Sunday, August 17, 2014

Trí thức thời đốn mạt

Từ ngàn xưa kẻ sĩ trong xã hội vẫn được xem trọng. Theo Nguyễn Công Trứ, thì “Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt - Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên - Có giang sơn thì sĩ đã có tên...,” nói rằng trong năm tước quan (công, hầu, bá, tử, nam), kẻ sĩ đều có mặt và trong bốn giai cấp xã hội (sĩ, nông, công, thương), kẻ sĩ đứng đầu. Kẻ sĩ luôn được đánh giá cao, có văn hóa và có nhân cách, thường đạt tới một thành tựu về nhiều mặt - kiến thức, địa vị, tiền tài, quyền lực, thuộc đẳng cấp cao trong xã hội. 

Người ta cũng dùng danh từ “sĩ phu” để gọi những người thuộc tầng lớp trí thức, như “sĩ phu Bắc Hà” để nói về những người được coi là có tri thức sống tại đàng ngoài (từ sông Gianh, Quảng Bình trở ra Bắc) trong thế kỷ 18-19.

Trong xã hội Việt Nam ngày xưa khi ngành giáo dục chưa được phát triển, trong làng xã, một người đậu được bằng Sơ Học Yếu Lược (tốt nghiệp lớp ba) đã tổ chức ăn khao lớn. Cao hơn nữa là bằng Tiểu Học (tốt nghiệp lớp năm - Primaire) lên đến bằng Thành Chung (tốt nghiệp Ðệ Tứ Trung Học - Diplome) đã được bổ nhiệm làm ông Thông ông Phán “sáng rượu sâm banh, tối sữa bò.” Chữ nghĩa (có học) vẫn được coi trọng hơn người giàu có. Các dân tộc thiểu số nghèo đói, vất vả cũng lo miếng ăn nuôi con đi “kiếm con chữ,” làng không có cầu đi, phải mạo hiểm lội suối qua bờ “kiếm con chữ!”

Danh từ “nhân sĩ” cũng thường dùng để nói đến những người có học (và đạo đức) trong xã hội, chỉ duy sách vở cộng sản lại định nghĩa là những người “trí thức tham gia cách mạng, mà không phải là đảng viên cộng sản!”

Trong chế độ nào kẻ sĩ cũng được coi là khuôn mặt sáng giá tiêu biểu cho trình độ văn hóa và đạo đức. Ðến lúc kẻ sĩ đánh mất đạo đức, chối bỏ danh dự và vai trò cao cả của mình, thì xã hội đó tất phải băng hoại, tha hóa.

Buồn cười cho kẻ sĩ Việt Nam, trong khi Bộ Ngoại Giao Việt Nam “hoan nghênh Nghị Quyết 412 của Thượng Viện Hoa Kỳ, kẻ thù cũ, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981, nhưng bản thân mình, 500 đại biểu quốc hội “đảng cử dân bầu,” trong đó có toàn bộ Bộ Chính Trị thì ngậm hột thị, và tuyên bố “đang tìm thời điểm thích hợp để kiện Trung Quốc ra Tòa Án Quốc Tế!”

Một kẻ vô học, thất phu làm điều càn rỡ, vô đạo còn có thể chấp nhận, tha thứ, nhưng những người có học mà hành động như đứa thất phu hẳn không thể tha thứ. Một chế độ đầy dẫy những kẻ trí thức hành động như đám hạ cấp, côn đồ, hẳn là một chế độ bất nhân.

Ở Hà Nội người ta kể chuyện những sinh viên đủ các ngành, ham ăn chơi đua đòi chấp nhận bán thân: “Nó là sinh viên kinh tế, nó làm kinh tế từ hồi sinh viên, nghĩa là mại dâm!”

