Saturday, September 13, 2014

Sau vụ giàn khoan, giới đầu tư ngoại quốc quay lại Việt Nam

BÌNH DƯƠNG (NV) .- Giới đầu tư ngoại quốc theo chân nhau hoạt động trở lại tại các khu công nghệ, phần lớn là sản xuất xuất cảng, từng bị bạo động đập phá hồi Tháng 5-2014 vừa qua buộc họ phải bỏ chạy.


 Người đi đường dừng lại xem người biểu tình đốt phá cơ sở sản xuất ngoại quốc ở khu công nghệ Bình Dương hôm 14/5/2014. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn nhận xét của giới đầu tư ngoại quốc cho hay, kể cả những công ty từng bị các người biểu tình đập phá hư hại nặng, đã tái tục sản xuất từ giày dép, quần áo, bàn ghế và đồ điện tử.

Giới đầu tư tài chính ở các trung tâm tài chính quốc tế tin rằng, Việt Nam là một nơi an toàn sau khi ngoại trưởng nước này gặp một sứ giả cao cấp của Bắc Kinh cam đoan sẽ không dung tha cho các vụ bạo động nào nữa. Nguyên nhân dẫn đến bạo động là Trung Quốc đã đưa giàn khoan khổng lồ HD981 tới tìm dầu khí ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Không những trụ sở của các công ty Trung Quốc và Đài Loan bị đập phá hay đốt cháy, nhiều công ty của các nhà đầu tư Đại Hàn, Nhật Bản, Singapore cũng bị vạ lây. Sau vụ bạo động, một số công ty gắn bảng phía ngoài nói công ty của mình không phải của Trung Quốc để tránh tai vạ.

“Chúng tôi nghĩ rằng tiến trình chính trị diễn tiến xuôi chiều thôi.” Michel Tosto, giám đốc điều hành của công ty đầu tư chứng khoán Viet Capital Securities ở Sài Gòn phát biểu. “Chúng tôi không nghĩ rằng chuyện lộn xộn sẽ tiếp tục.”

Nhờ cảm thấy yên tâm là các xáo trộn không còn xảy ra, chỉ số chứng khoán đã tăng trở lại sau khi mất đến 15% trị giá hồi Tháng 5. Các tổ chức đầu tư tài chính ngoại quốc vẫn không rút chạy nhưng những nhà đầu tư nhỏ lẻ thì hoảng hốt bán tháo, theo nhận định của bà Lương Thị Mỹ Hằng, phó giám đốc điều hành công ty quản trị đầu tư chứng khoán VietFund Management.

“Người ta sợ vì các tin đồn chiến tranh đang diễn ra.” bà Mỹ Hằng nói. “Tuy nhiên, các tổ chức đầu tư tài chính ngoại quốc vẫn giữ nguyên các khoản đầu tư của họ ở Việt Nam do chúng tôi quản lý. Khuynh hướng của họ là những nhà đầu tư dài hạn.”

Giới đầu tư không bỏ chạy cho thấy có sự tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam mà Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5.6% năm nay. Giá biểu lao động tại Việt Nam thấp hơn Trung Quốc từ 20% đến 30%, theo nhận xét của Ralf Matthaes, chủ nhân công ty tư vấn đầu tư In-Focus.

Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc giảm suốt 11 tháng của năm 2012 trong khi Việt Nam là nơi đặc biệt tốt hơn cho các đầu tư sản xuất hàng hóa có giá trị thấp khi giới đầu tư đi tìm một địa điểm có giá biểu nhân công thấp và một thị trường lớn hơn, theo công ty nghiên cứu HSBC Research viết trong bản tường trình năm 2013.

Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ kinh tế Mỹ hồi phục, thị trường mà Việt Nam xuất cảng phần lớn hàng hóa. Giới đầu tư hy vọng nhà cầm quyền sẽ nới lỏng luật đầu tư thêm nữa để giới đầu tư ngoại quốc có thể mua được cổ phần nhiều hơn giới hạn 49% như hiện nay của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Giấy phép mở một xí nghiệp ngoại quốc hoạt động tại Việt Nam có thể chỉ cần 30 ngày, theo lời ông Mathaes. Hối suất đồng bạc và chỉ số lạm phát cũng tương đối ổn định khác hẳn tình trạng của ba năm trước dù niềm tin của giới tiêu thụ còn khá thất vọng.

“Về mặt chính trị thì (Việt Nam) ổn định” theo ý kiến ông Theng Bee Han, chủ tịch Phòng Thương Mại Malaysia tại Việt Nam. “Từ mặt kinh tế, trong khoảng 5 năm qua, nhà cầm quyền cố gắng cải thiện cho bầu khí kinh doanh tốt hơn”.

Đầu tư ngoại quốc chiếm khoảng 17% tổng sản lượng quốc gia (GDP) 155 tỉ đô la của Việt Nam, dẫn đầu bởi Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan. Đầu tư ngoại quốc chiếm 66% tổng số trị giá hàng hóa xuất cảng của Việt Nam và đóng góp đến phân nửa lợi tức từ thuế của nhà cầm quyền CSVN, theo ông Mathaes.

Việt Nam với Trung Quốc từng có nhiều giai đoạn lịch sử xương máu và chỉ tái lập bang giao năm 1990 sau cuộc chiến biên giới năm 1979. Hiện phần lớn các công ty sản xuất của Việt Nam tùy thuộc vào nguyên liệu và phụ tùng của Trung Quốc để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu từ giày dép, quần áo đến các bộ phận của điện thoại cầm tay.

Nhiều nhà phân tích cho rằng nhà cầm quyền muốn duy trì cái nguồn cung cấp nguyên vật liệu này rồi một ngày kia sẽ mong Trung Quốc trở thành thị trường xuất cảng. Hiện có những lời bàn tính làm thế nào để thoát được sự phụ thuộc Trung Quốc hầu tránh những nguy hiểm bất ngờ ập đến nhưng có vẻ bài toán khó giải quyết.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư vào Việt Nam hàng thứ bảy trong năm nay với số đầu tư sản xuất tổng cộng $300 triệu riêng từ tháng 1đến tháng 5, 2014, theo công ty cố vấn đầu tư Dezan Shira & Associates. Năm ngoái, các công ty Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam tổng cộng $2.3 tỉ, gia tăng từ $345 triệu trong năm 2012. (TN)
09-11-2014 7:19:50 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment