Tuesday, July 22, 2014

Công an cấp xã “không đủ tầm” điều tra?

Các chuyên gia tiếp tục phản đối đề xuất giao công an xã, phường… tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu vì e ngại oan, sai, vi phạm quyền con người…
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, quy định giao công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu trong dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự đã làm nhiều chuyên gia e ngại vì không “an toàn”.
Tại hội thảo lấy ý kiến về dự luật do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa tổ chức tại TP.HCM, GS-TS Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo) đã lý giải về đề xuất này. Theo ông, thực tế trong quá trình giải quyết án, công an xã, phường… đã hỗ trợ cơ quan điều tra (CQĐT) trong các hoạt động điều tra ban đầu. Tuy nhiên, do pháp luật tố tụng hình sự không quy định nên hoạt động tham gia hỗ trợ của công an xã, phường… chưa được thừa nhận là tài liệu tố tụng, dẫn đến khó khăn, tốn kém, lãng phí thời gian trong điều tra tội phạm. “Chúng tôi muốn luật hóa để hoạt động hỗ trợ của công an xã, phường… được thừa nhận, trở thành tài liệu tố tụng” - ông Anh nói.
“Chia lửa” với CQĐT?
Theo một lãnh đạo Công an quận 11 (TP.HCM), hiện nay số lượng cán bộ điều tra của công an cấp huyện không đủ đáp ứng nhu cầu giải quyết án hình sự. Nhất là trong những vụ án đấu tranh băng nhóm, tội phạm có tổ chức, phức tạp… thì phải có 3-4 cán bộ điều tra phụ trách một vụ. Với áp lực giải quyết hồ sơ tố tụng đạt chất lượng, không làm oan, sai trong khi nhiều địa phương có tốc độ phát triển nhanh, án hình sự quá nhiều, nếu không phân cấp bớt thẩm quyền thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã, phường… thì khó đảm bảo tiến độ giải quyết án.
Bốn cựu công an viên xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) phải hầu tòa vì đánh chết nghi can. Ảnh: N.DÂN
Vị cán bộ này cũng thừa nhận nhìn chung chuyên môn, nghiệp vụ điều tra của công an cấp xã, phường chưa đảm bảo nhưng cũng có người có kinh nghiệm, chuyên môn qua quá trình tự rèn luyện, học hỏi vẫn có thể thực hiện hoạt động điều tra ban đầu tốt. Ngoài việc phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ điều tra, cơ quan điều tra với công an xã, phường…, một khi phân cấp cho công an xã, phường… thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu thì phải tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời tăng cường nhân sự được đào tạo bài bản.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) nhận xét đây là một ý tưởng tốt của ngành công an nhưng muốn thực hiện cần phải có lộ trình.
Theo luật sư Hậu, công an xã, phường… tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cũng tốt vì họ là người có mặt tại hiện trường và tiếp cận tội phạm sớm nhất. Tuy nhiên, nếu Bộ Công an muốn đưa điểm mới này vào luật thì phải kèm theo các điều kiện cần và đủ. Chẳng hạn như cán bộ công an xã, phường phải có trình độ ĐH cảnh sát, qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, được tuyển chọn vào ngành có bài bản. Khi giao quyền thì chỉ bó hẹp ở các hoạt động giữ nguyên hiện trường, lấy lời khai ban đầu, tạm giữ các vật chứng theo đúng quy định…
Nối dài oan, sai?
Trong khi đó, hầu hết các chuyên gia khác mà chúng tôi trao đổi lại phản đối đề xuất này.
TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) gay gắt: “Việc mở rộng hoạt động điều tra cho công an xã, phường… là một bước lùi trong tố tụng hình sự!”.
TS Hưng phân tích: Công an viên xã, phường có trình độ thường rơi vào các trường hợp cá biệt là cán bộ được tuyển dụng bài bản ở một số phường tại các đô thị lớn. Trong khi đó, luật được ban hành là phải xét đến phạm vi cả nước chứ không chỉ áp dụng ở những nơi cá biệt. “Đừng xem thường chất lượng hoạt động điều tra ban đầu rồi cho rằng cấp xã làm cũng được, không vấn đề gì. Giai đoạn điều tra ban đầu là bước rất quan trọng. Nó cung cấp tài liệu mà khi nhìn vào đó, CQĐT chuyên trách sẽ định hướng được vụ án và quyết định đi theo hướng nào. Nếu có sai sót, nhầm lẫn từ đây thì rất dễ oan, sai”.
Kiểm sát viên Trần Anh Dũng (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) cũng nhận xét công an xã, phường… không đủ điều kiện, phương tiện để đảm nhiệm việc phân loại, xử lý hồ sơ ban đầu. Đây là bước quan trọng để xác định người vi phạm có tội hay không, chỉ là vi phạm hành chính hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự, đòi hỏi cán bộ phải có năng lực chuyên môn cũng như khả năng phán đoán mà điều này thì cán bộ xã, phường chưa đáp ứng được.
Theo ông Dũng, phần lớn các công an viên ban đầu không qua trường lớp đào tạo, họ chỉ là người tham gia hoạt động tại địa phương, được UBND xã, phường đề xuất lên công an cấp huyện để xét duyệt. Dù sau này họ có bổ túc bằng cấp nhưng cũng chỉ hời hợt, không chuyên nghiệp. “Giao cho họ thẩm quyền điều tra là thể hiện sự không chuyên nghiệp trong hoạt động tố tụng hình sự” - ông Dũng nói.
“Có lẽ dự thảo luật quá tham vọng, đặt ra nhiệm vụ, trách nhiệm quá lớn cho cán bộ công an xã, phường… khi cái tầm của họ chưa đủ để kiêm nhiệm. Phải thẳng thắn nhìn nhận án hình sự bị VKS, tòa trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, điều tra lại đang rất nhiều. Bản thân các điều tra viên làm việc còn sai sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng thì ai đảm bảo cán bộ xã, phường… sẽ làm đúng chứ chưa dám nói là làm tốt? Tốt nhất để họ làm tốt nhiệm vụ quản lý hành chính, giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương, phối hợp với CQĐT chuyên trách khi được điều động theo quy định là được rồi” - Thẩm phán Vương Văn Nghĩa (Tòa Hình sự TAND TP.HCM) thẳng thắn.
Thứ Ba, ngày 22/7/2014 - 04:50n
PHAN THƯƠNG - ÁI NHÂN

