(PetroTimes) - Mặc dù đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lưỡng viện (hôm 4/11, theo giờ Mỹ) - nắm cả Thượng viện và Hạ viện trước đảng Dân chủ, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ nhượng bộ Trung Quốc.
Khó tạo được đột phá
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6/2013
Cũng trong ngày 5/11, tờ Thời báo Hoàn Cầu mô tả ông Barack Obama là “nhà lãnh đạo sáo rỗng và làm việc chán ngắt”. Trước đó (4/11), tờ Le Figaro của Pháp cho rằng, Tổng thống Mỹ chỉ thành công tại châu Á, còn thất bại ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Theo tờ Le Figaro, trong khi gặp khó khăn ở Trung Đông, bế tắc ở Nga, nhưng Washington đã lấy lại vai trò trụ cột ở châu Á bởi ông Barack Obama biết cách nói chuyện với Trung Quốc. Cùng ngày 4/11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, mối quan hệ Mỹ - Trung có ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay.
Theo ông John Kerry, quan hệ giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ “định hình thế kỷ XXI” và chuyến công du Bắc Kinh lần này của Ngoại trưởng Mỹ được cho làm tiền trạm cho Tổng thống Barack Obama tới Trung Quốc tham dự hội nghị cấp cao APEC. Phát biểu khi thăm Viện Nghiên cứu quốc tế tại Đại học Johns Hopkins ở Washington, ông John Kerry cho rằng, do mối quan hệ Mỹ - Trung quan trọng nên phải hành động đúng và quản lý cẩn trọng. Tuy nhiên, ông John Kerry cũng thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và trong lúc phát biểu hăng say, Ngoại trưởng Mỹ đã giơ nắm đấm thể hiện sự quyết tâm.
Ngày 29/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, hội nghị cấp cao APEC ở Bắc Kinh sẽ có triển vọng thu được 3 đột phá mới và thực hiện 3 mục tiêu lớn; đồng thời để lại dấu ấn lịch sử sâu sắc cho hợp tác tại Châu Á - Thái Bình Dương và phát triển kinh tế thế giới. Ngày 1/11, tờ The Diplomat đăng bài phân tích của tác giả Elizabeth Economy Giám đốc Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Công ty Đầu tư toàn cầu C.V. Starr & Co. Inc. Theo đó, Trung Quốc muốn thông qua Hội nghị cấp cao APEC để cài đặt lại một loạt vấn đề mà Bắc Kinh đang phải đối mặt. Để thực hiện kế hoạch này, Trung Quốc đã tìm cách cải thiện quan hệ với các quốc gia láng giềng trong đó có Nhật Bản.
Trong khi đó, một số học giả cho rằng, Trung Quốc tìm cách xoa dịu các nước láng giềng, không để vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông xuất hiện trong chương trình nghị sự APEC sắp tới và Bắc Kinh đang câu giờ trong vấn đề Biển Đông. Trước đó (28/10), tờ The Diplomat đăng bài viết về các ý kiến thảo luận được trích dẫn từ cuộc đối thoại chiến lược Mỹ - Trung do Trường đại học cao cấp Hải quân phối hợp với Diễn đàn Thái Bình Dương tổ chức hồi tháng 6-2014 ở Ihilani, Hawaii.
Trong đó chỉ rõ sự cần thiết để buộc Mỹ - Trung phải ký thỏa thuận về các trường hợp phóng tên lửa tầm xa nhằm mục đích giảm thiểu sự phán đoán nhầm tai hại. Bởi Washington và Bắc Kinh cùng có lợi ích chung trong việc cải thiện quan hệ chiến lược.
Gần 1 tháng trước (10/10), tờ New York Times đăng bài của ông Wesley Clark, tướng 4 sao nghỉ hưu Mỹ, cựu Tổng tư lệnh quân đồng minh NATO cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược ngăn cản ảnh hưởng của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời không che đậy mưu đồ độc bá biển Hoa Đông và Biển Đông.
