“Con đường tơ lụa trên biển” là một trong những biện pháp để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” hay “Chấn hưng Trung Hoa” do người đứng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra.
Thời gian qua, Trung Quốc ráo riết thúc đẩy việc triển khai sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” thông qua việc triển khai đồng loạt các hoạt động đối ngoại vận động các nước ủng hộ cho sáng kiến “con đường tơ lụa nói chung” và “con đường tơ lụa trên biển” nói riêng.
Trung Quốc tận dụng mọi diễn đàn đa phương để nêu sáng kiến về “con đường tơ lụa” và tranh thủ các cuộc tiếp xúc song phương để vận động các nước ủng hộ sáng kiến này, thậm chí dùng các lợi ích kinh tế để lôi kéo các nước hưởng ứng sáng kiến này của Trung Quốc. Mới đây, Trung Quốc còn đệ trình lên UNESCO xem xét công nhận “con đường tơ lụa” là di sản thế giới.
“Con đường tơ lụa mới” được những người lãnh đạo ở Bắc Kinh đưa ra nằm trong việc triển khai chính sách đối ngoại chung của Trung Quốc ở thời kỳ mới khi Trung Quốc đang bước ra khỏi giai đoạn “giấu mình chờ thời”.
Trong cuốn “Chính sách đối ngoại của Trung Quốc: một kỷ nguyên mới”, Anne – Marie Brady nhận định: “Chúng ta có thể thấy chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang ở điểm ngưỡng giữa một mặt là quyết liệt và chủ động với mặt khác là mơ hồ và phi đối kháng. Khi chưa thay đổi được tình hình, Trung Quốc tận dụng tối đa trật tự hiện hành và theo đuổi lợi ích một cách kín đáo; nhưng khi có thể thay đổi luật chơi, Trung Quốc hành động rất mạnh mẽ”. Cách tiếp cận này đang được Trung Quốc áp dụng cho “con đường tơ lụa trên biển”.
Cho đến nay, sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” được Trung Quốc nêu ra ở tất cả các cấp, kể cả người lãnh đạo cao nhất Tập Cận Bình, song nội hàm của “con đường tơ lụa trên biển” không rõ ràng và rất mơ hồ; trong sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển”, Trung Quốc nhấn nhiều đến mặt hợp tác, “cùng thắng” nhằm thể hiện tính phi đối kháng của sáng kiến để đánh lừa các nước liên quan bởi ẩn chứa bên trong sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” là một âm mưu sâu xa về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, biển đảo.
“Con đường tơ lụa trên biển” là một trong những biện pháp để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” hay “Chấn hưng Trung Hoa” do người đứng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra. Tập muốn thông qua đây để tạo dấu ấn trong lịch sử Trung Quốc.
Trong bài viết đăng trên tạp chí “Thế giới Đương đại Trung Quốc” số 389, tháng 4/2014, Thái Bằng Hồng nhận định “Con đường tơ lụa trên biển vừa là một bộ phận cấu thành quan trọng của việc tôn vinh văn minh Trung Hoa và thực hiện Giấc mộng Trung Hoa, vừa phản ánh tương lai kinh tế to lớn của một đợt cải cách mới và khu vực ven biển Trung Quốc mở rộng sang các nước ven Biển Đông Nam Á, thậm chí Ấn Độ Dương”
Trung Quốc coi “Con đường tơ lụa trên biển” tồn tại trên 2.000 năm, là biểu trưng cho sự thịnh vượng của nền kinh tế và văn hóa Trung Quốc mà đỉnh cao là thời nhà Minh, khi GDP của Trung Quốc chiếm 1/3 GDP toàn thế giới và ảnh hưởng của Trung Quốc vươn tới tận Địa Trung Hải và Châu Phi. Theo cách nhìn của Trung Quốc, sự tồn tại của “con đường tơ lụa trên biển” được thể hiện qua chuyến tuần dương của Trịnh Hòa là biểu tượng của trật tự thế giới thời phong kiến mà Trung Quốc là một “quốc gia trung tâm của thế giới” được các nước trong khu vực và trên thế giới kính trọng, thần phục.
(Còn tiếp)
Theo PetroTimes
No comments:
Post a Comment