Friday, June 13, 2014

Ngư dân lại đứng bên lề kế hoạch hỗ trợ

HÀ NỘI (NV) - Có nhiều dấu hiệu cho thấy ngư dân Việt Nam sẽ tiếp tục đứng bên lề chương trình thử nghiệm việc hỗ trợ ngư dân chuyển đổi 3,000 tàu đánh cá từ vỏ gỗ sang vỏ sắt.

Sau khi thủ tướng CSVN quyết định chi 10,000 tỉ đồng để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi 3,000 trong số 130,000 tàu đánh cá từ vỏ gỗ, sang vỏ sắt, tổng Công Ty Công Nghiệp Tàu Thủy SBIC đã nhập cuộc. SBIC là hậu thân của Vinashin - một tập đoàn quốc doanh đã bị giải thể sau khi tạo ra khoản nợ lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.


Một trong hai con tàu mà SBIC đóng và đã giao cho ngư dân Quảng Ngãi. Ða số ngư dân cho rằng, những con tàu này không phù hợp với nhu cầu và mong muốn của họ. (Hình: Tuổi Trẻ)

Cho đến nay, các nhà máy đóng tàu của SBIC đã hạ thủy hai tàu đánh cá vỏ sắt để giao cho hai ngư dân ở Quảng Ngãi. Một tàu mang tên Hoàng Anh 01, một tàu mang tên Sang Fish 01, trị giá mỗi tàu khoảng 7 tỉ, chủ tàu trả khoảng một nửa, nửa còn lại được SBIC cho vay, trả dần trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 năm, không tính lãi. Vốn vay được lấy từ khoản hỗ trợ 10,000 tỉ của chính phủ Việt Nam.

SBIC vừa ký một thỏa thuận với chính quyền tỉnh Bình Ðịnh để “phát triển đội tàu đánh cá vỏ sắt” cho ngư dân ở tỉnh này. SBIC cũng đã giới thiệu 6 mẫu tàu để ngư dân lựa chọn. Tuy nhiên rất nhiều người, đặc biệt là các chuyên gia tỏ ra lo ngại cả về chương trình hỗ trợ chuyển đổi tàu đánh cá từ vỏ gỗ sang vỏ sắt lẫn các mẫu tàu của SBIC.

Ông Nguyễn Quốc Chính, chủ tịch Nghiệp Ðoàn Nghề Cá huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, kiêm Ủy Viên Ban Chấp Hành Nghiệp Ðoàn Nghề Cá Việt Nam cho biết, tàu do SBIC đóng chỉ phù hợp với công việc câu mực ở giữa đại dương, chứ chưa phù hợp với các nhu cầu đánh bắt khác, chưa kể giá thành lại cao. Nếu ngư dân tự đóng chi phí chỉ khoảng 5 hoặc 6 tỉ và chất lượng không thua kém những con tàu mà SBIC đóng với giá 7 tỉ. Khoản chênh lệch hàng tỉ đó ngư dân phải gánh và đây là điều vô lý, chưa kể chúng sẽ tạo thêm nhiều khó khăn cho ngư dân.

Cũng theo ông Chính, nếu là hỗ trợ thì phải để ngư dân đóng góp những kinh nghiệm của họ vào con tàu mà họ phải vay tiền để mua, chứ không phải nhận một con tàu đóng sẵn rồi họ phải ra khơi trên con tàu xa lạ đó.

Ông Chính nhấn mạnh, đây là lý do khiến ngư dân Lý Sơn không mặn mà với những con tàu do công ty nhà nước đóng.

Ông Chính nói thêm rằng, ngư dân đang cần cơ chế vay vốn phù hợp. Vay vốn phù hợp là tất cả những người trên tàu, từ thuyền trưởng đến thủy thủ cùng được vay để cùng góp vốn vào con tàu mới song chuyện này chưa được tính tới. Trong quá khứ, một số người từng lợi dụng chương trình hỗ trợ ngư dân để đứng ra vay vốn đóng tàu, sau đó thuê thuyền trưởng và thủy thủ, bóc lột thuyền trưởng và thủy thủ tới mức họ không thể chịu đựng được rồi bỏ việc và những con tàu đó trở thành vô dụng.

