Sunday, August 17, 2014

Việt Nam đứng trước 3 kịch bản TQ 'diễn' trên biển Đông?

(Baodatviet) - Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ dã tâm nuốt trọn biển Đông, để hiện thực hóa tham vọng của mình, Bắc Kinh sẽ làm gì ?
Việt Nam và các nước Asean đã không còn đường lùi
Sau vài chục năm “giấu mình chờ thời”, hiện Bắc Kinh cho rằng mình đã lớn mạnh và bắt đầu “trỗi dậy bạo lực” bằng chiến lược “gặm nhấm biển Đông” - nơi có 5 quốc gia có tiềm lực không mạnh là Việt Nam, Philippin, Indonesia, Malaysia, Bruney, liên quan trực tiếp tới tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển này.
Hiện nay, cả 5 nước đông nam Á liên quan đến vùng biển này đều là những nước đang phát triển với tiềm lực kinh tế và quốc phòng hạn chế, thêm vào đó sự liên kết giữa các quốc gia trong nội khối còn khá lỏng lẻo, thậm chí có cả những tranh chấp về chủ quyền trên biển như Malaysia với Philippines, Malaysia với Indonessia.
Trung Quốc xác định, đây là thời điểm hợp lý nhất để “gặm nhấm biển Đông”, hoặc là bây giờ, hoặc là không bao giờ. Để thực hiện điều này, Trung Quốc đang áp dụng những hành động kiểu “bá quyền nước lớn”, cậy mạnh hiếp yếu, bất chấp luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử.
Trong khủng hoảng chính trị tại Ukraine, Bắc Kinh luôn theo dõi phản ứng của Washington và Liên minh châu Âu đối với tình hình tại Ukraine, đồng thời quan sát những hành động và biện pháp giải tỏa sức ép của Nga. Từ đó có thể rút kinh nghiệm và chuẩn bị dối phó với phản ứng dữ dội của quốc tế đối với tình hình biển Đông.
Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự trên biển
Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự trên biển
Khủng hoảng chính trị tại Kiev, đặc biệt là cú sáp nhập ngoạn mục Crime của Nga được xem như là “hướng dẫn cụ thể nhất” đối với Trung Quốc, Bắc Kinh cũng định “học hỏi” và nhân cơ hội này để áp dụng kinh nghiệm vào biển Đông, nhưng do sự khác biệt về địa chính trị, kinh tế khiến cho âm mưu của họ không thực hiện được.
Chúng ta không ảo tưởng Trung Quốc sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán nghiêm túc với Việt Nam, cũng như các nước có tranh chấp khác để giải quyết hòa bình và công bằng các tranh chấp lãnh thổ. Tham vọng độc chiếm biển Đông là vấn đề thuộc về bản chất và Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ.
Chúng ta cũng đừng nên hy vọng Trung Quốc đồng ý để các toà án quốc tế giải quyết tranh chấp Biển Đông. Do sự yếu kém của Trung Quốc trong chứng cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền, nên Bắc Kinh kiên quyết phản đối luật hoá hay quốc tế hóa vấn đề biển Đông, kiên trì với chủ trương “đàm phán song phương”, “gác tranh chấp, cùng khai thác”.
Hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rõ rằng Việt Nam có chứng cứ chủ quyền lâu dài hơn và chắc chắn hơn, hành động sử dụng vũ lực năm 1974 và 1988 để chiếm đóng các đảo nổi, đảo đá ở Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam cũng khiến họ cảm thấy đuối lý và sợ thua kiện phải đối diện với các toà án quốc tế.
Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Những hành động xâm lược của Trung Quốc xuất phát từ tư tưởng chủ đạo “Biên giới chiến lược và không gian sinh tồn” được Bắc Kinh đưa ra ngay đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Trung Quốc xác định đất nước mình “đất chật, người đông”, nhằm đảm bảo xây dựng một nước “Trung Quốc vĩ đại” thì phải đẩy “biên giới chiến lược” ra xa biên giới địa lý của mình, nhằm bảo đảm “không gian sinh tồn” cho dân tộc Trung Hoa.
Trung Quốc đã chọn Biển Đông làm nơi bành trướng, và mục tiêu trọng điểm trước tiên của họ tại đây là Việt Nam và Philippines vì cả 2 nước đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa, nếu giải quyết được 2 quốc gia chạy dọc suốt phía tây và phía đông biển Đông, không khó để Trung Quốc bắt nạt nốt Indonessia và Malaysia ở điểm cực nam của đường lưỡi bò.
Hiện nay, thẳng thắn mà nói là Việt Nam và các nước Asean đã không còn đường lùi. Trung Quốc đã hết thời kỳ “giấu mình chờ thời”, quyết tâm “trỗi dậy bằng vũ lực”, bộc lộ dã tâm nuốt trọn biển Đông, nên chắc chắn là Bắc Kinh chỉ có lấn tới chứ không bao giờ ngừng lại, chứ đừng nói là lùi bước.
Vấn đề quan trọng là Việt Nam và các nước Asean phải dự đoán được đường đi nước bước của Bắc Kinh nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò, “liếm trọn” 80% diện tích biển Đông. Có dự đoán đúng chúng ta mới có thể đưa ra đối sách đúng để ngăn chặn âm mưu độc chiếm các vùng biển tiếp giáp với lãnh thổ của Trung Quốc.
Vừa qua Trung Quốc đã xua hàng vạn tàu cá xuống “xâm chiếm” biển Đông
Vừa qua Trung Quốc đã xua hàng vạn tàu cá xuống “xâm chiếm” biển Đông
3 kịch bản Bắc Kinh sẽ áp dụng trên biển Đông