Trong xã hội có ngành nghề nào được tôn trọng như nghề làm thầy, được nhân gian coi trọng còn hơn cha (quân-sư-phụ). Thầy được coi như kẻ sĩ, là người có học, có đạo đức có nhiệm vụ cao quý là đào tạo con em, nhưng xã hội suy đồi sản sinh ra loại thầy như Sầm Ðức Xương, hiệu trưởng trường phổ thông Việt Lâm, Hà Giang, không những dùng thế lực “con chữ” tống tình nữ sinh nhiều lần, còn mang thân làm “ma cô” đưa mối dẫn đường cung cấp nữ sinh lên cho cấp chỉ huy cao hơn của mình như Nguyễn Trường Tô, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, và bạn bè, kể cả những tay có máu mặt trong tỉnh như các giới chức ngành ngân hàng. Tởm lợm hơn là ông thầy hiệu trưởng này lại dùng văn phòng của nhà trường để làm nơi hành lạc. Kẻ sĩ thời nay như “ba tòa quan lớn” Hà Giang lại kết án các nữ sinh là người dẫn mối, Sầm Ðức Xương chỉ bị tù treo và ông đảng lớn như Nguyễn Trường Tô thì vô can.

Kẻ sĩ như thầy giáo Ðặng Văn Hoàng, trường THPT Thới Long, quận Ô Môn, Cần Thơ, gạ gẫm nữ sinh đổi tình lấy điểm, đưa nữ sinh vào nhà vệ sinh của giáo viên rồi sờ soạng và thực hiện hành vi cưỡng dâm. Cô giáo thể dục như Khổng Như Mai, trường Marie Curie, có thói quen phạt nam sinh bằng cách bóp...chim.
Ðại diện cho mặt mũi Việt Nam ở ngoại quốc như Bí Thư Thứ Nhất Tòa Ðại Sứ Nam Phi Vũ Mộc Anh thì buôn lậu ngà voi.

Tương lai của kẻ sĩ đất nước là một sinh viên Ðại Học Ngoại Thương, xuất thân từ một gia đình tử tế như Nguyễn Ðức Nghĩa tàn bạo giết bạn gái cũ, chặt đầu và 10 ngón tay của nạn nhân cho vào túi nilon vứt xuống sông, phần còn lại bỏ vào thùng rác chung cư.

Trong xã hội có nghề nào được coi là danh giá, tôn trọng như nghề bác sĩ, nhưng ông bác sĩ XHCN như Nguyễn Mạnh Tường (không biết bác sĩ tốt nghiệp trong xã hội này có đọc lời thề Hippocrates trước khi ra trường hay không) đã lỡ tay làm chết bệnh nhân của mình rồi mang xác vứt xuống sông Hồng để phi tang.

Báo Mặt Trận Tổ Quốc khoe “đội ngũ trí thức Việt Nam” “hiện nay khá hùng hậu, với khoảng 1.5 triệu người, bao gồm những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, hàng ngàn giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, hàng chục ngàn thạc sĩ, hoạt động trên tất cả các ngành nghề, trong đó đông đảo nhất là khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa. Hiện nay, 70% - 80% công chức trong bộ máy các cơ quan trung ương đã có trình độ đại học, tỉ lệ này ở tuyến quận, huyện là 50%.”

Nhưng liệu với đội ngũ trí thức chuyên xài bằng giả, bằng mua từ trung ương đến cấp huyện, xã, và với kiểu “đạo đức” xã hội chủ nghĩa, vô đạo, sa đọa như các thầy cô giáo, bác sĩ, trí thức hiện nay, tương lai đất nước sẽ đi về đâu và lấy gì cho con cháu noi gương? Không thể lấy một vài cá nhân để nói đến một tập thể nhưng thế gian cũng đã có thành ngữ “trông cây thấy rừng!”

Nói như Tiến Sĩ Trịnh Hòa Bình, “Cái ác vẫn tồn tại trong lòng xã hội. Nếu cả xã hội không đồng tâm, kết lại đứng bên nhau thì cái ác có thể nảy sinh ở bất cứ nơi đâu, ở bất cứ vị trí nào, không kể người thất học hay tri thức!”

Vậy thì trong xã hội này, còn gì để phân biệt kẻ trí thức với đứa thất phu.
08-17- 2014 2:37:53 PM
Tạp ghi Huy Phương
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment