(Baodatviet) - TQ tiếp tục có hàng loạt dự án đường sắt trị giá nhiều tỷ USD trên khắp thế giới. Bắc Kinh muốn dùng đường sắt nhằm kiểm soát kinh tế toàn cầu?
Thêm hợp đồng nhiều tỷ USD
Ngày 20/11/2014, Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) tuyên bố họ vừa có hợp đồng chính thức với Chính phủ Nigeria để xây dựng một tuyến đường sắt dài hơn 1.400 km dọc bờ biển quốc gia này.
Dự án này có giá trị 12 tỷ USD, nối giữa thành phố Lagos, trung tâm tài chính của Nigeria tới thành phố Calabar ở phía Đông. Được biết, Nigeria là nền kinh tế lớn nhất, đồng thời là quốc gia sản xuất dầu hàng đầu của châu Phi.
Thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng phát triển hợp tác thương mại với quốc gia đầu tàu kinh tế châu Phi này. Riêng trong năm 2013, kim ngạch thương mại song phương là 13,6 tỷ USD. Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tư mạnh mẽ nhất vào Nigeria từ vốn, khoa học, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng..., và sẽ còn tiếp tục đầu tư qua lời cam kết của Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Dự án này được Trung Quốc tuyên bố khi chỉ khoảng 2 tuần trước đó, CRCC vuột mất một hợp đồng đường sắt béo bở với Mexico trị giá 4,3 tỷ USD vì những lý do thiếu minh bạch trong đấu thầu, dù CRCC đã nắm chắc phần thắng thầu trong tay. Mexico là nền kinh tế lớn thứ hai châu Mỹ Latinh và là một quốc gia có nhiều tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là kim loại.
Một công trình xây dựng của Trung Quốc ở Nigeria |
Trung Quốc và Nga cũng có thêm một dự án xây dựng tuyến đường sắt kỷ lục với tổng giá trị đầu tư khoảng 150 tỷ USD nối Bắc Kinh - Moscow. Dù Nga là đơn vị thi công, nhưng Trung Quốc rót tới 85 tỷ USD vốn đầu tư.
Tuyến đường sắt tốc độ cao này sẽ nối hai thủ đô Moscow và Bắc Kinh, cắt giảm thời gian đi lại từ 6 ngày còn 33 giờ, chuyên chở 200 triệu hành khách/năm.
Bản thân Trung Quốc cũng phát triển ồ ạt các dự án đường sắt trong nước. Gần đây nhất là tuyến đường sắt cao tốc chạy dọc biên giới Nga với tổng vốn đầu tư 27,7 tỷ USD. Hiện tại, các phần của dự án này đang được đẩy mạnh xây dựng là tuyến đường sắt Cáp Nhĩ Tân - Mãn Châu Lý – Xuyên Siberia; Cáp Nhĩ Tân – Tuy Phân Hà - Baikal-Amur và Cáp Nhĩ Tân - Đồng Giang
Phải nói rằng, đường sắt của Trung Quốc đang ngày càng phát triển ồ ạt, có thể lấy dấu mốc từ năm 2011, và Thủ tướng Lý Khắc Cường được mệnh danh là "nhân viên chào hàng số một của ngành đường sắt."
Ngoài những hợp đồng có giá trị "khủng" kể trên, Trung Quốc còn có một loạt các hợp đồng xây dựng đường sắt ở Châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á, Trung Á...
Vì sao là đường sắt?
Những năm gần đây, đường sắt Trung Quốc nổi lên như một hiện tượng trên thế giới. Từ đó người ta không khỏi đặt câu hỏi, vì sao Bắc Kinh muốn lựa chọn đường sắt để vươn ra quốc tế, khi họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều cái tên tầm cỡ. Của châu Âu có các ứng viên đến từ Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ... còn châu Á có những cái tên quen thuộc của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thực tế thì Trung Quốc đã quá quen với cái tiếng công xưởng của quốc tế. Và họ đang từng bước thay đổi bộ mặt gia công như vậy. Thời kỳ kinh tế bùng nổ mạnh mẽ ở thập niên đầu của thế kỷ 21, Trung Quốc nhanh chóng tích lũy cho mình một khoản ngoại tệ khổng lồ. Từ năm 2005 - 2013, đặc biệt tập trung vào giai đoạn 2005 - 2010, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng gấp 4 lần, lên mức hơn 3,8 nghìn tỷ USD.
