Friday, June 13, 2014

Trung Quốc ngôn hành bất nhất

Báo điện tử Tầm nhìn - Báo Trung Quốc 6/6/2014 cho biết sở dĩ tình hình Biển Đông căng thẳng là do Trung Quốc trong thời gian qua “ngôn hành bất nhất”, nên đã làm cho  tất cả các nước ASEAN,các trong khu vực Châu Á và thế giới đều cảnh giác, xa lánh Trung Quốc. 

 
Kể từ ngày 1/5/2014 khi Trung Quốc kéo giàn khoan khổng lồ HD 981 cùng ít nhất 80 tàu hộ tống các loại, bao gồm 7 tàu quân sự vào trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, thì dư luận thế giới đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc và rung hồi chuông cảnh tỉnh về mối đe dọa cũng như dã tâm xâm lấn các nước láng giềng hiện nay của Trung Quốc. Chẳng những báo chí nước ngoài mà ngay báo chí Trung Quốc có không ít bài viết nêu lên những sai lầm lớn về những hành động thời gian qua của Trung Quốc. 
Tờ “Văn Trích” của Trung Quốc ngày 6/6/2014 có bài của tác giả Hàn Lỗi nhan đề “Chúng ta ngôn hành bất nhất, làm các nước ASEAN cảnh giác”. Tờ báo viết:

Khi lên nắm quyền từ ĐH18 tháng 11/2012, các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đã tiến hành kiểm điểm chính sách đối ngoại với các nước láng giềng. Trong “Hội nghị công tác ngoại giao“ họp đầu năm 2013, lãnh đạo Trung Quốc cho rằng phương thức xử lý quá khích trong tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thời gian qua đã tác hại không nhỏ tới môi trường hòa bình, ổn định và an ninh xung quanh, cản trở việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước. Trong Hội nghị này, Chủ tịch Tập Cận Bình nói: Chúng ta cần phải tích cực hơn nữa trong việc thể hiện chính sách ngoại giao láng giềng thân thiện với các nước xung quanh, để từ đó thực hiện mục tiêu phát triển trong nước, đồng thời xây dựng lại vai trò lãnh đạo Châu Á của Trung Quốc.

Để thể hiện chủ trương chính sách này, trong tháng 9 và tháng 10 năm 2013, lãnh đạo Trung Quốc lần lượt tuyên bố sẽ dành ra một khoản trị gía 1 tỉ USD đẻ xúc tiến buôn bán và đầu tư vào các nước láng giềng xung quanh trong đó có là Indonexia ở phía đông và Cadacxtan ở phía tây.

Cùng với chính sách hỗ trợ, hợp tác kinh tế, lãnh này Trung Quốc cũng tiến hành một loạt hoạt động đối ngoại với các nước láng giềng xung quanh. Để trấn an các nước láng giềng ASEAN, Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm hai nước Indonêxia và Malayxia, tiếp đó tham dự  Hội nghị thượng đỉnh không chính thức APEC lần thứ 21vào tháng 10 năm 2013. Trong chuyến thăm này, ông hứa hẹn gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác Biển Đông và tăng cường hợp tác kinh tế với các nước.

Tiếp đó, ngày 9/10/2013, phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – ASEAN, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói : “Trung Quốc sẽ không bị sa vào mô thức cũ trước đây là sau khi hùng mạnh sẽ sử dụng bá quyền”. Đồng thời, ông cũng khẳng định Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác kinh tế buôn bán toàn diện với ASEAN, kể cả ký Hiệp ước hợp tác hữu nghị láng giềng thân thiện với ASEAN. Ông khẳng định “Mâu thuẫn tranh chấp nổi lên ở Biển Đông  không có lợi cho bất kỳ ai. Chúng ta hãy cùng nhau phấn đấu để Biển Đông trở thành Biền hòa bình, biển hữu nghị, biển hợp tác”.

Trước đó,  Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm 4 nước ASEAN gồm Thái Lan, Indonexia, Xinhgapo và Brunei  từ 30/4/2013 tới 5/5/2013. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Vương Nghị khi giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và cũng là lần đầu tiên sau 15 năm một Ngoại trưởng Trung Quốc lấy ASEAN làm điểm đến đầu tiên sau khi làm Ngoại trưởng.

