Ông Long khi còn đi dạy thêm Anh ngữ tại một trung tâm Anh ngữ ở TP Cần Thơ
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cho biết việc cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học, công tác nước ngoài rồi tìm cách bỏ trốn, ở lại không phải hiếm
Chiều 13-8, thông tin từ Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ cho biết ông Trần Ngọc Phi Long (31 tuổi, ngụ phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế của sở, được cử đi công tác tại Mỹ đã trốn ở lại quốc gia này. Đây không phải lần đầu tiên có chuyện cán bộ, công chức đi nước ngoài rồi trốn ở lại.
Đi học, đi du lịch để trốn
Theo Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, đầu tháng 7-2014, ông Long được cử đi Mỹ tham gia khóa đào tạo ngắn hạn nằm trong chương trình hợp tác của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong vòng 13 ngày. Tuy nhiên, khi đến ngày về nước, ông Long không về cùng đoàn mà ở lại Mỹ (ông có người nhà định cư tại Mỹ). Sau đó, ông Long viết đơn xin nghỉ việc, gửi qua đường bưu điện về Sở Ngoại vụ nêu lý do: “Vì gia đình và sức khỏe”. Trong khi đó người nhà ông Long cho biết ông có gọi điện về và bảo sẽ ở lại Mỹ để học tiến sĩ vì nhà nghèo nên xin visa đi học tiến sĩ rất khó!
Vào năm 2007, do là cán bộ nguồn nên ông Long được cử đi học thạc sĩ chuyên ngành quản lý quan hệ quốc tế tại Vương quốc Anh theo đề án đào tạo 150 thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài của TP Cần Thơ. Số tiền ngân sách TP Cần Thơ tài trợ cho ông Long đi học khoảng 300 triệu đồng. Sau khi về nước, đến tháng 8-2009, ông Long được bố trí làm việc tại Sở Ngoại vụ và giữ chức phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế. Do giỏi ngoại ngữ nên ông Long thường tham gia phiên dịch cho lãnh đạo TP Cần Thơ mỗi khi đi công tác nước ngoài hoặc khi có các đoàn nước ngoài đến làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ. Ngoài ra, ông Long còn tham gia dạy Anh ngữ bên ngoài.
Tại tỉnh Bình Thuận, đầu tháng 5-2014, dư luận cũng xôn xao chuyện ông Nguyễn Tất Thạch, cán bộ Trung tâm Công nghệ Thông tin (CNTT) thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, đi du lịch nước ngoài rồi bỏ trốn. Cụ thể, nhân dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, ông Thạch đăng ký đi Hàn Quốc theo một tour du lịch nhưng không xin phép cơ quan. Ngay sau đó, Trung tâm CNTT đã nhận thông tin từ Lãnh sự quán Hàn Quốc thông báo việc ông Thạch xin cấp visa nhưng không có xác nhận của đơn vị. Lãnh đạo trung tâm đã mời ông Thạch lên làm việc và yêu cầu hủy hồ sơ xin cấp visa đi du lịch Hàn Quốc. Ông Thạch cam kết chấp hành. Tuy nhiên, sáng 28-4, lấy lý do bận công việc nhà, không tới cơ quan làm việc được, ông Thạch đã vào TP HCM để bay sang Hàn Quốc theo tour du lịch. Đến ngày 1-5, khi đoàn khách đang mua sắm đồ lưu niệm tại một chợ ở Hàn Quốc trước khi lên máy bay về nước thì ông đã lẩn vào đám đông rồi “mất tích”.
Trước đó, 2 cán bộ của Bộ Công Thương cũng bỏ trốn, ở lại Mỹ. Cụ thể là bà N.H.G, nguyên tùy viên thương mại tại Mỹ. Bà G. đã không hoàn thành thủ tục kết thúc nhiệm kỳ công tác theo quy định, tự ý nghỉ việc, ở lại nước ngoài. Trường hợp thứ hai là ông B.N.L, chuyên viên Vụ Chính sách thương mại đa biên. Ông này lợi dụng việc đi học ở nước ngoài đã tự ý nghỉ việc, ở lại nước ngoài. Sau đó cả hai đã bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.
Đều có chuẩn bị trước
Ngày 13-8, Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ đã ban hành quyết định cho thôi việc đối với ông Long. Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ, cho biết do ông Long không phải là đảng viên, không nắm giữ các tài liệu quan trọng của cơ quan nên Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ xử lý như thế là đúng quy định pháp luật.
Đối với trường hợp ông Nguyễn Tất Thạch, theo tìm hiểu của chúng tôi, do có người thân đang làm lao động tại Hàn Quốc nên sau khi “biến mất”, ông Thạch ở lại Hàn Quốc xin làm lao động. Được biết, ông Nguyễn Tất Thạch được Trung tâm CNTT tuyển dụng năm 2008. Hoàn cảnh của gia đình khó khăn. Ông Hồ Lâm, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, sở cũng đã có báo cáo UBND tỉnh và UBND tỉnh cũng có chỉ đạo tiến hành xử lý kỷ luật từng bước theo quy định của Sở Nội Vụ. Ông Thạch không phải là đảng viên, mới chỉ là nhân viên hợp đồng nên đơn vị đã cách chức”.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cho biết việc cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học, công tác nước ngoài rồi tìm cách bỏ trốn không phải hiếm mà đã xảy ra rải rác suốt một thời gian dài. “Những trường hợp này đều có sự chuẩn bị từ trước, tranh thủ được cử đi học để tìm mọi cách ở lại mà thôi” – ông Hương nói.
Theo ông Hương, chuyện cán bộ được cử đi học rồi ở lại nước ngoài còn phản ánh một thực tế đáng buồn xung quanh chuyện sử dụng người tài đã được nói tới rất nhiều trong thời gian qua nhưng chưa có chuyển biến nhiều. “Nguồn chất xám đang bị chảy ra nước ngoài. Ngay cả trong nước, người giỏi cũng không chịu làm việc cho các cơ quan nhà nước để hưởng lương mỗi tháng có mấy triệu đồng. Rõ ràng chủ trương thu hút, đãi ngộ và giữ chân người tài làm việc tại các cơ quan nhà nước đang có vấn đề và cần phải thay đổi” – ông Hương nhận định.
Khó xử lý
Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ), cho biết các quy định hiện hành rất khó xử lý đối với những trường hợp cán bộ bỏ trốn, ở lại nước ngoài. “Nếu họ được cử đi học rồi bỏ trốn, ở lại và có đơn xin nghỉ việc thì cơ quan quản lý cán bộ chỉ còn cách giải quyết cho thôi việc. Nếu họ không có đơn xin nghỉ việc thì phải kỷ luật buộc thôi việc vì tự ý bỏ việc. Tuy nhiên, phải rà soát xem cán bộ đó được cử đi học theo chương trình nào, nguồn kinh phí ở đâu; nếu là Chính phủ và các nước tài trợ thì phải yêu cầu bồi thường kinh phí đào tạo theo luật cán bộ công chức, viên chức” – ông Cương nói.
THEO NGƯỜI LAO ĐỘNG
No comments:
Post a Comment