Trong bối cảnh nền kinh tế sản xuất trong nước suy giảm cùng thời điểm với kinh tế toàn cầu, Bắc Kinh bằng số tiền dự trữ này đã khôn khéo xuất khẩu đồng vốn này tới các thị trường nước ngoài với các dự án cơ sở hạ tầng nhiều tỷ USD.
Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu đường sắt |
Lấy ví dụ, với dự án đường sắt với Nigeria, sẽ hoàn toàn sử dụng công nghệ Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ xuất khẩu được máy móc, đầu máy, sắt thép, các thiệt bị cơ sở hạ tầng... với tổng trị giá 4 tỷ USD (theo lời Chủ tịch CRCC Meng Fengchao). Ngoài ra, tạo ra được 200.000 việc làm trong khi xây dựng và 30.000 việc làm khác khi đi vào hoạt động.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như vậy góp phần đưa các ngành sản xuất thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu trong nước của Trung Quốc phát triển, giải quyết được số lượng lao động dư thừa đáng sợ. Và còn một điều đáng chú ý hơn, Bắc Kinh nhận được những khoản đối đáp rất hậu hĩnh từ các bên đối tác.
Những quốc gia nhận được khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ vui vẻ trả lại họ với các nguyên liệu như năng lượng, khoáng sản giá rẻ, chưa kể những lợi ích địa chính trị khác. Đó là cách tư duy của Trung Quốc theo hướng những người có tiền.
Tham vọng chi phối kinh tế thế giới?
Thủ tướng Lý Khắc Cường năm 2011 đã tự vỗ ngực mà nói rằng Trung Quốc đang có những thành tựu vượt bậc với "những tuyến đường sắt nhanh nhất và tốt nhất thế giới." Chưa kể, ông Lý Khắc Cường còn vẽ ra tham vọng vô địch thế giới về xuất khẩu đường sắt.
Nhưng tham vọng đó chưa dừng lại ở việc xuất khẩu. Theo như tờ Railyway đã từng có bài viết về việc những tuyến đường sắt của Bắc Kinh là "giấy thông hành" để chi phối kinh tế nước ngoài.
Có thể điểm lại những quốc gia mà Trung Quốc chịu đầu tư những dự án đường sắt khổng lồ. Đó là những nền kinh tế đầu tàu của một khu vực nào đó, như Nigeria của châu Phi, Mexico của Mỹ Latinh, Nga của châu Âu... Cần phải nhấn mạnh rằng, Trung Quốc không chỉ là công xưởng, mà còn là quốc gia xuất khẩu hàng tiêu dùng mạnh nhất thế giới.
Những tuyến đường sắt này vừa giải quyết nhu cầu trước mắt, vừa là phương tiện để chiếm lĩnh thị trường các nước phát triển sau này. Là công cụ để thúc đẩy nền kinh tế của Trung Quốc.
Một nhà ga với những con tàu cao tốc của Trung Quốc |
Chưa dừng ở đó, nhiều tuyến đường sắt sẽ còn mang tính địa chính trị quan trọng. Tiêu biểu như sự hợp tác với Nga ở dự án Moscow - Bắc Kinh, hay tuyến đường sắt xuyên Siberia - vùng Viễn Đông của Nga mà hiện tại, người Trung Hoa đã có thể nhiều hơn người dân tộc Nga.
Trung Quốc đang từng bước sử dụng chiến lược "tằm ăn lá" để chi phối kinh tế thế giới bằng những thế mạnh của mình. Trung Quốc không che giấu tham vọng ấy. Và Bắc Kinh đã công khai thể hiện ước muốn làm nhạc trưởng kinh tế thế giới thông qua một loạt hành động được thể hiện ở APEC vừa qua, tiêu biểu như ông Tập Cận Bình tuyên bố đầu tư 40 tỷ USD cho Quỹ Con đường tơ lụa mới.
Hay việc Trung Quốc cùng 4 nước còn lại của BRICS là Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á với vốn ban đầu 50 tỷ USD.
Cách đây hơn 150 năm, người Anh xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên cho Trung Quốc và khi đó, nhà Thanh đã nghi ngờ đây là âm mưu thôn tính Trung Quốc. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang đi xây dựng đường sắt trên toàn thế giới.
Thứ Hai, 24/11/2014 13:57
- Đỗ Minh Tú (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment