Đèo Hải Vân. Dự án khu nghỉ dưỡng ở Mũi Cửa Khẻm gây lo ngại về an ninh quốc phòng của Việt Nam. Wikipedia
RFI-Thứ hai, ngày 24 tháng mười một năm 2014
Trong những ngày qua, trên mặt báo chính thức ở Việt Nam đã có rất nhiều tranh cãi về dự án khu du lịch tại đèo Hải Vân. Dự án này bị chỉ trích chủ yếu là bởi vì khu du lịch, do một công ty Trung Quốc xây dựng, nằm tại một nơi được xem là rất trọng yếu về mặt an ninh quốc phòng. Vụ việc càng thêm rối rắm bởi vì địa điểm xây dự án lại nằm trong khu vực đang có tranh chấp giữa Thừa Thiên-Huế với Đà Nẳng, tức là chưa được phân định rõ ràng là thuộc tỉnh nào.
Đèo Hải Vân, cao 500 mét so với mực nước biển, dài 20 km, cắt ngang dãy núi Bạch Mã ở giữa địa giới tỉnh Thừa Thiên-Huế (ở phía Bắc) và thành phố Đà Nẵng (ở phía Nam). Mặc dù nay đã có hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân, nhưng nhiều du khách vẫn thích đi trên con đường đèo hiểm trở này để thưởng ngoạn, vì từ trên đây có thể nhìn thấy một phần thành phố Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa, Bán đảo Sơn Trà, Cù lao Chàm,... và những bãi biển.
Theo thông tin của báo chí trong nước, vào năm 2013, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý cấp gần 200 ha đất ở khu vực đèo Hải Vân (nằm trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô của chính phủ) cho công ty Thế Diệu (thuộc công ty World Shine của Hồng Kông, Trung Quốc ) để xây Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế, ở khu vực Mũi Cửa Khẻm.
Theo dự kiến, đây sẽ là một khu nghỉ mát "cao cấp", gồm một khách sạn 5 sao với 450 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ, 350 biệt thự, 220 căn hộ cao cấp với sân golf mini, bãi tắm…. Tổng mức đầu tư dự án này lên đến 250 triệu đôla.
Nhưng mãi đến gần đây, giới truyền thông trong nước mới bắt đầu chú ý đến dự án, khi chính quyền tỉnh Đà Nẳng quyết liệt phản đối và ngày 07/11 gởi văn bản yêu cầu chính phủ dừng dự án khu nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân, với lý do là khu vực này còn đang trong vòng tranh chấp giữa hai tỉnh.
Kể từ lúc đó, ngay trên mặt báo chính thức ở Việt Nam, đã có nhiều người lên tiếng chỉ trích dự án khu du lịch nghỉ dưỡng ở khu vực Cửa Khẻm, đèo Hải Vân, nhất là vì Cửa Khẻm được coi là mũi vươn ra biển xa nhất, cho nên là một vị trí rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng, mà lại giao cho một nhà thầu Trung Quốc nắm giữ. Trong số những người chỉ trích dự án, có không ít các tướng lĩnh quân đội.
Chẳng hạn như theo lời trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, khu vực đèo Hải Vân là "điểm quân sự then chốt và sẽ chia cắt đất nước trong trường hợp có chiến tranh". Theo phân tích của viên tướng này, về vị trí trên đất liền thì ai làm chủ được Hải Vân"sẽ thâu tóm luôn Đà Nẵng và Huế". Còn về thế trận trên biển, Cửa Khẻm là điểm vươn xa nhất của đèo Hải Vân và gần nhất với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Có được Hải Vân sẽ nắm quyền kiểm soát cả vùng biển. Tướng Thước cũng lo ngại rằng một khi dự án khu nghỉ dưỡng của công ty Trung Quốc được xây dựng ở đây thì « mọi bí mật quân sự của vùng 3 Hải quân sẽ khó được giữ vững ».
