Friday, June 13, 2014

Bệnh viện Thống Nhất : Kê một đường, thu một nẻo

PN - Theo bảng kê của Bệnh viện (BV) Thống Nhất, tổng chi phí điều trị của bà Lê Thị Phúc là hơn 10.000.000đ. Bà Phúc được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán 5.115.910đ, nhưng thay vì chỉ thu thêm của bà Phúc 4.911.242đ, nhân viên BV Thống Nhất lại thu đến hơn 8.900.000đ...

Bốn lần thu tiền, cấp ba biên lai
Khuya ngày 4/3/2014, bà Lê Thị Phúc (ngụ tại P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) được gia đình đưa vào BV Thống Nhất cấp cứu. Bà Phúc trình thẻ BHYT và đóng tạm ứng 1.000.000đ viện phí. Bác sĩ chẩn đoán bà Phúc bị sỏi niệu quản, chuyển về Khoa Ngoại tiết niệu để điều trị. Sau đó, bà được chỉ định tán sỏi nội soi bằng laser và đặt thông JJ niệu quản. Trước khi ký cam kết điều trị, nhân viên BV có cho bà Phúc biết, chi phí điều trị khoảng 7.000.000đ. Sau khi được tư vấn, bà Phúc đồng ý ký thực hiện thủ thuật. Lúc này, nhân viên BV yêu cầu gia đình bà Phúc đóng tiền hai nơi: đóng cho Phòng Hành chánh Khoa Ngoại tiết niệu 4.000.000đ, chỉ ký sổ mà không có biên lai; 3.000.000đ còn lại thì đóng tại quầy thu viện phí, có biên lai. Tưởng vậy là xong, nhưng khi bà Phúc xuất viện, nhân viên Khoa Ngoại tiết niệu lại yêu cầu bà xuống quầy thanh toán thêm 911.000đ viện phí mới được làm thủ tục xuất viện.
Cầm hóa đơn và bảng kê tổng hợp chi phí khám chữa bệnh, bà Phúc phát hiện bảng kê chi phí điều trị của mình từ ngày 4 - 12/3/2014 là 10.027.152đ. Trong đó, BHYT chi trả 5.115.910đ, bà phải đồng chi trả là 4.911.242đ.
“Tôi đóng tiền bốn lần tất cả, một lần 911.000đ, một lần 1.000.000đ, một lần 3.000.000đ và một lần 4.000.000đ. Tổng cộng hơn 8.900.000đ, nhưng số tiền 4.000.000đ không thấy ghi trong bảng kê tổng hợp của BV và không có hóa đơn. Thêm nữa, việc tính BHYT cho tôi cũng có nhiều biểu hiện không minh bạch. Theo quy định, trường hợp của tôi là trường hợp cấp cứu, được BHYT thanh toán 80% chi phí điều trị. Tính ra, tôi chỉ phải thanh toán hơn 2.000.000đ viện phí, sao lại phải trả tới hơn 8.900.000đ? Tôi thắc mắc với nhân viên Khoa Ngoại tiết niệu, họ không giải thích được lý do”- bà Phúc bức xúc.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Alobacsi.vn.
Làm trái quy định
Ông Nguyễn Vĩnh Thanh - Phó giám đốc BV Thống Nhất cho biết, sau khi nhận được phản ánh từ Báo Phụ Nữ, ông đã có buổi làm việc với Khoa Ngoại tiết niệu. Kết quả, BV đã có những thiếu sót như: chưa thể hiện rõ phần thanh toán đồng chi trả cũng như tỷ lệ phần trăm bệnh nhân được hưởng trên hóa đơn viện phí. Khi thu tiền tại khoa, nhân viên đã không cấp phiếu tạm thu cho người bệnh, khi bệnh nhân xuất viện cũng không liên hệ với công ty đổi lại hóa đơn về giao lại cho người bệnh. Nhân viên BV chưa làm hết trách nhiệm giải thích đầy đủ cho bệnh nhân khi họ yêu cầu.
Theo BS Thanh, trước khi làm thủ thuật, nhân viên BV sẽ tư vấn cho bệnh nhân cụ thể. Có ba phương pháp là mổ hở, tán sỏi nội soi cơ học và tán sỏi nội soi bằng laser, trong đó nội soi bằng laser là an toàn và hiệu quả hơn cả, nhưng BV lại chưa có máy. Để thực hiện phương pháp này, BV phải thuê máy móc bên ngoài. Phương pháp này và đặt ống thông JJ hiện vẫn chưa được BHYT thanh toán như hai phương pháp kia nên bệnh nhân phải trả toàn bộ chi phí. Khoản thu 7.000.000đ được chia làm hai phần, phần thứ nhất gồm bông băng, giường bệnh, thuốc gây tê..., khoản 3.000.000đ thì đóng cho BV, có hóa đơn, có trong bảng kê viện phí; 4.000.000đ còn lại là tiền thuê trang thiết bị của công ty bên ngoài nên không có trong bảng kê BV và BV không thể “ra” hóa đơn (?).
BS Thanh cho biết, tổng số tiền điều trị và thuê trang thiết bị trong trường hợp của bà Phúc là hơn 14.000.000đ. Trong đó, chi phí trang thiết bị, thuốc men nằm ngoài danh mục khoảng hơn 8.000.000đ và trong danh mục hưởng BHYT là hơn 6.000.000đ. Bà Phúc là diện BHYT, nhập viện cấp cứu, nên theo quy định sẽ được BHYT chi trả 80% chi phí điều trị trong danh mục. Như thế, bà Phúc được BHYT thanh toán 80% của 6.000.000đ (tương ứng với 5.115.910đ). Số tiền bà Phúc thanh toán hơn 8.900.000đ bao gồm việc chi trả 7.000.000đ chi phí thực hiện thủ thuật nằm ngoài danh mục BHYT và hơn 700.000đ chi trả cho số thiết bị, thuốc men không có trong danh mục BHYT thanh toán.
Giải thích của BV nghe có vẻ hợp lý, nhưng theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Công ty luật TNHH Thiên Niên Kỷ (TP.HCM), khi bà Phúc đến BV Thống Nhất để yêu cầu khám chữa bệnh và đã đóng viện phí, có nghĩa là bà Phúc và BV Thống Nhất đã giao kết hợp đồng dịch vụ khám chữa bệnh. Theo đó, BV Thống Nhất là nơi cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh cho bà Phúc. Việc thuê trang thiết bị chỉ để thực hiện tốt công việc chữa bệnh cho bệnh nhân. Chi phí cho việc thuê máy điều trị bao gồm trong chi phí khám chữa bệnh mà BV đã trực tiếp thu của bệnh nhân. Theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì tất cả hàng hóa dịch vụ cung ứng đều phải xuất hóa đơn trên cơ sở hợp đồng. BV Thống Nhất đã không xuất hóa đơn đối với số tiền thuê máy điều trị là trái với quy định.
 Tiến Đạt

No comments:

Post a Comment