Friday, June 13, 2014

Công An tra tấn chết người chỉ bị án treo

BÌNH PHƯỚC 13-6 (NV) - Hai ông chánh, phó Công an xã ở tỉnh Bình Phước dù tra tấn chết một nghi can, chỉ bị bản án treo thật nhẹ nhàng.


Bị cáo Phạm Văn Tự tại phiên toà phúc thẩm ở tỉnh Bình Phước. (Hình: VNExpress)

Theo bản tin VNExpress hôm Thứ Sáu 13/6/2014 tường thuật phiên tòa phúc thẩm ở tỉnh Bình  Phước do kháng án của gia đình nạn nhân, Phạm Văn Tự, 44 tuổi, nguyên trưởng Công an xã Bombo huyện Bù Đăng, và Phạm Hùng Cường, 48 tuổi, phó công an xã vừa kể, vẫn chỉ bị y án tù treo như phiên tòa sơ thẩm ngày 15/11/2013 đã tuyên án.

Trong phiên tòa sơ thẩm, Phạm Văn Tự bị kêu án 1 năm 6 tháng tù treo trong khi Phạm Hùng Cường chỉ bị kêu án 1 năm 3 tháng tù treo về tội đã bắt giữ người “trái pháp luật” rồi tra tấn chết nghi can Nguyễn Văn Long, 45 tuổi, hơn 4 năm trước.

Theo cáo trạng, buổi tối ngày 22/12/2009, sau khi nhận lệnh của trưởng công an xã Phạm Văn Tự về việc ông Nguyễn Văn Long bị tố cáo hiếp dâm cháu của một người trong xã, Phạm Hùng Cường cùng một vài xã đội đến nhà bắt ông Long về trụ sở lấy lời khai.

Nguồn tin trên nói, sáng hôm sau, bà Sang (vợ ông Long) mang cơm đến cho chồng thì được ông Tự thông báo "chồng bà đã tự tử trong phòng giam hành chính". Cho rằng cái chết này quá bất thường, bà Sang yêu cầu giám định pháp y để làm rõ nguyên nhân sự việc.

Ngày 25/2/2010, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước kết luận: “Nạn nhân có bị ngoại lực tác động vào vùng đỉnh chẩm gây bầm tụ máu nhẹ dưới da đầu sát màng xương sọ. Nạn nhân tử vong do xuất huyết nội sọ”.

Như vậy, cái chết của ông Nguyễn Văn Long là do bị công an xã Bombo tra tấn bằng các vật cứng đến vỡ sọ, chứ không phải tự tử như lời ông trưởng công an xã nói dối. Chính vì vậy, do lời thưa của vợ nạn nhân dẫn đến cuộc điều tra, Phạm Văn Tự và Phạm Hùng Cường bị “khởi tố tội giam giữ người trái pháp luật”.

Cái chết của nạn nhân rõ ràng do bị tra tấn như thế nhưng cho đến nay việc điều tra “nguyên nhân cái chết” của ông Long lại “chưa xác định được nên cơ quan điều tra tách ra để tiếp tục làm rõ”. Nay đã hơn 4 năm, không thấy có gì thay đổi nên cái nhóm từ “tiếp tục làm rõ” được hiểu giản dị là cho chìm xuồng.

Vì thấy chồng bị đánh chết oan khuất, bà Sang kháng án đòi bản án nghiêm khắc hơn cho hai kẻ giết người, nhưng “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”, bà sẽ không thấy công lý ở đâu, cũng giống như bao vụ công an giết người khác, chứng cứ đành rành phải lôi ra tòa.

Ngày 1/12/2009, Phạm Đình Dương, 36 tuổi đã bị tòa án ở Đà Nẵng kết án tử hình vì đã “rút dao thủ sẵn trong người ra đâm liên tiếp 2 nhát vào ngực trái đại úy công an Phan Công Việt” hơn 2 tháng trước đó, trong lúc ông công an bắt giữ một người khác.

Ngày 23/8/2011, cô gái 18 tuổi Phạm Thị Mỹ Linh bị  tòa án quận 12 , Sài Gòn, phạt tới 9 tháng tù giam vì đả tát tai một ông Cảnh sát Giao thông trong lúc cự cãi giấy phạt. Cô bị quy cho tội “Chống người thi hành công vụ”,  bật khóc nức nở và ngất xỉu tại nơi xử án.

Giết công an thì bị kết án tử hình, tát công an bị án tù giam, nhưng giết người như hai ông trưởng và phó Công an xã Bombo huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước thì chị bị án treo, tương tự như nhiều vụ xử án Công an tra tấn chết người khác, cho thấy hệ thống tư pháp ở Việt Nam không hề có công lý.

Hàng năm, hơn chục người dân bị Công an CSVN tra tấn, nhục hình đến chết, thân thể của họ đầy máu, vỡ sọ, gẫy xương, các phần mềm thì dập nát nhưng hầu hết đều được thông báo cho gia đình các nạn nhân là 'tự tử”. Đổ cho nạn nhân “tự tử” là cách giản dị nhất để Công an CSVN thoát tội giết người khi được đồng bọn từ trên xuống dưới bao che.

Nguyễn Công Nhựt bị công an huyện Bến Cát tra tấn đến chết hồi năm 2011 với nhiều dấu tích nhục hình trên thân thể. Vợ và mẹ nạn nhân đi khiếu nại, kiện cáo từ địa phương đến trung ương Hà Nội suốt nhiều tháng trời, đều chỉ là công dã tràng.

Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 8 người dân bị Công an CSVN tra tấn chết khi đưa về trụ sở cơ quan để thẩm vấn. Trong số này, 5 người được báo cho thân nhân là “tự tử” dù thi thể của họ đầy dấu tích tra tấn. Công an CSVN không hề thay đổi dù từ tháng 11-2013, chế độ Hà Nội đã ký vào Công ước Quốc tế Chống Tra Tấn của LHQ. (TN)
06-13-2014 6:41:30 PM

No comments:

Post a Comment