Matthew Robertson, Epoch Times và Benjamin Chasteen, Epoch Times
25 Tháng Mười Một , 2014
Các diễn biến xã hội của khu vực chiếm đóng chính ngày càng giống với thế giới thực: ở trung tâm là khu địa ốc đắt giá, với nhiều đồ nghệ thuật, một khu vực học tập với đầy đủ tiện nghi, các lều rạp với đồ ăn thức uống và một khu vực thâu âm, nơi các lãnh đạo nổi danh của các sinh viên phát biểu.
Có lẽ cách trung tâm khoảng 1/4 dặm (400 m) về hai hướng Đông-Tây, thoạt nhìn khung cảnh trông như bộ phim hành động cổ điển của những năm 1980 “Chạy Trốn Khỏi New York” (Escape From New York): hàng rào chướng ngại vật không người với các cây tre cắm hướng ra ngoài, những người chơi ván trượt xăm mình, những tay nghiện thuốc lá, và các nhóm thanh niên trùm mũ, đôi khi đeo mặt nạ, đang ngồi xung quanh và hầu như không làm gì cả.
Ed Lau cho biết, anh chịu trách nhiệm ở “Mặt trận phía Đông”. Còn bạn của anh Jack Lam chịu trách nhiệm điều khiển “Mặt trận phía Tây”. Họ liên lạc với nhau và với những người khác trong khu trại thông qua hệ thống bộ đàm. Anh Lam, kiến trúc sư, hiện đã nghỉ việc. Còn anh Lau, hàng ngày anh đều đến khu vực này sau khi kết thúc công việc hướng dẫn giáo dục thể chất của mình.
Lần đầu tiên anh Lau đến Admiralty là vào hôm 28 tháng 9, sau khi cảnh sát chống bạo động dùng hơi cay để giải tán người biểu tình. Anh đã có một bữa tối với cơm chiên cùng mẹ của mình tại Bệnh viện St Mary, sau đó đi bộ đến khu vực này.
Một vài ngày sau đó, họ đã tự cố thủ bằng cách lập hàng rào. “Chúng tôi đã dựng hàng rào phong tỏa này vào ngày 1 tháng 10 để giúp sinh viên tránh bị xã hội đen đánh đập”, anh Lau đề cập đến cuộc bạo lực thứ hai phần nhiều có liên quan đến chính phủ, và đã gây ra làn sóng phản đối cùng phong trào cắm trại dài hạn của người biểu tình.
“Tất cả chúng tôi đều phi chính trị, chúng tôi không quan tâm dù sự việc có đi theo hướng nào đi nữa. Nhưng đó là nghĩa vụ công dân của chúng tôi trong việc bảo vệ những người (sinh viên) dễ bị tấn công”.
Sau khi đánh giá xem ai là người phụ trách (không có ai), và có kế hoạch gì nếu cảnh sát hay xã hội đen đến (cũng không có), anh Lau chợt nhận ra: “Hành động biểu tình sẽ vô tác dụng nếu không có sự điều phối và liên lạc với nhau. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức các cuộc thảo luận nhằm đề ra sách lược và thiết lập phương án ứng phó nhanh với những kịch bản khác nhau”.
Sau đó, những người biểu tình đã đưa ra các mã màu sắc tương ứng với các kịch bản khác nhau này. Anh Lau đặt các màu sắc ra và giải thích: “Mã màu xanh lá cây là khi một hoặc hai người đến chửi mắng và quấy rối. Lúc này, chúng tôi chỉ theo dõi sự việc. Màu vàng là khi một số người với mục đích xấu đến gây phiền toái hoặc bạo lực. Trong trường hợp đó, một nửa số người từ các trạm lân cận sẽ tới để đối phó với tình hình”.
Và cuối cùng là mã màu đỏ trong trường hợp bất khả kháng: “Đó là khi nhiều cảnh sát tới giải tán khu vực với hơi cay, đạn cao su, hoặc tệ hơn nữa; hoặc nếu hàng trăm kẻ tấn công hay phá rối cầm dao và gậy tới, chúng tôi sẽ có các biện pháp sơ tán khác nhau đối với lượng người khác nhau-500, 1.000, 5.000”.
Anh Lau cho biết, thậm chí các lãnh đạo sinh viên không biết về kế hoạch này. Anh kể lại, khi biết việc này, một trong số họ đã thốt lên:
“Ồ, các bạn đã có một kế hoạch thật tuyệt vời”.
Rõ ràng khu vực chiếm đóng vận hành theo một cấu trúc song song giữa Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HFS), Học Dân Tư Triều, và Hòa Bình Chiếm Trung, là những bộ mặt công khai của phong trào này, chuyên phát ngôn với giới truyền thông và hội đàm với chính phủ.
Nhưng khả năng Lau cùng những người khác ở địa điểm này thực sự có thể đương đầu với hàng nghìn người tràn vào hay không, vẫn còn là dấu hỏi.
Lĩnh Anh, một trong những người thuộc các trạm cung cấp thực phẩm chính, cho biết rằng không ai có kế hoạch sơ tán tổng thể.
“Có rất nhiều vị anh hùng muốn chịu trách nhiệm về việc này việc kia, họ là những người đang đảm nhận một khu trại. Nếu bạn đi bộ xung quanh và nói với mọi người ‘tôi vận hành khu vực này’, thì họ sẽ đáp lại…” Lĩnh Anh kết luận một cách khó chịu.
Đến lúc cần sơ tán thì mọi người sẽ chạy thôi. Đó mới là điểm mấu chốt”Lĩnh Anh nhận định.
Dù vậy, ở Mặt trận phía Tây, Jack Lam tự coi bản thân và nhóm của anh có đóng góp quan trọng đối với phong trào biểu tình, bằng cách đảm bảo sự hiện diện ở tiền tuyến, nhờ vậy các cảnh sát sẽ không dễ dàng phá bỏ các hàng rào chướng ngại.
(Từ trái qua phải) Homes Sin, Jack và Victor là những người biểu tình chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức và bảo vệ các rào chắn ở bên ngoài “Quảng Trường Ô”, ở Quận Trung Tâm của Hồng Kông, vào ngày 27 tháng 10 năm 2014. (Ảnh: Benjamin Chasteen/Epoch Times)
“Chúng tôi đến để bảo vệ các sinh viên. Nếu không vì họ, chúng tôi sẽ không làm như thế này, các sinh viên cần được an toàn”, Jack chia sẻ.
Những rào chắn dựng xung quanh trại ở Mặt trận phía Tây hầu như đang vắng bóng người. Nhưng anh Victor, 18 tuổi, bạn của Jack nói rằng, chỉ mất 10 phút, nhóm của anh có thể huy động hàng trăm người. Hình thành một đám đông tức thì để kiềm tỏa ý định giải tán người biểu tình của cảnh sát.
“Tôi chỉ cần một cuộc gọi, sẽ có hàng trăm người tới đây”, anh Victor tuyên bố.
No comments:
Post a Comment