Dư luận các nước cho rằng với hoạt động ngoại giao dồn dập xuống các nước ASEAN thì “hình tượng quốc tế” và “trách nhiệm nước lớn” của Trung Quốc đối với các nước láng giềng xung quanh sẽ tăng lên, quan hệ Trung Quốc – ASEAN sẽ được tăng cường và thắt chặt đáng kể.

Nhưng ngay sau đó những hành động và những tuyên bố đe dọa của Trung Quốc đã xóa bỏ tất cả những gì mà lãnh đạo chúng ta trước đó đã cam kết, làm cho các nước tỏ ra lo ngại và cảnh giác cao độ đối với Trung Quốc. Đây là hậu quả tai hại của thái độ “ngôn hành bất nhất” của Trung Quốc gây ra.

- Trước tiên, Trung Quốc tự ý tuyên bố thiết lập, Vùng nhận dạng trên không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông vào ngày 23/11/2013 mà không hề tham khảo ý kiến của các bên.

- Tiếp đó, Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ kiến nghị của Philippin yêu cầu Trong tài quốc tế ra phán quyết về “Đường cửu đoạn”. Điều này cho thấy, phía chúng ta đuối lý về pháp lý đối với chủ quyền của Khu vực biển này. Ngày 9/3/2014, Trung Quốc cho tàu chiến ra ngăn chặn tàu tiếp tế của ngư dân Philippin, làm cho họ 3 tuần lễ không tiếp cận được những người trên đảo. Đây là hành động trắng trợn lần đầu tiên xảy ra đối với Philippin trong 15 năm qua, làm quan hệ hai nước trở nên rất căng thẳng.

- Ngày 1/5/2014 Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 cùng đội tàu hùng hậu ít nhất 80 tàu hộ tống các loại, bao gồm 7 tàu quân sự rầm rộ vào trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này diễn ra chưa đầy 6 tháng sau khi lãnh đạo cao nhất hai nước cam kết không áp dụng bất kỳ hành động nào làm mất ổn định trong khu vực. Trước đó, Trung Quốc nhiều lần đưa tàu Hải Giám cắt dây cáp của tàu Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế.

- Trong cuộc họp báo tháng 3/2014 tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Vương Nghị nói: “Chúng tôi quyết không lấy lớn chèn ép nước nhỏ”.

Những hành động trên của chúng ta đã trái với những lời cam kết và phát biểu trước đó của lãnh đạo. “Ngôn hành bất nhất” của chúng ta đã làm cho chẳng những các nước ASEAN nói riêng mà toàn thế giới đều hoài nghi về thiện chí của Trung Quốc và giờ đây họ đều nêu cao cảnh giác đối với Trung Quốc.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Burns nói: “Nếu uy tín mang tính quy tắc bị suy yếu, đối thoại bị phá vỡ, thì hiểu lầm tăng lên. Sự lo sợ và căng thẳng theo đó cũng tăng lên. Đối với tất cả các nước dù lớn dù nhỏ thì họ đều sẽ trở thành kẻ thất bại”.

Tác giả Hàn Lỗi cho rằng: Hậu quả của “Ngôn hành bất nhất” sẽ không thể lường hết được, các nước ASEAN không tin và nêu cao cảnh giác đối với Trung Quốc, liệu các mặt hợp tác khác còn thuận lợi hay không? Môi trường an ninh còn đảm bảo hay không khi một nước đều  bị các nước láng giềng hoài nghi và cảnh giác, thậm chí tẩy chay. Dư luận thế giới dù rất ngưỡng mộ những thành tựu mà Trung Quốc đạt được trong 30 năm qua, nhưng giờ đây sự ngưỡng mộ này bị mất đi thay vào đó là sự hoài nghi và cảnh giác.
Liệu vai trò nước lớn và hình tượng quốc tế của Trung Quốc trên trường quốc tế còn giữ được không? Trung Quốc phải dùng bao nhiêu thời gian mới lấy lại được uy tín của mình. Rõ ràng những hành “ngôn hành bất nhất” đã phải trả giá đắt./.
 14:17 | 13/06/2014
 Kiều Tỉnh                                                                                                                                 

No comments:

Post a Comment