Ông Ngô Khắc Lễ, người vừa là chuyên gia hàng hải, vừa là trọng tài viên của Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam, rất quan tâm đến những đề nghị của ông Chính. Ông Lễ cho rằng, phải có những hợp đồng ràng buộc chặt chẽ tất cả các bên: đóng tàu, kiểm định, ngân hàng, bảo hiểm, ngư dân để bảo đảm sự an toàn cho cả ngân hàng lẫn ngư dân. Tránh tình trạng chương trình hỗ trợ lần này trở thành vô dụng, thất thoát tiền bạc như những lần trước.

Một ngư dân tên là Phạm Non, đồng thời là chủ một xưởng đóng tàu ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nói thêm, ngư dân chỉ quan tâm đến những con tàu rẻ, đi biển tốn ít dầu và không thích bị ấn vào tay một con tàu mà từ thiết kế, máy móc, đến phương tiện đánh bắt đều không phải do họ chọn lựa.

Theo ông Non, các mẫu tàu do SBIC thiết kế hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu của ngư dân. Chẳng hạn hộp số chỉ có 4.1, trong khi ngư dân dùng hộp số 5.1. Hay ngư dân thích xài máy Hino vì tiết kiệm nhiên liệu thì tàu do SBIC thiết kế lại dùng máy của một hãng chuyên sản xuất máy xây dựng.

Tại buổi tọa đàm về việc hỗ trợ ngư dân chuyển đổi tàu đánh cá từ vỏ gỗ thành vỏ sắt, diễn ra hồi tuần trước ở Ðại Học Giao Thông Vận Tải Sài Gòn, nhiều chuyên gia hàng hải khuyến cáo, hỗ trợ ngư dân thì phải quan tâm, phải hiểu tường tận và đáp ứng nhu cầu của ngư dân, không thể áp đặt mẫu tàu.

Giống như nông dân, thỉnh thoảng, chính quyền Việt Nam lại công bố những kế hoạch hỗ trợ ngư dân. Trong thực tế, gần như ngư dân không được hưởng gì từ các chính sách được xem là nhằm hỗ trợ họ. Dù thường xuyên được nghe các hứa hẹn hỗ trợ, song ngư dân Việt Nam luôn phải tự lực cánh sinh. Họ phải tự vay nóng, trả lãi cao để có vốn thực hiện các chuyến đi biển. Nếu gặp nhân tai (tàu thuộc lực lượng vũ trang của Trung Quốc), hoặc thiên tai (gió bão), chủ tàu phá sản.

Trong quá khứ, các chính sách hỗ trợ ngư dân luôn xem là cơ hội cho viên chức nhiều cấp, nhiều ngành đục khoét.

Năm 1997, chế độ Hà Nội thực hiện chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ.” Chương trình này ra đời sau trận bão thứ 5 của năm 1996, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngư dân va ngư nghiệp Việt Nam. Ðến tháng 4 năm 2006, sau khi chương trình trình này ngốn hết 1,400 tỉ, kết quả thanh tra cho thấy, 95% của khoản 1,400 tỉ này bị tham nhũng. Các tỉnh-thành phố, quận-huyện, phường-xã của 29 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình này đã thi nhau dựng ra những hợp tác xã ma, công ty ma để rút bằng hết nguồn vốn vay có tính ưu đãi cho ngư dân để chia chác với nhau.

Sau chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ,” gần đây, nhà cầm quyền CSVN thực hiện một chương trình hỗ trợ khác cũng dành cho ngư dân. Ðó là “lắp thiết bị định vị vệ tinh cho tàu đánh cá.” Chương trình này đã thực hiện thí điểm với 2,000 tàu đánh cá và phóng sự của nhiều tờ báo cho thấy, hàng loạt thuyền trưởng của các tàu đánh cá được chọn thí điểm đã yêu cầu được trả lại thiết bị vì chất lượng tồi, hiệu quả kém mà lại quá nhiều ràng buộc. (G.Ð)
06-13-2014 4:40:45 PM

No comments:

Post a Comment