(Baodativet) - Chiều 17/8, tại Hồng Kông (Trung Quốc), một cuộc biểu tình lớn đã nổ ra với sự tham gia của hơn 120.000 người.
Cuộc biểu tình ngày 17/8 nhằm phản đối bạo lực và hành động "chiếm lĩnh Central", khu vực vốn được coi là phố Wall của Hồng Kông.
Cuộc biểu tình nêu trên có chủ đề Đại tuần hành tổng tuyển cử hòa bình do Đại Liên minh Bảo vệ tổng tuyển cử, phản đối chiếm lĩnh Central phát động, chủ yếu là nhằm phản đối phong trào Chiếm lĩnh Central do phe đối lập phát động, ủng hộ chủ trương thúc đẩy tổng tuyển cử bầu Trưởng Đặc khu vào năm 2017 theo quy định của Luật Cơ bản.
Theo người phát ngôn của Đại Liên minh Bảo vệ tổng tuyển cử, phản đối chiếm lĩnh Central, ông Chu Dung, số người tham gia biểu tình vượt xa con số dự kiến ban đầu (120.000 người). Trong khi đó, có nguồn tin nói rằng có trên 160.000 người đã tham gia vào cuộc biểu tình này.
Đây được cho là cuộc biểu tình lớn có quy mô lớn nhất trong gần 30 năm qua do phe thân chính quyền ở Hồng Kông tổ chức nhằm vào phe đối lập.
Hàng chục nghìn người Hồng Kông đã xuống đường biểu tình ở khu vực từ công viên Victoria cho tới quận kinh doanh trung tâm của đặc khu hôm 1/7. Ảnh: AP |
Trên quãng đường tuần hành dài khoảng 4km, đi qua các quận Wanchai và Admiralty, những người biểu tình giương cao các biểu ngữ phản đối chiếm lĩnh Central, hô vang khẩu hiểu cho rằng chiếm lĩnh Central là hành vi phi pháp, gây tổn hại tới hòa bình và khiến cho việc tổng tuyển cử khó đạt được.
Hồng Kông được Anh trao trả về Trung Quốc vào năm 1997 theo thỏa thuận “một quốc gia, hai chế độ”, cho phép đặc khu Hồng Kông được hưởng quyền tự trị cao.
Tuy nhiên, trong thời gian qua các nhà hoạt động Hồng Kông đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình để phản đối sự can thiệp quá sâu của Bắc Kinh đối với đặc khu này.
Còn nhớ, hôm 11/6, khoảng 40 người biểu tình tập trung bên ngoài văn phòng đại diện Bắc Kinh ở khu Tây Hồng Kông, đốt mô hình Sách Trắng và xổ ra các cuộn giấy vệ sinh in Luật cơ bản của Hồng Kông.
Tiếp đó, đến ngày 22/6, gần 650.000 người Hồng Kông đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức đòi được tự do lựa chọn người đứng đầu đặc khu. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố cuộc trưng cầu này là bất hợp pháp. Bắc Kinh đã cam kết cho phép người dân Hồng Kông bầu chọn lãnh đạo vào năm 2017.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cho biết các ứng cử viên tranh cử vào năm 2017 phải được một ủy ban thân cận chính quyền trung ương thông qua.
Đỉnh điểm, ngày 1/7, gần 100.000 người Hồng Kông đổ xuống đường biểu tình đòi hỏi Bắc Kinh phải tôn trọng quyền tự trị của đặc khu này.
Phản ứng lại, chính quyền Trung Quốc đã có nhiều cảnh báo mạnh mẽ. Tháng 6/2014, nước này công bố Sách Trắng nhằm nhắc nhở người Hồng Kông về vị thế của đặc khu hành chính này như một phần của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh cũng cảnh báo mọi sự tự do của đặc khu hành chính này đều có giới hạn và phải tuân thủ đúng pháp luật.
Đến ngày 1/7, ngay sau cuộc biểu tình ôn hòa, Trung Quốc đã bắt hơn 500 người.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dường như Trung Quốc nhận ra khó có thể "đè bẹp" được ý kiến của người dân đặc khu Hồng Kông bằng biện pháp cứng rắn. Bởi vậy, cuộc biểu tình ngày 17/8 của phe thân chính quyền có thể coi là một sách lược khác của Trung Quốc nhằm đối phó với các cuộc xuống đường đòi dân chủ của người Hồng Kông. Đồng thời, qua đây cũng có thể thấy nỗi lo lắng của Trung Quốc về ảnh hưởng của chính phủ tại Hồng Kông ngày càng gia tăng.
Minh Thái
No comments:
Post a Comment