Friday, June 13, 2014

Tòa án CSVN xử kín ông Phạm Viết Ðào


HÀ NỘI (NV) - Tòa Án Tối Cao của Việt Nam đã lặng lẽ đưa ông Phạm Việt Ðào ra xử phúc thẩm hôm 9 tháng 6, 2014, quy chụp ông tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ...” theo Ðiều 258 của Luật Hình Sự.

Thân nhân của ông Ðào chỉ biết ông đã bị xử phúc thẩm khi được gặp mặt, không hề được thông báo có phiên tòa để đến theo dõi.


Blogger Phạm Viết Ðào, người bị kết án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ ...” theo điều 258 Luật Hình Sự CSVN. (Hình: Internet)

Theo thân nhân của ông Phạm Viết Ðào, hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm. Việc đưa ông Ðào ra xử phúc thẩm không hề được thông báo cho thân nhân của ông dù thân nhân của ông từng đến trụ sở Tòa Án Tối Cao để hỏi thăm về lịch xét xử. Trong phiên xử phúc thẩm, ông Ðào không có luật sư, phải tự bào chữa.

Hồi hạ tuần tháng 3 vừa qua, trong phiên xử sơ thẩm, tòa án thành phố Hà Nội xác định ông Ðào phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” và phạt ông 15 tháng tù.

Ông Phạm Viết Ðào, 61 tuổi, hội viên của Hội Nhà Văn Việt Nam, từng tốt nghiệp Trường Viết Văn Nguyễn Du, từng du học về văn chương tại Romania, dịch giả của nhiều tác phẩm văn học Romania, từng viết văn, làm phim, từng là thanh tra Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch. Ông Phạm Viết Ðào cũng đã từng là một quân nhân, nhập ngũ từ năm 1965, từng tham dự các trận chiến ở Khu 4, Ðường 9, Quảng Trị, Trung Lào và từng là một trong số rất ít người công khai tuyên bố từ bỏ Ðảng CSVN.

Vài năm gần đây, ông Ðào được nhiều người chú ý khi làm blog “Phạm Viết Ðào.” Trên trang blog này, blogger Phạm Viết Ðào công khai chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng - tổng bí thư, ông Nguyễn Tấn Dũng - thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc - phó thủ tướng, ông Nguyễn Bá Thanh - trưởng Ban Nội Chính Trung Ương.

Cho đến trước khi bị bắt, hồi tháng 4 năm 2013, ông Ðào là một trong những người công khai chỉ trích việc sửa đổi hiến pháp và bản dự thảo hiến pháp.

Một tuần trước khi bị bắt ngày 13 tháng 6 năm 2013, trả lời BBC về hoạt động “lấy phiếu tín nhiệm,” ông Ðào nhận định, “Quốc Hội nào thì chính phủ ấy.” Ông Ðào khẳng định, ông không hy vọng có “đột phá.”

Lúc đó, việc công an Việt Nam “bắt khẩn cấp” blogger Phạm Viết Ðào chỉ được Thông tấn xã Việt Nam loan báo ngắn gọn. Hãng tin chính thức của chính quyền Việt Nam cho biết, công an Việt Nam sẽ “tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của ông Phạm Viết Ðào để xử lý theo quy định của pháp luật.”

Tuy nhiên, trên nguyentandung.org - trang web vẫn được xem là tiếng nói không chính thức của thủ tướng CSVN, có rất nhiều thông tin nhằm giải thích rõ hơn vì sao ông Phạm Viết Ðào bị bắt.

Theo đó, ông Ðào bị bắt vì “tiết lộ thông tin mật của nhà nước, liên quan đến nhân sự các cuộc họp từ Hội Nghị Trung Ương 4 đến Hội Nghị Trung Ương 7 nhằm gây bất ổn chính trị, hoang mang, làm mất niềm tin của nhân dân vào các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà Nước.” Ngoài ra, ông Ðào còn “xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của người khác.”

Tuy trang nguyentandung.org không cho biết “người khác” là ai nhưng ở một bài viết khác cũng đề cập đến việc bắt blogger Phạm Viết Ðào, trang web này viết, một trong những lý do khiến ông Ðào bị bắt là vì ông đã “nói sai sự thật nhằm gây bất ổn chính trị, hoang mang, làm mất niềm tin của nhân dân vào các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước.”

Khoảng ba tuần trước khi bắt ông Phạm Viết Ðào, công an Việt Nam cũng đã “bắt khẩn cấp” blogger Trương Duy Nhất vì “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.” Blogger Trương Duy Nhất, 49 tuổi, từng là phóng viên của báo công an Quảng Nam - Ðà Nẵng, sau đó chuyển qua làm phóng viên thường trú của báo Ðại Ðoàn Kết tại miền Trung. Từng tuyên bố rời bỏ làng báo Việt Nam để dành thời gian cho blog “Một góc nhìn khác.”

Nguyên nhân chính khiến blogger Trương Duy Nhất bị bắt, bị phạt hai năm tù cũng vì đề cập đến chuyện “lấy phiếu tín nhiệm,” tổ chức thăm dò dư luận về những nhân vật sẽ được đưa ra “lấy phiếu tín nhiệm” hồi năm ngoái và kết quả cho thấy, gần như toàn bộ các nhân vật lãnh đạo Quốc Hội, nhà nước, chính phủ Việt Nam đều không được dân chúng tín nhiệm.

Theo một nghị quyết của Quốc Hội Việt Nam thì việc “lấy phiếu tín nhiệm” sẽ được thực hiện hàng năm nhưng sau lần “lấy phiếu tín nhiệm” hồi năm ngoái, khiến nhiều nhân vật lãnh đạo Quốc Hội, nhà nước, chính phủ Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng về uy tín, năm nay, giới lãnh đạo Ðảng CSVN quyết định, chỉ “lấy phiếu tín nhiệm” mỗi nhiệm kỳ (bốn năm) một lần. Các đại biểu Quốc Hội Việt Nam đang chỉ trích đề nghị này tại nghị trường. (G.Ð)
06-13-2014 4:41:32 PM

No comments:

Post a Comment