Bên trong nhiều vụ án cháy nổ còn có sự xuất hiện bất thường của nhiều hiện trường khác mà hiện trường cháy nổ chỉ là che đậy những bất thường ấy để đánh lạc hướng CQĐT. Thường đó là các vụ án giết người, hiếp dâm, trộm cắp tài sản…
Sau khi gây án, thủ phạm dùng lửa đốt cháy toàn bộ hiện trường gây án để thủ tiêu chứng cứ và dấu vết nhằm phi tang tội ác.
Trong một vài năm trở lại đây, số lượng các vụ việc liên quan đến cháy nổ yêu cầu Viện Khoa học hình sự (KHHS), Bộ Công an hỗ trợ và trưng cầu giám định của các địa phương trên cả nước ngày càng lớn.
Theo báo cáo kết quả công tác kỹ thuật hình sự của Viện KHHS, mỗi năm số vụ cần hỗ trợ lên đến hàng chục vụ và hàng trăm vụ cần trưng cầu giám định. Tuy nhiên, cán bộ chiến sĩ kỹ thuật hình sự chuyên khám nghiệm hiện trường và giám định dấu vết cháy nổ cho rằng, hiện trường cháy nổ luôn là một công việc khó khi tiến hành điều tra…
Những vụ án khó quên
Ngày 29-10-2010, tại tòa nhà 9 tầng đang xây dựng của Thanh tra Chính phủ tại lô D29 khu đô thị mới Cầu Giấy đã xảy ra một vụ cháy nổ lớn. Trong thời điểm đang hoàn thiện để bàn giao, vào giờ nghỉ trưa, đường ống xả rác bằng nhựa Compoxit cốt sợi thủy tinh thuộc nửa nhà phía Đông Bắc bị cháy sau đó nổ lớn làm đổ tường xung quanh buồng đổ rác và vệ sinh.
Vụ nổ đã làm hư hỏng cửa kính, các thiết bị ở tầng 8 và tầng 9. Rất may vụ nổ đã không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, sau vụ cháy nổ bắt đầu xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt cho rằng có kẻ phá hoại trong nội bộ cơ quan…
Nhận định cần phải làm rõ những nguyên nhân để tránh những tin đồn ác ý như trên, ảnh hưởng đến an ninh địa bàn, Công an TP Hà Nội, CAQ Cầu Giấy cùng lực lượng giám định viên Viện KHHS đã vào cuộc.
Qua khám nghiệm hiện trường, các giám định viên xác định nguyên nhân vụ cháy nổ là do ai đó đã bất cẩn vứt tàn lửa cùng giấy và rác dễ cháy vào đường ống xả rác. Chính vì thế đã dẫn đến cháy ở đường ống ở tầng 1, trong khi tất cả các cửa đổ và xả rác đều đóng.
Quá trình này dẫn đến việc thiếu khí oxy nên sinh ra nhiều khí cacbonic. Luồng khí cacbonic này bị đối lưu đẩy lên và tích tụ ở tầng 8, tầng 9 tạo thành hỗn hợp nổ, khi gặp luồng nhiệt đang cháy phía dưới đã gây ra một vụ cháy nổ.
Những giám định viên tại Viện KHHS cho rằng, ngoài kiến thức chuyên môn chuyên sâu thì kiến thức về hóa học đối với các giám định viên cháy nổ rất quan trọng. Điển hình cho nhận định này là vụ nổ xảy ra tại Công ty Cổ phần Bột giặt Đức Giang ngày 18-6-2010.
Việc tìm ra nguyên nhân sớm để ổn định tâm lý công nhân làm việc tại đây lúc đó đặt ra hết sức cần thiết. Mọi người đều hoang mang và lo lắng khi cho rằng môi trường làm việc có thể gây nguy hiểm.
Sự việc bắt nguồn từ việc một công nhân đang hàn trong xy-tec chuyên chở axit-sunfuric thì xảy ra nổ khiến công nhân này tử vong ngay trong xy-tec trong tình trạng thi thể không còn nguyên vẹn. Trong trường hợp này, xy-tec bằng inox còn mới và chuyên dùng chở axit-sunfuric thì tại sao lại nổ? Thực chất đây là vụ nổ hỗn hợp khí hydro với oxy không khí. Khí hydro sinh ra do axit-sunfuric tác dụng với bụi bẩn và gỉ sắt, tích tụ trong khoang kín, khi gặp nguồn nhiệt đã gây đột ngột nổ.
Thông thường, các vụ cháy nổ kể trên chỉ là hiện trường cháy nổ thông thường. Các giám định viên kỹ thuật hình sự không chỉ xác định nguyên nhân dẫn đến vụ việc mà còn phải hướng dẫn đơn vị xảy ra hỏa hoạn có biện pháp bảo vệ và phòng ngừa kịp thời, tránh gây ra những vụ việc tương tự.
Những vụ cháy kỳ quặc
Vào đêm 23 rạng sáng ngày 24-10-2005, tại phòng làm việc của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên xảy ra một vụ cháy lớn. Khi mọi người phát hiện chạy tới hiện trường thì đám cháy đã bao trùm toàn bộ phòng làm việc.
Không ai bảo ai, mọi người có mặt đều cố gắng hết sức để dập tắt đám cháy, đồng thời báo tin cho Công an TP Thái Nguyên. Có mặt tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 1 xác chết cháy, người đó không ai khác chính là đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã. Toàn bộ căn phòng cùng tài sản, tài liệu, giấy tờ đã bị thiêu rụi.
Theo thông tin ban đầu, trong số tài sản bị “bà hỏa” thiêu đó có toàn bộ số tiền chính sách mà đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã lĩnh về chiều hôm trước đã không còn. Nhiều giả thiết được đưa ra, rất có thể đây là một vụ giết người cướp tài sản rồi đốt hiện trường để phi tang. Nhiều nhân chứng cho biết, đêm 23-10, đồng chí Phó Chủ tịch xã đã không về nhà mà ngủ lại cơ quan để bảo vệ số tiền trên nên mới gặp cơ sự không may như vậy.
Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ảnh hưởng tới uy tín của nhiều cá nhân nên CQĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã quyết định trưng cầu giám định và yêu cầu trợ giúp của lực lượng kỹ thuật hình sự, Viện KHHS.
Có mặt tại hiện trường, các giám định viên nhanh chóng thu thập toàn bộ chứng cứ liên quan, đặc biệt là một số giấy bạc bị cháy vẫn còn dấu vết trong tủ quần áo. Đây chính là số tiền đã bị cháy mà đồng chí Phó Chủ tịch cất giữ. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào chi tiết này chưa đủ để kết luận đây có phải là vụ cháy thông thường hay là một vụ giết người, cướp tài sản.
Qua khám nghiệm tử thi, hiện trường và đặc biệt là ổ phích điện cắm máy vi tính được coi là nơi đầu tiên phát hỏa. Từ đầu mối này, các giám định viên xác định được nguyên nhân dẫn đến vụ việc là sự cố chập điện ở bàn vi tính.
Sau khi chập đã gây ra cháy mảnh vải trên bàn làm việc rồi cháy lan ra các vật dụng khác. Thấy cháy, đồng chí Phó Chủ tịch xã lao ra ngoài tháo chạy. Chợt nghĩ số tiền trợ cấp và chính sách đang để trong tủ nên ông vội chạy vào cứu thì bị lửa bén và bao trùm dẫn đến chết cháy.
Một vụ án cháy “kỳ quặc” khác được các giám định viên truy tìm nguyên nhân là vụ cháy khu tập thể Lâm Tường, quận Lê Chân, TP Hải Phòng cách đây không lâu. Căn nhà riêng bị cháy đã không còn một vật dụng gì đáng giá bởi ngọn lửa cũng đã thiêu rụi tất cả. Chủ nhà vốn là một công chức Nhà nước trên địa bàn khai báo trong nhà có một số lượng tiền lớn của cơ quan, khi chưa kịp đem nộp thì xảy ra hỏa hoạn.
Tại CQĐT, chủ nhà cho biết vào đêm hôm xảy ra sự việc, có kẻ gian đã đột nhập vào nhà và lấy toàn bộ số tiền, sau đó phóng hỏa đốt nhà. Trước tình thế này, CQĐT CAQ Lê Chân đã quyết định nhờ đến lực lượng giám định kỹ thuật hình sự.
Tại hiện trường, các giám định viên thu thập các dấu vết cháy đã nhanh chóng xác định nguyên nhân gây cháy là do để quên bàn là đang cắm điện nên đã xảy ra cơ sự trên. Đồng thời, các giám định viên còn kết luận, không có dấu vết đột nhập và tác nhân gây cháy từ bên ngoài. Đặc biệt, trong tủ đựng tiền khi xảy ra cháy không hề có dấu vết lục lọi. Tiền đã không có trong tủ khi xảy ra cháy.
Điều này trái ngược hẳn với lời khai báo ban đầu của vị chủ nhà. Chính từ cơ sở quan trọng này của kết quả giám định của các cán bộ Viện KHHS, CAQ Lê Chân đã đấu tranh với vị chủ nhà. Kết quả cuối cùng, vị chủ nhà đã thú nhận hành vi gian dối là lợi dụng cháy nhà để khai báo không đúng sự thật nhằm chiếm đoạt số tiền công quỹ của cơ quan.
Tội ác sau những vụ cháy
Sáng ngày 25-12-2003, người dân thôn Thao Ngoại, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên, Hà Nội phát hiện xác một người bị chết cháy ở giữa cánh đồng. Ngay lập tức, tin này đã được báo cho cơ quan CAH Phú Xuyên. Trong vụ án này, lực lượng giám định kỹ thuật hình sự đồng thời khám nghiệm cả 3 loại hiện trường liên quan đến vụ việc là hiếp dâm, giết người và cháy nổ.
Qua khám nghiệm ban đầu, các giám định viên cháy nổ xác định nạn nhân đã bị tẩm xăng đốt, đây là một cô gái. Tiếp đó, lực lượng giám định đủ căn cứ kết luận cô gái là Hoàng Thị T. (19 tuổi), người thôn Thao Ngoại bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ song đã bị kẻ gian giết chết trước khi bị hắn đốt xác nhằm phi tang tội ác.
Từ nhận định và định hướng này, CAH Phú Xuyên sau đó đã bắt khẩn cấp Lã Xuân Trường (SN 1968), ở xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên về tội hiếp dâm không thành và giết chị Hoàng Thị T. Đêm 24-12, chị T. cùng 2 trẻ em hàng xóm đi chơi ở xã bên, đã gặp Trường và bị tên này rủ đi chơi.
Sau đó, Trường đã đưa chị T ra cánh đồng vắng để thực hiện hành vi đồi bại, nhưng do chị T chống cự và dọa về mách người nhà nên tên Trường đã bóp cổ chị đến chết và đốt quần áo để phi tang.
Hay như vụ việc tra tấn rồi đốt xác nạn nhân ở cánh đồng Đào Viên, Quế Võ, Bắc Ninh xảy ra vào ngày 27-2-2008 cũng có tính chất tương tự được các giám định viên xác định nguyên nhân và thông qua giám định ADN đã tìm được manh mối của vụ việc.
Các cán bộ kỹ thuật hình sự giám định cháy nổ cho biết, để đi đến kết quả cuối cùng của việc khám nghiệm hiện trường một vụ cháy nổ có dấu hiệu tội phạm hay không, nhất thiết phải qua 2 bước cơ bản.
Đầu tiên là phải xác định nguyên nhân và tính chất của vụ cháy, nổ do bất cẩn; do con người cố ý hay do một tác nhân, điều kiện nào đó phải căn cứ vào tổ hợp các dấu vết cháy, nổ và vật chứng đặc trưng của hiện trường.
Sau đó, phải thu thập, phát hiện và đánh giá được các vật chứng do tội phạm để lại hiện trường và các vùng phụ cận hiện trường để tìm ra dấu vết. Trường hợp có tử thi nhất định phải khám nghiệm tử thi. Những người trước và sau khi ra vào hiện trường cháy rất quan trọng để xác định căn cứ của vụ việc…
Thực tế những vụ án giết người, đốt xác phi tang rất ít khi xảy ra, nhưng đó đều là những vụ án gây kinh hoàng trong dư luận nhân dân. Đặc điểm của những vụ án này là thủ phạm đều có sự tính toán từ trước, có ý thức hủy hoại hiện trường, tránh sự phát hiện của CQĐT.
Sau khi lửa cháy đã tàn, các vật chứng liên quan đến vụ án thường bị than hóa khiến dấu vết gần như bị xáo trộn hoàn. Đặc biệt, những vụ án đốt xác nạn nhân hoặc đốt hiện trường thường được đối tượng lựa chọn thời điểm đêm khuya, địa điểm vắng người qua lại nên hầu như không có nhân chứng để khác thác tài liệu liên quan chính vì thế để làm sáng tỏ các vụ án bí ẩn đằng sau các vụ cháy là quá trình điều tra hết sức khó khăn mà công tác giám định kỹ thuật hình sự có ý nghĩa quan trọng.
Theo Quân.Trần
An ninh thủ đô
No comments:
Post a Comment