập thủy điện trên sông Yarlung Zangbo (phía Ấn Độ gọi là Brahmaputra) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và hoạt động nông nghiệp của người dân ở các tiểu bang đông bắc Ấn Độ.
Ngay từ năm ngoái, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt các hoạt động ở khu vực thượng nguồn để bảo vệ lợi ích của các quốc gia nằm ở hạ lưu”, sau khi kế hoạch về đập thủy điện Zangmu được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna lại khẳng định rằng “đây không phải là một công trình nhằm mục đích tích trữ nước, và sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến khu vực hạ lưu”.
Những hình ảnh mới nhất do phía Trung Quốc cung cấp cho thấy đập thủy điện Zangmu không lấn chiếm quá nhiều diện tích lòng sông so với dự tính trong bản thiết kế.
Duy Long
No comments:
Post a Comment