Chỉ cần phối hợp tốt
Có thực tế là khi nhận được báo cáo, không ít trường hợp cán bộ điều tra không xuống phối hợp làm hồ sơ tố tụng ngay từ đầu mà “bán cái” luôn cho công an cơ sở. Cũng có những đơn vị công an xã, phường làm tốt hồ sơ điều tra ban đầu, có thể sử dụng trong tố tụng. Tuy nhiên, do luật không quy định cho công an cơ sở thực hiện hoạt động điều tra nên kinh nghiệm, chuyên môn của cán bộ công an cơ sở về điều tra là không nhiều, nếu không muốn nói là không đủ.
Trước khi có giải pháp căn cơ cho việc nâng chất điều tra thì có thể thực hiện theo mô hình của công an một số quận, huyện tại TP.HCM. Đó là thực hiện chặt chẽ theo quy chế phối hợp giữa cán bộ điều tra công an cấp huyện với công an cơ sở. Ngay khi nhận tin báo từ công an cơ sở thì cán bộ điều tra sẽ xuống ngay hiện trường phối hợp để làm hồ sơ tố tụng chặt chẽ ngay từ đầu.
Một trưởng công an phường ở quận Tân Bình, TP.HCM
Một số vụ công an cơ sở làm sai
Đầu tháng 7-2014, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt Lê Viết Hùng (công an viên xã Phú Xuân, Krông Năng) để điều tra về cái chết của ông Nguyễn Hữu Thâu.
Trước đó, đêm 3-7, tại thôn Xuân Hòa xảy ra một vụ mất trộm và ông Thâu bị tình nghi là thủ phạm. Hùng đã cùng ba người tự quản xuống hiện trường đưa ông Thâu về hội trường thôn làm việc. Sáng 4-7, khi vợ ông Thâu tới hội trường thì ông nằm chết trên sàn nhà trong tình trạng toàn thân ướt sũng, mặt mày tím tái, miệng, mũi chảy máu...
Tháng 6-2014, TAND tỉnh Bình Phước đã phạt nguyên trưởng Công an xã Bom Bo (Bù Đăng) Phạm Văn Tự một năm sáu tháng tù treo về tội giữ người trái pháp luật. Trước đó, TAND huyện Bù Đăng đã phạt nguyên phó Công an xã Bom Bo Phạm Hùng Cường một năm ba tháng tù treo về tội trên nhưng Cường không kháng cáo.
Tối 22-12-2009, nhận lệnh của Tự, Cường đã mời ông Nguyễn Văn Long về trụ sở lấy lời khai về việc ông Long bị tố hiếp dâm. Sáng hôm sau, vợ ông Long đến thì Tự thông báo “chồng bà đã tự tử”. Năm 2010, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước kết luận: “Nạn nhân bị ngoại lực tác động vào vùng đỉnh chẩm gây bầm tụ máu nhẹ dưới da đầu sát màng xương sọ. Nạn nhân tử vong do xuất huyết nội sọ”. Sau đó, Tự và Cường bị khởi tố về tội giữ người trái pháp luật. Nguyên nhân cái chết của ông Long do chưa xác định được nên cơ quan điều tra tách ra làm rõ sau.
Tháng 5-2014, TAND TP Hà Nội đã xử sơ thẩm vụ bốn công an viên xã Kim Nỗ (Đông Anh) đánh chết người và tuyên hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Trưa 30-8-2012, Công an xã Kim Nỗ mời ông Nguyễn Mậu Thuận về trụ sở lấy lời khai sau khi nhận được trình báo ông Thuận dùng gạch đánh vợ người em họ gây thương tích. Tại đây, vì ông Thuận chửi bới nên trưởng công an xã Nguyễn Đức Vọng đã ra lệnh khóa tay ông Thuận đưa vào phòng. Ông Thuận tiếp tục chửi bới nên nguyên phó trưởng công an Hoàng Ngọc Tuyên cùng ba công an viên Nguyễn Trọng Kiên, Đoàn Văn Tuyến, Hoàng Ngọc Thức đã thay nhau tát, cầm dùi cui cao su vụt mạnh vào đùi, người ông Thuận. Đánh xong, các công an viên gọi cán bộ y tế đến thì ông Thuận đã chết.
Tháng 3-2014, Công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã ra quyết định xử phạt hành chính trưởng Công an xã Hạ Trạch Nguyễn Văn Huân vì đánh dân gây thương tích.
Trước đó, ông Lê Chiểu Hạnh tát một người hàng xóm nên bị mời về trụ sở Công an xã Hạ Trạch làm việc. Tại đây, ông Hạnh bị ông Huân đấm đá liên tục cho đến khi ngã quỵ xuống nền nhà. Một công an viên vào can ngăn nhưng ông Huân đuổi người này ra khỏi phòng rồi tiếp tục đạp ông Hạnh đến ngất xỉu. Sau khi được cho về, ông Hạnh đã phải vào bệnh viện. Các bác sĩ kết luận ông bị tụ máu dưới màng cứng não...

No comments:

Post a Comment