(Baodatviet) - VN coi trợ cấp thất nghiệp chỉ phản ánh gián tiếp tỷ lệ thất nghiệp, quốc tế coi là yếu tố để xác định NLĐ có thất nghiệp hay không.
Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp cả nước quý II/2014 là 1,84%, thấp nhất trong vòng một năm qua và Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Nhiều ý kiến băn khoăn không biết Việt Nam định nghĩa thế nào là thất nghiệp để có được con số trên.
Cách hiểu của Việt Nam
Trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, định nghĩa về thất nghiệp từ xưa đến nay giữ nguyên không thay đổi qua các năm, các cuộc điều tra và hoàn toàn tương thích với định nghĩa thế giới. Cuộc điều tra này do Tổng cục Thống kê thực hiện hàng quý, có sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dựa trên số mẫu là 50.000 hộ gia đình.
Theo đó, người thất nghiệp là những người từ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc, trong thời gian phỏng vấn (trong vòng 1 tuần) có đi tìm việc làm nhưng chưa tìm được.
Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới
Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, ở Việt Nam không có ai thất nghiệp tuyệt đối, mất việc này họ vẫn có thể làm việc khác, tức là vẫn có thu nhập. Do đó, cử nhân, thạc sĩ đi làm xe ôm, bán trà đá... vẫn được coi là có việc làm.
"Có thể nói một người đi làm như thế là chất lượng việc làm chưa tốt, thu nhập thấp, nhưng không phải thất nghiệp", bà Hương khẳng định.
"Khi điều tra người ta hỏi có làm việc không, có nhu cầu đi tìm việc không, đầy đủ 4 tiêu chuẩn như trên mới ra được người thất nghiệp. Nhưng với một nước có tỷ lệ lao động nông nghiệp 44%, lao động ở nông thôn 70%, tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức trên 50% như Việt Nam thì làm sao thất nghiệp được. Chỉ có điều chất lượng việc làm, thu nhập như thế nào mà thôi".
Cũng theo bà Hương, định nghĩa này loại bỏ những người có cơ hội việc làm nhưng từ chối không nhận vì lý do tiền lương thấp hơn, điều kiện làm việc xa hơn... Đây gọi là thất nghiệp tự nguyện và không tính là những người bị thất nghiệp. Ngoài ra, những người trong độ tuổi lao động nhưng đi học, tạm thời không tham gia lực lượng lao động cũng không được coi là người thất nghiệp.
Bà Hương chỉ ra rằng, GDP của Việt Nam tăng trưởng từ 5-7% không có nghĩa là Việt Nam giàu, cũng như nước Mỹ tăng trưởng 1-2% không có nghĩa là họ nghèo, không có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam thấp hơn Mỹ thì tỷ lệ thất nghiệp cao hơn Mỹ.
"Nền kinh tế càng có tính tổ chức cao, công nghiệp hóa càng có tỷ lệ thất nghiệp cao vì khi mất việc làm họ không có kinh tế vỉa hè, không có kinh tế tự cung tự cấp, không thể làm gì được nên mới thất nghiệp cao. Ở đây mọi người vẫn nhầm lẫn trong việc đánh giá thất nghiệp, giữa việc làm và thất nghiệp", bà Hương nói.
Đề cập đến trợ cấp thất nghiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết nó chỉ phản ánh gián tiếp tỷ lệ thất nghiệp, nói về an ninh việc làm và. Theo quy định, những người nào tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ từ 12 tháng trở lên thì khi thất nghiệp họ được hưởng một khoản để tái hòa nhập lại thị trường lao động.
Thế giới khác Việt Nam
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho rằng, nước ngoài đánh giá về thất nghiệp khác Việt Nam.
"Như tôi đã nghiên cứu trước đây ở Úc, Đức, quan điểm về thất nghiệp của họ rất khác. Theo đó, người lao động phải được trợ cấp thất nghiệp, mà để có được cái này người lao động phải lấy xác nhận của 3 doanh nghiệp mà họ từng đến xin việc, được thẩm định rằng họ không đủ năng lực để các doanh nghiệp này thu nhận vào làm việc. Khi ấy một người mới được coi là thất nghiệp. Mức trợ cấp này chỉ đảm bảo duy trì cuộc sống tối thiểu để người lao động đi tìm việc làm".
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri lưu ý, người lao động sẽ không được trợ cấp dài hạn mà chỉ trợ cấp hàng tháng một. Đồng thời các trung tâm lao động, nơi chi trả trợ cấp thất nghiệp sẽ bồi dưỡng, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động để đáp ứng được nhu cầu của xã hội, sau đó cấp chứng chỉ để họ đi xin việc.
Ông Tri dẫn ví dụ ở Đức, nếu người lao động được xác nhận là thất nghiệp thì được trợ cấp 450 mác/tháng (tương đương 300 USD/tháng). Để được hưởng mức trợ cấp này, các chỉ tiêu đánh giá nhằm xác nhận người lao động thất nghiệp hết sức khắt khen bởi trợ cấp thất nghiệp lấy từ ngân sách nhà nước, tức là tiền thuế của người dân đóng góp vào.
Theo ông Tri, tại Việt Nam chưa ai được hưởng trợ cấp thất nghiệp thật sự do chưa có một trung tâm để làm việc này. Hơn nữa, trình độ quản lý về mặt xã hội của các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế, cơ sở luật pháp của Việt Nam chưa đầy đủ để đảm bảo thực hiện chính sách này.
Hiện tại Việt Nam đang tồn tại hình thức đó là trả một cục cho người lao động thôi việc nếu người lao động đó được biên chế và thực hiện việc đóng bảo hiểm định kỳ. Ông Tri cho rằng đây không phải là trợ cấp thất nghiệp, mà nó tương tự như chính sách trả một cục cho những người về hưu trước tuổi trước đây.
Minh Thái
No comments:
Post a Comment