Qua giới thiệu của một nguồn tin, PV Dòng Đời đã tìm gặp Phó Giáo sư (PGS) Đàm Khải Hoàn, Trưởng bộ môn Y học Cộng đồng, Đại học Y - dược Thái Nguyên để nhờ vị Phó GS này tìm cách “tậu” cho tấm bằng Tiến sỹ Y khoa danh giá.
Đại học Y - Dược Thái Nguyên.
Trong vai một người có nhu cầu làm nghiên cứu sinh, phóng viên Dòng đời đã tiếp cận với vị giáo sư này cũng như công nghệ lấy bằng tiến sĩ mà “thầy” đã vẽ ra.
Trước khi tiếp PV tại nhà riêng, PV đã điện thoại trước cho Phó GS Hoàn, tự giới thiệu có mong muốn được vị Phó GS này hướng dẫn Nghiên cứu sinh. Khi đó, vị Phó GS đang bận một cuộc nhậu. Tuy nhiên, chỉ sau đó khoảng 30 phút, vị Phó GS này rời cuộc vui để gặp PV tại nhà riêng của mình.
Ông Đàm Khải Hoàn chụp ảnh cùng sinh viên.
Đi mua... bằng Tiến sỹ Y khoa
Tọa lạc trên một khu đất rộng, ngôi nhà của vị Phó GS này là một nhà sàn “chất”, mà theo ông khoe, là: “Mấy năm trước, tôi mới mua được của một gia đình dân tộc trên huyện Võ Nhai. Hồi đó, giá của nhà sàn rẻ lắm! Cả làm “luật” cho kiểm lâm và vận chuyển nữa hết có gần 20 triệu!”.
Trước những cảnh quan và vật dụng liên quan chủ yếu tới lâm sản, PV nhanh chóng nghĩ ra một “vai diễn” phù hợp với bối cảnh khi tự nhận mình là một “trùm” buôn gỗ. Sau khi “đi” vài đường cơ bản về gỗ, PV nhanh chóng đặt vấn đề:
“Nhà em vốn có truyền thống theo nghề Y nên khi học xong cấp 3, em đã thi vào ĐH Y Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi vào học ngành này, em lại không có hứng thú nên học hành rất chểnh mảng, gần như không biết gì. Đi học thì thuê, đi thi thì “chạy”.
Khi học xong bằng cử nhân, gia đình lại ép em học luôn thạc sỹ. Lúc này, em đã tham gia vào công việc kinh doanh gỗ nên đi lại triền miên. Vì thế, bằng Cao học của em cũng là đi mua nốt. Bây giờ, việc kinh doanh gỗ của em chủ yếu chuyển trọng điểm về Thái Nguyên, công việc cũng đang phát đạt nên bố mẹ em nhất quyết bắt em phải học nốt cái bằng Tiến sỹ để sau này có cái bằng mà mở phòng khám.
Công việc trên Thái Nguyên thì em không thể bỏ được nên em rất mừng khi được anh em giới thiệu qua gặp thầy để thầy hướng dẫn Nghiên cứu sinh. Nhưng thực tình, kiến thức thì em không biết gì...”.
- “Thế em đã có bài báo hay công trình khoa học nào chưa?” vị Phó GS Đàm Khải Hoàn ngắt lời, hỏi.
- “Dạ, chưa ạ!”.
- “Thế em đã đi làm chuyên môn ở đâu chưa?”.
- “Dạ, chưa ạ!”, PV lí nhí.
- “Vậy được rồi! Việc lấy bằng Tiến sỹ của cậu, tôi sẽ giúp được. Cậu cứ yên tâm! Tôi nhận lời với cậu”, vị Phó GS chốt lại.
“Việc anh Hoàn trao đổi chuyện làm bằng tiến sỹ kiểu đó là sặc mùi mua bán. Không thể chấp nhận được! Chúng tôi sẽ không bao che cho những hành động tiêu cực này!” - ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên.
|
Kỹ nghệ “lấy” bằng
Sau khi câu chuyện đã cởi mở, ông Hoàn nói thêm: “Trước tiên, tôi sẽ viết cho cậu vài bài báo khoa học để đăng trên tạp chí Y học Thực hành. Mấy bài báo này sẽ ký tên cậu. Cậu chỉ việc tới tòa soạn, đưa cho họ mấy đồng rồi nhờ họ đăng bài, tôi sẽ có lời cho cậu.
Việc tiếp theo, cậu phải nhờ các mối quan hệ của gia đình mình để có tên trong một cơ quan hoặc tổ chức phi chính phủ nào đó để khi hội đồng xét duyệt hồ sơ, họ tin rằng cậu đã làm ở cơ quan, tổ chức đó chứ không phải là anh buôn gỗ” - ông Hoàn bắt đầu tiết lộ bí quyết nghề nghiệp của mình.
“Việc cậu đi làm, cậu cứ đi. Tôi sẽ làm đề cương đề tài cho cậu (đây là phần quan trọng nhất mà thí sinh phải trình bày trước Hội đồng các Giáo sư, Phó GS để được chấp nhận đậu đầu vào Nghiên cứu sinh - PV). Tôi sẽ trao đổi với cậu qua email” - ông Hoàn nói thêm.
Trước sự hướng dẫn nhiệt tình của vị Phó GS, tôi tiếp tục thể hiện “quan điểm: “Nhưng thực tình em không biết gì hết. Lỡ khi vào bảo vệ đề cương đề tài các thầy trong hội đồng hỏi thì em không biết trả lời sao? Thầy có lo cho em được cả hội đồng không ạ?”.
Lúc này, vị Phó GS trấn an ngay: “Yên tâm, cái đó lo được! Không biết rửa bát thì phải bế em thôi. Tôi đã hướng dẫn nhiều người rồi! Cần gặp ai thì tôi sẽ bảo cậu đến gặp. Mấy người đó toàn... đàn em của tôi thôi mà!” (Ý nói mấy vị trong hội đồng xét tuyển Nghiên cứu sinh - PV).
Trước sự chắc chắn của vị Phó GS này, tôi chốt lại: “Vâng, trăm sự em nhờ thầy! Vậy thầy cho em biết là em sẽ phải chuẩn bị bao nhiêu tiền để lo việc này hả thầy?”.
“Thôi, cậu cứ về đi. Mới gặp lần đầu, tôi chưa muốn nói chuyện này. Để hôm khác. Cậu cứ yên tâm là tôi giúp được cậu. À mà cậu tên là gì nhỉ?”, lúc này, vị Phó GS Đặng Khải Hoàn mới kịp nhớ ra là mình chưa hỏi tên “khách hàng”.
Tuy nhiên, trong câu chuyện về ngôi nhà sàn của mình, ông Hoàn có “gợi ý” rằng ngôi nhà sàn của ông vẫn còn những gỗ tạp và kêu than chuyện lúc này, lực lượng kiểm lâm làm gắt quá. Dù có nhiều mối quan hệ với cả lực lượng kiểm lâm và lâm tặc, ông Hoàn vẫn không thể vận chuyển được số gỗ nghiến về để hoàn thiện nốt ngôi nhà sàn của mình. Trước ý tứ trên, PV buộc phải gợi ý là mình có thể làm được việc này.
Sau đó, PV có nhận được email từ vị Phó GS này với đoạn có nội dung sau: “Thầy định thay toàn bộ sàn bằng nghiến. Có lẽ vẫn phải dầy 5cm, vì nó mới im, mỏng sẽ rung. Diện tích toàn bộ sàn là 100m2. Các tấm gỗ dài ngắn tùy theo đều được cả vì phải ghép mà. Em lo hộ thầy”.
Trước tình hình trên, tôi buộc phải đồng ý sẽ lo giúp thầy Hoàn 100m2 gỗ nghiến loại dày 5cm.
