Friday, June 13, 2014

Kiện Trung Quốc và các chiến thuật rút ra từ Philippines

  - 

Nhiều chiến thuật kiện tụng đã được rút ra qua vụ Philippines kiện Trung Quốc. Ảnh: AP
Nhiều chiến thuật kiện tụng đã được rút ra qua vụ Philippines kiện Trung Quốc. Ảnh: AP
Trang Lawfare, một blog chuyên phân tích các vấn đề chính trị - xã hội thế giới thông qua các khía cạnh luật pháp ngày 11.6 vừa đăng tải một bài viết của tác giả Sean Mirski về việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa. Một Thế Giới xin trích dịch lại bài viết.
Philippines kiện Trung Quốc những gì?
Gần một năm rưỡi trước đây, Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa vì vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). 
Trong cáo buộc của mình, Philippines dựa trên 3 nền tảng: thứ nhất, Trung Quốc tuyên bố phần lãnh hải của mình ở Biển Đông nhiều hơn so với quy định của Công ước; thứ hai, và cũng liên quan nhất, nhiều hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Bắc Kinh; và thứ ba là Trung Quốc đã nhiều lần vi phạm các quyền của Philippines theo Công ước.
Manila đã tuyên bố rõ ràng rằng ba cáo buộc của họ chủ yếu tập trung vào các hoạt động của Trung Quốc trong và xung quanh quần đảo Trường Sa (Việt Nam) và bãi cạn Scarborough, nhưng chúng vẫn được áp dụng đối với các hành vi của Trung Quốc ở cả khu vực Biển Đông.
Ngay sau khi Philippines đâm đơn kiện, 5 thành viên hội đồng trọng tài đã được chọn theo UNCLOS, và họ đã ban hành lệnh thủ tục đầu tiên vào ngày 27.8.2013.
Đến ngày 30.3 năm nay, Philippines tiếp tục đưa thêm tài liệu về vụ kiện. Mặc dù không được công bố, tập tài liệu cũng được biết đến là gồm gần 4.000 trang và có 10 chương. Quy mô của bộ tài liệu này đã chứng minh sự quyết tâm của Manila, và sự kiên quyết theo đuổi đến cùng vụ kiện của họ trước áp lực đáng kể từ Bắc Kinh. 
Gần đây nhất, tòa án Liên Hiệp Quốc đã ban hành lệnh thủ tục thứ hai, yêu cầu Trung Quốc phải nộp các tài liệu phản đối cáo buộc của Philippines.
Bài học từ vụ kiện
Để hiểu đầy đủ lý do tại sao, chúng ta cần nhớ thực sự đang có 2 tranh chấp pháp lý đang xảy ra ở Biển Đông. Đầu tiên là tranh chấp lãnh thổ về chủ quyền của những hòn đảo. Tranh chấp thứ hai là tranh chấp hàng hải về các vùng biển giữa các quốc gia. 
Ví dụ, Trường Sa là một bãi đá (với một vùng lãnh hải 12 hải lý) hay là quần đảo (với lãnh hải cộng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa)? Trong một số trường hợp, hai tranh chấp này giao nhau, nhưng đối với hầu hết, chúng là những khái niệm khác nhau.
Chiếc “lưỡi bò” của Trung Quốc bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Ảnh: CIA World Factbook 
Trong tuyên bố của mình, Manila nhấn mạnh sự tranh chấp pháp lý hàng hải. Trong thực tế, tòa án UNCLOS có thể đã được lựa chọn một phần vì nó không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ.
Có một số lý do tại sao Philippines cố gắng khởi kiện các vấn đề hàng hải trong khi lướt qua vấn đề lãnh thổ. Đầu tiên và có lẽ quan trọng nhất, Philippines có lợi thế pháp lý vì khiếu nại của họ là tương đối khiêm tốn và được hỗ trợ tốt, trái ngược hẳn với tham vọng về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Nhận thức được sức mạnh của mình, Philippines đã tiếp tục làm tăng thêm sự tương phản vì những tuyên bố hàng hải của họ phù hợp với luật pháp quốc tế.
Lý do thứ hai khiến Philippines không muốn khởi kiện các tranh chấp lãnh thổ là bởi họ có cơ sở pháp lý khá yếu đối với hầu hết lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough khi so sánh với Trung Quốc.
Các học giả hầu hết đều đồng ý rằng đa phần các tuyên bố lãnh thổ của Philippines là mong manh, nếu không muốn nói là “vô giá trị”.
Phần lớn, Manila cố gắng để đòi chủ quyền đối với phần lãnh thổ trên ý nghĩa thông thường. Logic rất đơn giản: các khu vực như quần đảo Trường Sa gần bờ biển của Philippines (120 hải lý) hơn là Trung Quốc (700 hải lý). 
Thật vậy, chỉ cần lướt sơ qua bất kỳ bản đồ Biển Đông nào cũng sẽ chứng minh lập luận của Philippines. Trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gần đây của Philippines trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila, người biểu tình đã chế giễu: “Trung Quốc, các anh có biết đo không?”.
Thật không may cho Philippines rằng không có vấn đề pháp lý rõ ràng đối với khoảng cách lãnh thổ. Theo luật quốc tế, các quốc gia thường không tranh chấp lãnh thổ chỉ vì khoảng cách tương đối của lãnh thổ đó với quốc gia khác (như với trường hợp bang Alaska và Hawaii của Mỹ). 
Ví dụ như trong tranh chấp về quần đảo Palmas, Tòa án Trọng tài thường trực đã bác tuyên bố của Mỹ khi cho rằng quần đảo này “tương đối gần với bờ biển của họ”. Với tiền lệ xấu này, Philippines có thể sẽ cần nhiều hơn một tấm bản đồ để có thể thắng lợi trong cuộc chiến pháp lý.
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc với câu chế giễu: Trung Quốc, các anh có biết đo không? Ảnh: AP 
Manila cũng cố gắng tìm kiếm các bằng chứng lịch sử về chủ quyền của mình. Theo tài liệu mà nước này cung cấp, một doanh nhân kiêm luật sư Philippines tên Tomas Cloma đã khám phá ra 53 hòn đảo và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa trong thời gian 1947-1956.
Và theo Manila, điều đó cho thấy các lãnh thổ trên về pháp lý đã thuộc về ông Cloma. Ông Cloma vẫn giữ chủ quyền sở hữu của mình cho đến năm 1974 khi ông chuyển giao quyền kiểm soát cho Philippines thông qua một Chứng thư gia nhập. Kể từ đó, quần đảo này là một phần lãnh thổ Philippines.
Tuy nhiên, các học giả cho rằng các bằng chứng lịch sử của Philippines là yếu kém khi so với Trung Quốc.
Tóm lại, Philippines không đưa ra yêu cầu nhiều về lãnh thổ trong vụ kiện Trung Quốc. Nhưng trong một ý nghĩa nào đó, điều này không quan trọng nhiều, miễn là Manila tiếp tục theo đuổi vụ kiện của mình.
Hoài Anh (lược dịch)
Tác giả Sean Mirski: hiện là biên tập viên của tờ Harvard Law Review. Anh cũng từng là thực tập sinh tại bộ phận quan hệ quốc tế của Văn phòng Luật sự Bộ Quốc phòng Mỹ. Mirski tốt nghiệp Đại học Chicago năm 2011 với bằng Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế và Cử nhân Khoa học chính trị và kinh tế.

No comments:

Post a Comment