(LĐ) - Số 136 TÔ PHƯƠNG THỦY - 7:58 AM, 14/06/2014
ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM): "“Tôi đã bị cử tri chất vấn nhiều về tín nhiệm 3 mức là: Sao đại biểu Quốc hội dốt thế..."
* “Quan địa phương” là đối tượng cần lấy phiếu tín nhiệm nhất.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm chiều 13.6, đa số ý kiến ĐB cho rằng chỉ nên để 2 mức trên lá phiếu là “tín nhiệm và không tín nhiệm”. Bên cạnh đó, mỗi nhiệm kỳ nên có 2 lần lấy phiếu.
ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho hay: “Tôi đã bị cử tri chất vấn nhiều về tín nhiệm 3 mức là: Sao đại biểu QH dốt thế. Tôi đành nói dốt cũng được, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng nghiên cứu”. ĐB Đương đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm phải thực sự đánh giá được ai là người vì dân, vì nước, chứ không phải bỏ phiếu cho những người chỉ biết “một dạ, hai vâng” để giữ ghế.
“Dây thần kinh tiếp thu của ông bị đứt à?!”
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), đề nghị rút kinh nghiệm về cách làm, khi bỗng dưng lại dừng lấy phiếu tín nhiệm. “Dù đã đọc thư của Chủ tịch QH gửi, nhưng lá thư không nói rõ ĐB đồng ý, hay không. Tức, chúng tôi chưa thể hiện ý kiến đã sửa” - ông nêu. Theo ĐB Thuyền, điều này tước đi cơ hội của nhiều người được thể hiện có số phiếu tín nhiệm cao nếu bỏ phiếu lần này, như Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT hay Thống đốc Ngân hàng.
“Nghị quyết 35 sửa cái được khen, nhưng lại giữ lại... cái bị chê”; “Nhân dân đang rất khen QH lấy phiếu tín nhiệm ở các kỳ họp cuối năm thì lại bỏ. Còn cái 3 mức tín nhiệm bị chê thì lại giữ. Có người nói sao ĐBQH dốt thế. Vì đương nhiên tín nhiệm cao là cao, mà thấp là thấp, sao lại phải có 3 mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp” - ông nêu.
Dẫn dụ về sự bất hợp lý của bỏ phiếu tín nhiệm 3 cấp, ĐB Nguyễn Bá Thuyền đã kể câu chuyện vui về một đôi vợ chồng thấy QH làm hay quá, nên cũng lấy phiếu tín nhiệm chung thủy cao, chung thủy hay chung thủy thấp. Sau một năm, ông chồng vẫn cứ lăng nhăng, thì bà vợ yêu cầu phải sửa, chỉ có 2 mức hoặc chung thủy hoặc không. Nhưng ông chồng quyết không nghe, và cứ đòi giữ 3 mức. Quá bức xúc, bà vợ nói: “Dây thần kinh tiếp thu của ông bị đứt à?!”
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) lại có sáng kiến rằng trong trường hợp nếu vẫn giữ 3 mức tín nhiệm thì nên thay đổi thành: Tiếp tục chức trách được giao; bố trí công tác khác hoặc nên từ chức thay cho “tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp”. Còn ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) đề nghị đổi thành: “Tín nhiệm, không tín nhiệm và không có ý kiến”.
Không nên tín nhiệm những người “có đức, nhưng vô dụng”
ĐB Đỗ Văn Đương nhấn mạnh “3 mức tín nhiệm là rất lạ”. Ông cho rằng, thực chất của bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ là cảnh báo, cảnh tỉnh, mà quan trọng hơn là phấn khích và thôi thúc người tín nhiệm cao cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Ông yêu cầu cần đánh giá lại cách bỏ phiếu tín nhiệm theo hướng cổ vũ người năng động, sáng tạo, khi thực tế cho thấy những người “chỉ cần có phẩm chất đạo đức, phẩm chất tốt một cách trừu tượng là có tín nhiệm lại cao”.
“Cụ Hồ nói có đức, mà không có tài là vô dụng. Anh chỉ biết ăn lương, ăn của dân, vô dụng vì chỉ cần giữ được ghế của anh thôi. Còn người xả thân vì công việc, có thể có khuyết điểm này, kia, nhưng mới là người mà xã tắc cần” - ông nói. Theo ông, ở một số nước, tổng thống nhậm chức 100 ngày là đã lấy phiếu đánh giá rồi, nên việc cả nhiệm kỳ chỉ 1 lần lấy phiếu tín nhiệm thì “vô tác dụng”.
Đại biểu Đương thẳng thắn: “Những người có năng lực, mới giúp xã hội chuyển động nhanh. Chứ không phải là những người vì ghế mà người ta nể, chứ con người thì người ta coi thường. Nên trọng uy tín, chứ không phải uy quyền trên uy tín. Đừng mượn quyền lực nhà nước để điều hành, lãnh đạo”.
Nếu cứ thế này, QH đang “lấy đá ghè chân mình”
Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), cần phải tính toán kỹ hệ quả của việc lấy phiếu. “Những người có từ 51% số phiếu không tín nhiệm trở lên, thì không đủ điều kiện làm việc nữa. Đây là QH, HĐND lấy phiếu, chứ không phải đùa. Phải có hệ quả pháp lý để bố trí, sắp xếp thôi công việc đang đảm nhiệm cho những người khác, như vậy mới có tác dụng” - ĐB Nam yêu cầu. ĐB Lê Nam cho rằng, nếu nghị quyết của QH giữ như dự thảo, thì bản chất không sửa gì mà chỉ điều chỉnh về thời gian. Ông khuyến cáo điều đó chả khác gì “QH lấy đá ghè chân mình. Ta đang làm rất tốt, mà rồi lại để nhân dân chê lắm”.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền cũng đề nghị cân nhắc về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Ông cho rằng, những người có số phiếu tín nhiệm dưới 50%, thì cần có thời gian cho họ sửa chữa. Trong trường hợp có đến 2/3 số phiếu không tín nhiệm, cần cho họ từ chức ngay, hoặc bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó. ĐB Tô Văn Tám đề nghị, nên tạo cơ hội cho những người có số phiếu tín nhiệm thấp được từ chức. Còn nếu không từ chức, thì bỏ phiếu tín nhiệm. “Điều này sẽ góp phần hình thành văn hóa từ chức trong bộ phận lãnh đạo quản lý” - ông góp ý.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) tán thành hướng mở rộng đối tượng được bỏ phiếu ở các địa phương, bao gồm thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của UBND. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cũng cho rằng, những người cần lấy phiếu nhất chính là các lãnh đạo cơ quan địa phương, giám đốc sở - những người có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chính sách pháp luật, liên quan trực tiếp đến lợi ích, đến quyền làm chủ của người dân.
No comments:
Post a Comment