Vẫn chỉ là những tuyên bố
Ngày 4/11, Hãng Kyodo News dẫn lời kêu gọi của Tổng thống Philippines Benigno Aquino: cộng đồng quốc tế cần thể hiện quan điểm rõ ràng của họ về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Ông Benigno Aquino cho biết, Manila hy vọng sẽ có một sự thay đổi thái độ mà tất cả các bên liên quan trở nên tuân thủ pháp luật hơn, thực sự tuân thủ các tuyên bố công khai về tôn trọng luật pháp quốc tế. Bởi cộng đồng quốc tế có quyền lợi ở Biển Đông vì ít nhất 40% thương mại thế giới đi qua đây.
Cùng ngày 4/11, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lại mạng Quan sát quân sự (Nga) về bài viết “Phương hướng phát triển chủ yếu của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản”. Theo đó, Thái Bình Dương có thể là khu vực quan trọng chiến lược đối với một số quốc gia và có thể trở thành nơi đối đầu giữa Bắc Kinh với Washington và đồng minh.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc vừa cáo buộc, việc Nhật Bản tăng số lượng máy bay quân sự đánh chặn máy bay chiến đấu Trung Quốc, đang gây ra mối nguy cho an toàn hàng không của hai nước và an toàn hàng hải giữa các cường quốc châu Á. Ngày 30/10, Bắc Kinh đã kêu gọi Tokyo ngừng sử dụng máy bay quân sự chặn máy bay Trung Quốc trên vùng biển hai nước tranh chấp, nhất là tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, Tokyo đã buộc phải thực hiện 207 lần xuất kích để điều chiến đấu cơ đối phó với sự xâm nhập trái phép của máy bay Trung Quốc (từ giữa tháng 4 đến tháng 9/2014), tăng 149 trường hợp so với năm ngoái.
Hãng Kyodo từng dẫn thông báo của Hội đồng Tham mưu liên quân thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, chiến đấu cơ của lực lượng Phòng vệ trên không phải xuất kích 533 lần để ngăn chặn máy bay nước ngoài trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9, cao hơn so với 225 lần so với cùng kỳ năm 2013. Hãng Kyodo còn đưa tin, Tokyo vừa công bố dự thảo Kế hoạch cơ sở 10 năm về chính sách không gian, trong đó chú trọng hơn tới an ninh, khi năng lực không gian của Trung Quốc đang phát triển. Bởi trong dự thảo, Tokyo bày tỏ quan ngại về khả năng lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bị tấn công trong tình huống Trung Quốc phá hủy vệ tinh.
Hơn 10 ngày trước (24/10), tờ Nhật báo Phố Wall cho rằng, sau 40 năm nỗ lực, Trung Quốc đã gia nhập câu lạc bộ các nước ưu tú vì sự lớn mạnh không ngừng của hạm đội tàu ngầm. Trong khi đó Hãng AFP dẫn cảnh báo của Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng Raymond Odierno khi cho rằng, việc cắt giảm ngân sách quốc phòng có thể buộc lực lượng này phải cắt giảm mạnh (từ 490.000 xuống còn 420.000 binh sĩ) quy mô vào thời điểm những thách thức an ninh đang gia tăng nhanh chóng.
Theo nhận định của tờ The National Interest, hiện Bắc Kinh đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với Washington, nguy hiểm hơn cả Liên Xô thời kỳ Chiến tranh lạnh. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick từng yêu cầu Trung Quốc trở thành “bên hữu quan có trách nhiệm”; còn cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell chủ trương thực hiện “chính sách hòa giải” với Trung Quốc, để tránh dẫn đến những xung đột thảm khốc giữa các cường quốc.
Theo giới truyền thông, khi tham dự Diễn đàn toàn cầu Boston tại Harvard Faculty Club bàn về xây dựng giải pháp cho Hòa bình và An ninh ở Thái Bình Dương (17/9), Giáo sư Joseph Nye, cha đẻ học thuyết “sức mạnh mềm” từng bày tỏ ngạc nhiên khi Trung Quốc hy sinh ảnh hưởng to lớn ở khu vực vì những bãi đá ở Biển Đông.
15:00 | 24/11/2014
Hồng Thất Công
No comments:
Post a Comment