Kịch bản thứ nhất, Trung Quốc sử dụng vũ lực để đánh chiếm một phần hay toàn bộ quần đảo Trường Sa, nhằm “giải quyết vấn đề tranh chấp và xác lập chủ quyền ở những hòn đảo và vùng lãnh hải trước năm 2020” như các học giả Trung Quốc đã từng nhiều lần rêu rao.
Kịch bản này là lựa chọn cuối cùng và tồi tệ nhất của Trung Quốc bởi nếu làm như thế Bắc Kinh đã lộ rõ bộ mặt thật của một kẻ xâm lược. Khi đó, Trung Quốc sẽ bị cuốn vào 1 những xung đột quân sự trên biển với các nước Asean, bị cả thế giới tẩy chay, đồng thời đẩy họ vào thế đối đầu trực tiếp với Mỹ.
Tuy nhiên, điều này không phải không thể xảy ra khi trong quá khứ, Trung Quốc từng áp dụng các biện pháp quân sự với Đài Loan vào thập niên 1950, và sử dụng vũ lực để đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam năm 1974, 1988 và khơi mào cuộc chiến tranh xâm lược trên biên giới Việt-Trung năm 1979.
Kịch bản thứ 2 là Trung Quốc không đánh chiếm thêm các đảo và bãi đá ở Trường Sa nhưng tiếp tục chiến thuật kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp. Trung Quốc sẽ ra sức củng cố vị thế trên Biển Đông nhằm chiếm đóng vĩnh viễn các đảo hiện đang kiểm soát bất hợp pháp đồng thời sẽ ra sức ngăn cản đạt được bước tiến mới trong giải quyết tranh chấp.
Thực tế cho thấy, Bắc Kinh đã thành công trong hơn 20 năm qua khi các nước Asean không đạt được bước tiến nào với Trung Quốc trong xây dựng bộ “Quy tắc ứng xử trên biển Đông” (COC), đồng thời “Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông” (DOC) cũng không được thực thi đúng với tinh thần của nó.
Tàu Trung Quốc hút cát, cải tạo đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Tàu Trung Quốc hút cát, cải tạo đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Đây là kịch bản bất lợi cho Việt Nam, nếu chúng ta không sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trong thời gian tới như việc Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982) đầu năm 2013.
Thứ 3 là Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chiến thuật “gặm nhấm” trên Biển Đông. Họ tiếp tục tuyên bố và hành xử chủ quyền ở các khu vực đang chiếm đóng bất hợp pháp bằng vũ lực, biến khu vực không tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, đồng thời đưa ra con bài “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” mà thực chất là “cái gì của tôi là của tôi, cái gì là của anh thì chúng ta cùng nhau khai thác!”.
Kịch bản này bất lợi trên nhiều mặt cho chúng ta nếu Việt Nam không đưa ra được các biện pháp hiệu quả trong thời gian tới vì Trung Quốc sẽ biến các đảo của Việt Nam đang bị họ chiếm đóng bất hợp pháp thành lãnh thổ của họ, khu vực thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ biến thành khu vực có “tranh chấp” với Trung Quốc.
Kịch bản này sẽ giúp cho Trung Quốc xác lập “ranh giới thực tế” của “đường lưỡi bò” (còn gọi là đường 10 đoạn mới), độc chiếm hầu hết biển Đông. Bởi vì, nếu các nước Asean chấp thuận “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” có nghĩa là họ đã từ bỏ chủ quyền biển đảo mà mình tuyên bố trước đó.
Trên thực tế, hiện Trung Quốc đã tiến hành cả 3 kịch bản này. Kịch bản thứ nhất đã từng được sử dụng trong quá khứ, kịch bản thứ 2 và thứ 3 hiện đang song song triển khai. Có thể khẳng định là Trung Quốc sẽ không tái áp dụng kịch bản thứ nhất vào thời điểm hiện nay, nó chỉ được xem xét khi nào 2 kịch bản sau không đạt mục đích.
Trung Quốc đã sử dụng tàu công vụ để đâm húc tàu chấp pháp Việt Nam
Trung Quốc đã sử dụng tàu công vụ để đâm húc tàu chấp pháp Việt Nam
Có thể khẳng định là Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền ngang ngược và phi lý của mình. Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong EEZ của Việt Nam và đang nỗ lực thay đổi hiện trạng quần đảo Trường Sa cho thấy Việt Nam không thể chần chừ, trì hoãn trong giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.
Việc cần thiết nhất Việt Nam phải làm là củng cố bằng chứng lịch sử trong và ngoài nước để xây dựng và củng cố hồ sơ chứng cứ chủ quyền của Việt Nam và gấp rút đưa Bắc Kinh ra trước tòa án quốc tế. Mặc dù biết chắc là Trung Quốc sẽ không ra hầu tòa và tòa án cũng không có biện pháp nào bắt họ phải trả lại Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam, nhưng nhất định là chúng ta phải kiện.
Bởi vì điều này đã thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế chứ không phải bằng “luật rừng” như Trung Quốc. Đồng thời, việc “trốn tòa” cũng sẽ cho cộng đồng quốc tế thấy rõ sự sai trái của Bắc Kinh vì chỉ có những “kẻ có tội” mới trốn tránh pháp luật.
Ngoài ra, Việt Nam cần phải huy động toàn bộ nguồn lực trong nước và mở rộng hợp tác đa phương để đón nhận sự giúp đỡ của các nước trên thế giới nhằm ngăn chặn bàn tay xâm lược trên biển của Bắc Kinh. Chỉ cần các nước Asean đoàn kết lại và tập hợp được sức mạnh của cộng đồng quốc tế thì Bắc Kinh sẽ không thể đạt được mục đích độc chiếm biển Đông.
  • Thiên Nam

No comments:

Post a Comment