Về phía các nhà trí thức, nhà nghiên cứu về Huế Nguyễn Đắc Xuân, tác giả « 700 năm Thuận Hóa- Phú Xuân - Huế » và một cuốn sách nghiên cứu về Triều Nguyễn và Huế xưa, cũng tỏ vẻ rất quan ngại về dự án này khi trả lời phỏng vấn RFI qua điện thoại từ Huế ngày 19/11/2014:
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Huế21/11/2014
Trước những phản ứng nói trên, chiều 20/11 vừa qua, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức họp báo để "cung cấp thông tin" về dự án "Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Wolrd Shine - Huế" tại mũi Cửa Khẻm, đèo Hải Vân. Cuộc họp báo trước hết là nhằm khẳng định khu vực mũi Cửa Khẻm, hòn Sơn Chà "thuộc địa giới hành chính của tỉnh Thừa Thiên-Huế", nhằm chặn đứng mọi đòi hỏi " chủ quyền" của tỉnh Đà Nẳng trên khu vực này.
Chính quyền Thừa Thiên-Huế cũng khẳng định dự án được cấp phép đầu tư theo đúng quyết định của chính phủ "về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2025" và "về phê duyệt tổng thể phát triển du lịch VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030". Trong đó Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được xác định là một trong những khu du lịch quốc gia được ưu tiên tập trung đầu tư đến năm 2020. Chính quyền tỉnh này cũng thanh minh rằng dự án "chỉ mới giai đoạn khảo sát và cấp giấy phép đầu tư, chưa có quy hoạch chi tiết, chưa giao đất và cũng chưa cấp giấy phép xây dựng". Họ cam đoan là sẽ xin ý kiến của thủ tướng và sẽ chấp hành ý kiến của lãnh đạo chính phủ.
Nhưng các phóng viên đến dự họp báo hôm đó chủ yếu hỏi về tác động của dự án khu nghỉ dưỡng đèo Hải Vân đến an ninh quốc phòng của Việt Nam. Đại tá Trần Đình Phòng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, lúc ấy mới thông báo là họ đang chờ "ý kiến chính thức" của bộ Quốc phòng về việc có nên làm dự án này hay không. Viên sĩ quan này cũng cho biết là bộ Quốc phòng sẽ cử một đoàn đến khảo sát thực địa rồi sau đó sẽ cho ý kiến.
Chưa biết là chính phủ Hà Nội sẽ quyết định như thế nào về dự án ở đèo Hải Vân, nhưng dự án này khiến người ta nhớ đến khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Nhà đầu tư Đài Loan, Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, nằm trong Khu Kinh tế Vũng Áng, đã đề nghị chính phủ lập một đặc khu kinh tế gang thép, với nhiều ưu đãi đặc biệt, nằm ngoài khung pháp lý của Việt Nam.Chính phủ Hà Nội đã bác bỏ đề nghị này.
Thế nhưng, cho tới nay, Khu Kinh tế Vũng Áng vẫn hoạt động như một ngoại lệ, nhất là với việc tuyển dụng hàng ngàn lao động Trung Quốc vào làm việc tại đây, tức là lấy đi mất cơ hội làm việc của người dân địa phương. Sự có mặt đông đảo của người Trung Quốc gây lo ngại cho nhiều chuyên gia, sợ rằng Việt Nam sẽ bị cắt làm đôi.
Giới nhân sĩ trí thức cũng đã từng lên tiếng về dự án bauxite Tây Nguyên một phần cũng chính là vì lý do an ninh quốc, bởi lẽ qua dự án này, Trung Quốc có thể kiểm soát được vùng Tây Nguyên. Nhưng chính phủ đã không nghe theo khuyến cáo của giới nhân sĩ trí thức vì đó là "chủ trương của Đảng và Nhà nước". Bây giờ, dự án khu du lịch trên đèo Hải Vân một lần nữa đặt ra vấn đề làm thế nào dung hòa quyền lợi kinh tế của địa phương với an ninh quốc phòng của đất nước.
No comments:
Post a Comment