Blogger Phạm Viết Đào tại phiên tòa sơ thẩm 19/3/2014 (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN). Hai 'bị hại' liên quan đến vụ án là TBT Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vắng mặt
CTV Danlambao - Blogger Phạm Viết Đào, người nổi tiếng với loạt bài về chủ đề chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược, đã mãn hạn bản án 15 tháng tù giam với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ theo điều 258 bộ luật hình sự.
Lúc 10 giờ sáng ngày 13/9/2014, trang facebook Dũng Mai xác nhận thông tin này và cho biết ông Phạm Viết Đào đang trên đường về nhà.
Ông Phạm Viết Đào năm nay 62 tuổi, là một nhà văn, blogger có tiếng tại Việt Nam. Ông từng giữ vị trí Trưởng phòng Thanh tra và phòng chống tham nhũng, sở văn hóa thông tin HN.
Trước khi bị bắt, trang blog chuyên về Thế sự - Văn chương – Tâm linh của ông thường xuyên trích đăng những thông tin thời sự nóng hổi, đặc biệt là những tin tức cơ mật liên quan đến các nhân vật chóp bu trong đảng cộng sản.
Ngày 13/6/2013, công an Hà Nội kéo đến khám xét nhà riêng và ‘bắt khẩn cấp’ ông Phạm Viết Đào.
Phiên tòa vắng mặt 'bị hại' Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng
Ngày 19/3/2014, tại phiên tòa sơ thẩm, ông Đào bị cáo buộc đã có những bài viết“phỉ báng đảng và nhà nước... bôi nhọ danh dự, uy tín của lãnh đạo đảng và thủ tướng”.
Những nhân vật được coi là 'bị hại' trong vụ án gồm có tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không có mặt tại tòa.
Cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều giữ nguyên mức 15 tháng tù giam đối với ông Đào.
Đáng chú ý, phiên phúc thẩm đã diễn ra hoàn toàn lén lút, không có luật sư, gia đình ông không được vào dự.
Từng là một cựu chiến binh, blogger Phạm Viết Đào là một người có quan điểm chống sự xâm lược, bành trướng của Trung Quốc mạnh mẽ.
Được biết, em trai ông đã hi sinh trong cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc xâm lược năm 1979.
Những bài viết của ông trên blog nhiều lần phê phán mạnh mẽ bộ sậu lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam khi để đất nước rơi vào tình trạng suy thoái, kiệt quệ và phụ thuộc quá lớn vào nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment