Sản xuất linh kiện cho xe hai bánh gắn máy của Honda ở Việt Nam. (Hình: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Trong một cuộc trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, ông Trương Thanh Hoài, Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng của Bộ Công Thương CSVN, cho biết, tập đoàn Samsung của Nam Hàn hiện đang hoạt động tại Việt Nam đã từng gửi một danh sách, đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp 170 loại linh kiện vốn rất đơn giản như: bộ sạc pin cho điện thoại, cáp chuyển dữ liệu, vỏ điện thoại, tai nghe… nhưng các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn không đáp ứng được.
Ông Hoài nói thêm, khi đưa ra đề nghị cung cấp phụ kiện, Samsung từng ước tính, riêng bộ sạc pin cho điện thoại, mỗi năm, Samsung cần khoảng 400 triệu sản phẩm. Nếu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu, mỗi bộ sạc pin lời 50 cents, Việt Nam đã kiếm được 200 triệu Mỹ kim nhưng các doanh nghiệp Việt Nam bó tay vì công nghệ lạc hậu, giá thành sản phẩm cao.
Hai thập niên vừa qua, chế độ Hà Nội giao cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng trăm ngàn tỉ để vứt vào những dự án, kế hoạch vô bổ. Họ chỉ hứa hẹn, không hề hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, cho dù các chuyên gia kinh tế liên tục khuyến cáo, nếu không có công nghiệp phụ trợ, Việt Nam sẽ càng ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu, vật liệu, phụ tùng, sản xuất trong nước sẽ đình đốn, thất nghiệp gia tăng, kinh tế suy thoái.
Công nghiệp phụ trợ là cách gọi chung hệ thống nhà máy chuyên cung cấp nguyên liệu, vật liệu và phụ tùng để những nhà máy khác có thể sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh. Giới đầu tư nước ngoài đã rất nhiều lần than phiền về công nghiệp phụ trợ của Việt Nam quá èo uột.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp Việt Nam không đủ khả năng cung cấp nguyên liệu cho YKK – một công ty Nhật, chuyên sản xuất dây kéo (fermature/zipper). Cũng vì vậy, nhà máy của YKK tại Việt Nam phải nhập cảng 90% nguyên liệu để sản xuất dây kéo.
Tương tự, hầu hết doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam phải nhập cảng nguyên liệu, vật liệu, phụ tùng, nên giá thành của những sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam rất cao. Trong nhiều trường hợp, giá thành của các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam cao gấp đôi sản phẩm cùng loại được sản xuất ở những quốc gia khác. Cũng vì vậy, sức hấp dẫn do giá nhân công rẻ và tiền thuê đất thấp đã giảm đáng kể.
Năm ngoái, kết quả một cuộc khảo sát do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nhật (JETRO) thực hiện cho thấy, Việt Nam chỉ cung cấp gần 28% nguyên liệu và phụ tùng cho các công ty Nhật đang sản xuất tại Việt Nam. Trong khi Trung Quốc có thể cung cấp 61% nguyên liệu và phụ tùng cho các công ty Nhật đầu tư vào Trung Quốc. Thái Lan có thể cung cấp 53% nguyên liệu và phụ tùng cho các công ty Nhật đầu tư vào Thái Lan.
Nay, trước thực trạng doanh nghiệp tư nhân phá sản hàng loạt, số người thất nghiệp tăng đáng ngại, chế độ Hà Nội lại hứa sẽ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp phụ trợ hưởng những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhập cảng…
Chưa biết CSVN sẽ thực hiện lời hứa đó thế nào. Hồi đầu năm 2011, Thủ tướng CSVN từng ban hành một quyết định xác nhận sẽ hỗ trợ công nghiệp phụ trợ nhưng gần như tất cả doanh nghiệp có khả năng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam khẳng định họ chẳng hề nhận được sự hỗ trợ nào.
Năm nay, theo ước đoán của Bộ Công thương Việt Nam, do công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam gần như bằng 0, hệ thống doanh nghiệp điện - điện tử, dệt may và da giày của Việt Nam phải chi khoảng 53 tỉ Mỹ kim cho việc nhập nguyên liệu, vật liệu, phụ tùng từ Trung Quốc. (G.Đ)
08-29- 2014 5:06:44 PM
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment