Tuesday, July 22, 2014

Tên lửa Buk đã bắn rơi máy bay chiến đấu Nga như thế nào?


Soha.vn) - Những chiến công đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không Buk trớ trêu thay lại chính là thành tích bắn rơi máy bay chiến đấu Nga.

Buk (cây sồi) là một dòng hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung tự hành tiên tiến được phát triển bởi Liên Xô và Nga. Hệ thống Buk bắt đầu được chế tạo vào đầu những năm 1970, từ biến thể đầu tiên 9K37 Buk (SA-11 Gadfly) đến 9K37M1-2 Buk-M1-2(SA-17 Grizzly) là kết quả của rất nhiều lần cải tiến, nâng cấp.
Hệ thống phòng không Buk-M1-2 (SA-17 Grizzly)
Tiền thân của 9K37 Buk là tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn2K12 Kub (SA-6 Gainful). Được thiết kế với vai trò hệ thống phòng không chiến thuật chiến trường, chuyên đi theo bảo vệ đội hình tiến quân của các sư đoàn cơ giới nên radar LONG TRACK, xe tiếp đạn và xe bệ phóng của SA-6 đều đặt trên khung xe kéo pháo bánh xích hạng nặng AT-T (đã được cải tiến) có tính việt dã rất cao.
Hệ thống phòng không Kub (SA-6 Gainful)
2K12 Kub đã gây bất ngờ cho Israel trong Chiến tranh Yom Kippurnăm 1973. Tổ hợp này với sức cơ động cao đã gây thiệt hại lớn cho loại máy bay A-4 Skyhawk bay chậm và thậm chí cả F-4 Phantom, SA-6 tạo thành một chiếc ô bảo vệ tin cậy cho cứ điểm. Các phi công Israel đã gọi 2K12 Kub là "Three Fingers of Death" (Ba ngón tay của thần chết).
Sau cuộc chiến Yom Kippur, vào ngày 19/1/1991 trong chiến dịch Bão táp sa mạc, một chiếc F-16 của Không quân Mỹ (số đuôi 87-228) đã bị bắn hạ bởi SA-6 của Iraq. Trong cuộc chiến tranh Bosnia năm 1995, Lực lượng quân đội Republika Srpska đã sử dụng các hệ thống SA-6 nâng cấp để bắn hạ thành công chiếc F-16 của phi công Scott O'Grady và tiêu diệt ít nhất 1 chiếc MiG-21, 2 - 3 chiếc An-2 của Không quân Croatia sử dụng để ném bom. Lần lập công gần đây nhất của SA-6 vào ngày 28/5/1995 khi bắn rơi 1 trực thăng Mi-17 chở các quan chức chính phủ Bosnia gây ra rất nhiều thiệt hại về người.
Với tính năng tiên tiến của mình và cũng nhờ vào danh tiếng của người tiền nhiệm Kub, tổ hợp tên lửa phòng không Buk trở thành một sản phẩm xuất khẩu đắt hàng của Nga, đã có khoảng 15 quốc gia nhập khẩu hệ thống Buk trải dài từ châu Á, châu Phi, Trung Đông cho đến các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Tuy nhiên tất cả những hệ thống Buk được Nga xuất khẩu cho các quốc gia khác đều chưa một lần trải qua thực chiến.
Những chiến công đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không Buk trớ trêu thay lại chính là thành tích bắn rơi máy bay chiến đấu Nga. Trong cuộc chiến tranh Gruzia năm 2008, tổng thống Ukraine khi đó là ông Viktor Yushchenko theo nhận định của quốc tế là một người “Không thân thiện” với Nga đã cung cấp cho Gruzia một số lượng không xác định các hệ thống tên lửa phòng không Buk, hiện chưa có thông tin cụ thể về phiên bản Buk được Ukraine cung cấp cho Gruzia nhưng đa phần các thông tin đều cho rằng đó là phiên bản Buk-M1 với tên lửa 9M38.
Xe mang phóng tự hành của hệ thống Buk-M1 với tên lửa 9M38
Vào ngày 8/8/2008, một chiếc Su-25 của Nga xuất phát từ Budyonovsk để thực hiện phi vụ tấn công thứ ba đã bị bắn rơi tại Dzava, một số ý kiến cho rằng chiếc Su-25 này bị OSA-AK (SA-8) bắn rơi nhưng hầu hết các ý kiến đều cho rằng nó bị bắn hạ bởi Buk.
Máy bay cường kích Su-25
Cũng trong ngày 8/8/2008, một cú shock đã xảy ra khi một chiếc máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-22M3 “Red 36” của Nga xuất phát từ căn cứ 929 TNAE (Akthubinsk) đã bị bắn rơi tại địa điểm giữa Gori và Tskhinvali bởi Buk, 3 trong số 4 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3
Vào hôm sau ngày 9/8/2008, thêm một chiếc Su-25 nữa của Nga xuất phát từ Budyonovsk lại bị bắn rơi bởi Buk tại Dzhava, phi công điều khiển máy bay Edamenko đã thiệt mạng.
Trong toàn bộ cuộc chiến ghi nhận có ít nhất 3 chiếc Su-25 và 1 chiếc Tu-22M3 của Nga bị Buk bắn rơi. Theo một số nhà phân tích, việc 4 chiếc máy bay chiến đấu bị bắn hạ là đáng ngạc nhiên và đó là thiệt hại lớn đối với Không quân Nga vì Gruzia chỉ là một quốc gia có lực lượng quân đội nhỏ. Một số chuyên gia khác chỉ ra rằng các hệ thống chế áp điện tử dường như không gây nhiễu và ngăn chặn được các tên lửa phòng không của Gruzia trong cuộc xung đột và đáng ngạc nhiên hơn là việc Nga không thể đưa ra biện pháp đối phó hiệu quả đối với hệ thống tên lửa do chính mình thiết kế.
Hệ thống Buk-M1-2 bắn đạn thật

No comments:

Post a Comment