Tại lần gặp thứ hai, PV đã một lần nữa hỏi về số tiền phải đưa cho Phó GS Đàm Khải Hoàn để lo chuyện đầu vào. Lần này, ông Hoàn đã đồng ý với mức giá 200 triệu đồng và cho tôi số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền vào.
Những nội dung của cuộc ngã giá chỉ được PV tiến hành sau khi gặp gỡ với nhiều người đã, đang được vị Phó GS này hướng dẫn Nghiên cứu sinh. Các nhân vật này đều khẳng định: Nếu muốn mua bằng Tiến sỹ Y khoa bằng tiền tại Đại học Y Thái Nguyên, PV nên tìm đến Phó GS Đàm Khải Hoàn là đúng địa chỉ nhất.
|
Sặc mùi mua bán
Khi những tư liệu trên đầy đủ, PV quyết định ra mặt để đối chất với vị Phó GS. Ngay sau khi PV công bố các tư liệu đã thu thập, Phó GS Đàm Khải Hoàn im lặng một hồi rồi bỏ về. Sau đó, ông Hoàn có gửi lại một email cho chúng tôi.
Email này có đoạn: “Anh giới thiệu là người buôn gỗ nhưng đã học Cao học Y tế công cộng. Tuy nhiên mải làm ăn cho nên học không đến nơi đến chốn. Nhưng với điều kiện đó tôi nghĩ sẽ dạy cho anh được. Anh nói anh làm ra rất nhiều tiền, sẵn sàng cho tôi cái này, cái nọ. Nhưng đấy là anh đặt vấn đề và xuất phát từ anh chứ tôi có đòi hỏi gì đâu? Tôi nghĩ xã hội này có nhiều người có nhiều tiền thì khi học, họ có thể biếu tôi món quà to...”.
PV cũng đã liên hệ với lãnh đạo Đại học Y Dược Thái Nguyên để làm việc. Trước những thông tin nghiêm trọng mà phóng viên đưa ra, Ban Giám hiệu Đại học Y dược Thái Nguyên đã triệu tập một cuộc họp với đầy đủ lãnh đạo nhà trường, phóng viên và Phó GS Đàm Khải Hoàn với mục đích để các bên xem các tư liệu, đối chất và đưa ra các quan điểm về vụ việc.
Tại đây, ông Hoàn nhận mình có khả năng giúp các nghiên cứu sinh có bằng Tiến sỹ Y khoa mà không cần phải học, ông Hoàn vẫn giữ quan điểm rằng viêc ông nói như vậy đơn thuần nghĩ rằng việc hướng dẫn một nghiên cứu sinh có điều kiện về kinh tế thì việc nhận được những món quà có giá trị vật chất lớn là điều bình thường.
Trong khi đó, đại diện cho lãnh đạo nhà trường, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng việc ông Hoàn nói như vậy bước đầu có thể kết luận là không đúng với đạo đức của người thầy giáo.
Tuy nhiên, bình luận về những tư liệu mà phóng viên đưa ra, ngày 4/8/2014, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên (Đại học Y Dược Thái Nguyên là một trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên) nhìn nhận thẳng thắn: “Việc anh Hoàn trao đổi chuyện làm bằng tiến sỹ kiểu đó là sặc mùi mua bán. Không thể chấp nhận được! Chúng tôi sẽ không bao che cho những hành động tiêu cực này!” .
Nhóm PV Điều tra
Theo Dân Việt
TRUYỀN ĐƠN TỐ CÁO.
ReplyDeleteTỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM NGUYỄN PHÚ TRỌNG NHẬN HỐI LỘ 100 LƯỢNG VÀNG ĐỂ DUNG TÚNG BAO CHE CHO NHỮNG TỘI ÁC CƯỚP CỦA - GIẾT NGƯỜI.
Nay đã có 3394 số lần xem trang.