Kiểm tra kỹ tàu cá mỗi khi về bến để nhanh chóng quay trở lại vươn khơi,
bám biển, giữ ngư trường truyền thống
Mùa biển năm nay bà con ngư dân Quảng Nam trúng đậm mùa mực, giá thu mua cũng tăng lên khiến ai cũng phấn khởi. Ông Võ Hồng Thôn (tàu câu mực QNa 94646, huyện Núi Thành) cho biết: “Mực ở Hoàng Sa thuộc loại lớn và rất phong phú. Trung bình mỗi chuyến tàu của chúng tôi có 30 đến 40 thuyền viên ra khơi trong vòng 2 tháng. Nếu may mắn sẽ câu được khoảng 11-12 tấn”.
Cảng cá Kỳ Hà có khoảng 150 chiếc thuyền làm nghề lưới vây và 100 chiếc thuyền câu mực. Thời điểm từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm là lúc thời tiết thuận lợi, phù hợp cho việc ra khơi dài ngày. Ông Thôn cho biết: “Những năm qua giá mực khô sụt giảm có khi chỉ bằng một nửa so với trước đây. Thế nhưng năm nay giá cả tăng 30% khiến ai cũng hăng hái bám biển, tàu cập bờ dỡ hàng là tranh thủ chuẩn bị ra khơi ngay”. Khác với 3 năm trước, ngư dân ra khơi câu mực liên tiếp bị mất mùa, mất giá, nên một số chuyển sang làm lưới vây.
Trở về từ chuyến ra khơi dài ngày, ông Phan Hoàng Lai, tàu cá QNa 91927 tâm sự: “Mọi năm thời điểm này chúng tôi đánh bắt được khá nhiều. Tuy nhiên, chuyến đi biển vừa qua chạm trán với tàu bè và lực lượng quân sự Trung Quốc nhiều lần, nên chúng tôi không đánh bắt được nhiều, bởi phải thường xuyên di chuyển. Vị trí họ hạ đặt giàn khoan chắn ngay lối vào luồng cá, nên chúng tôi phải đi vòng, thế nhưng vẫn bị họ truy đuổi”.
Ông Phan Hoàng Lai cho biết thêm, mỗi ngày tàu cá của ông bị tàu Trung Quốc truy đuổi 5-6 lần. Mỗi lần như vậy các anh em lại khéo léo cho tàu chạy vòng tránh, bởi tàu cá của ngư dân mình là tàu gỗ, lại nhỏ hơn nhiều lần so với tàu Trung Quốc. Có lúc, Trung Quốc huy động một nhóm đến 40 chiếc tàu chia nhau truy đuổi ngư dân của ta. “Dù việc vòng tránh tốn kém thời gian và nhiên liệu, nhưng chúng tôi quyết không bỏ nghề, quyết không bỏ biển. Biển của ta, ngư trường của ta, dễ gì sa vào tay họ. Phải cho họ thấy quyết tâm sắt đá của ngư dân bảo vệ đến cùng ngư trường truyền thống”. Ngư dân Huỳnh Văn Tạo, xã Tam Quang (huyện Núi Thành) quả quyết: “Với tình hình Trung Quốc thường xuyên truy đuổi, năng suất đánh bắt cá giảm song chúng tôi vẫn quyết bám nghề, giữ biển, không chỉ cho mình mà cho con cháu”.
Càng khó khăn, càng phải đoàn kết
Trở về từ ngư trường Hoàng Sa, ông Ngô Ri - chủ tàu cá QNa 91559 vừa bị tàu Trung Quốc đâm hỏng ca-bin phân tích: “Tôi đi biển đã nhiều năm rồi, chưa có khó khăn nào không vượt qua được. Trước đây khi chưa có giàn khoan thì tàu Trung Quốc cũng đã thường xuyên gây hấn, phá ngư cụ của chúng tôi. Giờ đây cùng với việc hạ đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc còn cho máy bay, tàu quân sự đến bảo vệ thì ngư dân chúng tôi lại càng đối mặt với khó khăn hơn nhiều lần. Bọn họ còn không cho chúng tôi neo đậu trên các đảo nhỏ khi tàu có sự cố. Tuy nhiên không thể vì thế mà bà con ngư dân ta bỏ nghề, bỏ biển. Nếu mình nhân nhượng bọn họ sẽ lấn tới là mất luôn ngư trường. Tàu mình nhỏ hơn, yếu hơn, nhưng nếu chúng ta đoàn kết đồng lòng thì tôi tin rằng chúng ta luôn tạo ra sức mạnh lớn”.
Đã gần một tháng rưỡi kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bà con ngư dân ta đã có nhiều mất mát, nhưng ngư dân Quảng Nam vẫn bền gan, quyết chí ra khơi, bởi với họ, ngư trường là nguồn sống, là nhà. Bằng chứng là khắp cảng Kỳ Hà rất ít tàu đánh bắt gần bờ ở lại bến, bởi đa phần các tàu cá đã vươn khơi. Với phương châm đoàn kết là sức mạnh, các nghiệp đoàn nghề cá đã nhanh chóng huy động ngư dân ra khơi có tổ chức.
Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Nguyễn Trường Quy khẳng định: “Càng khó khăn, bà con ngư dân ta càng đoàn kết. Chúng tôi luôn vận động người dân bình tĩnh tránh mắc mưu Trung Quốc”.
Mỗi chuyến ra khơi, bà con ngư dân ta đi cùng nhau từ 10 đến 20 chiếc tàu, tập trung làm một nhóm chạy cách nhau từ 50 - 100m, khi gặp nguy hiểm sẽ dễ dàng hỗ trợ ứng cứu lẫn nhau. Để giúp ngư dân ra khơi bám biển, bên cạnh Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư cũng hỗ trợ hết mình.
Thứ bảy 14/06/2014 07:36
Hà Dung
No comments:
Post a Comment