Tuesday, June 10, 2014

Mất mát những gì sau vụ cháy xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt?

  - 

Ngọn lửa bao trùm tòa nhà trong sự bất lực của mọi người
Ngọn lửa bao trùm tòa nhà trong sự bất lực của mọi người
Vụ hỏa hoạn không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn gây ngỡ ngàng cho người dân phố núi và cả những người yêu mến Đà Lạt.
Vụ cháy trên xảy ra vào rạng sáng ngày 9.6, thiêu rụi 1/3 tòa nhà cùng nhiều vật dụng bên trong của Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt (số 14 đường Yersin, P9, TP Đà Lạt).
Kiến trúc tiêu biểu của Đà Lạt
Theo người dân ở gần hiện trường, thời điểm trên, nhiều người đang ngon giấc thì bị đánh thức bởi tiếng nổ lớn, tiếp đó ngọn lửa bùng phát dữ dội. Chỉ trong phút chốc lửa đã nuốt chửng một phần tòa nhà cổ theo lối kiến trúc miền Nam nước Pháp của Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt.
Đây là một trong 3 công trình trong cụm kiến trúc tiêu biểu của Đà Lạt, chỉ đứng sau hai di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và ga Đà Lạt.
Tòa nhà Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt cao 5 tầng (bao gồm cả tầng hầm), toàn bộ tường xây bằng đá granite rất kiên cố, bên trong có sàn được lót gỗ sang trọng, đẹp. Công trình này được xây dựng trong 5 năm, hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 1943, thuộc Sở Địa dư Đông Dương. Năm 1955 là Nha Địa dư quốc gia (người dân phố núi thường gọi Nha Địa dư Đà Lạt).
Sau ngày thống nhất đất nước, Nha Địa dư được đổi thành Xưởng in 2, trực thuộc Cục Bản đồ, do Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quản lý; hiện nay là Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Trắc địa bản đồ của Bộ Quốc phòng.
Ngoài nhiệm vụ thiết lập, biên tập, in các loại bản đồ…, xí nghiệp còn nhận in cả sách, báo chí, nhãn hiệu hàng hóa và bao bì.
Trở lại vụ việc, theo ông La Văn Đắc (ngụ ở khu quy hoạch Yersin, ngay cạnh tòa nhà Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt), thời điểm trên ông phát hiện có lửa phát ra ở tòa nhà nên lập tức gọi báo cho cơ quan chức năng.
Khoảng 30 phút sau lực lượng PCCC công an tỉnh Lâm Đồng điều hàng chục lượt xe chữa cháy đến hiện trường để khống chế ngọn lửa.


Ngọn lửa bao trùm tòa nhà trong sự bất lực của mọi người
Tuy nhiên, do tòa nhà có tường được xây toàn bằng đá granite rất dày, có nhiều cửa kính và cao tầng nên việc dập lửa gặp rất nhiều khó khăn. Phải sau hơn 5 giờ chiến đấu và huy động cả xe cứu hỏa của sân bay Liên Khương (cách hiện trường 30km) đến hỗ trợ thì ngọn lửa mới được dập tắt hoàn toàn.
Thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng
Giám đốc Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt Vũ Đình Hợi, cho biết: ngay sau khi dập được lửa, cơ quan chức năng đã phong tỏa hiện trường để chờ cơ quan điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng vào khám nghiệm hiện trường và điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Cũng theo ông Hợi, hiện chưa thể thống kê được thiệt hại, nhưng tài sản giá trị nhất gồm máy CTP (Computer to plate - máy ghi bản kẽm) trị giá khoảng 3 tỉ đồng cùng nhiều máy tính và một số tài liệu của cơ quan đã bị ngọn lửa thiêu rụi hoàn toàn.
Trong khi đó, một cán bộ của Xí nghiêp Bản đồ Đà Lạt (không muốn nêu tên), cho biết: vụ hỏa hoạn đã làm cháy hoàn toàn khu văn phòng, xưởng chế bản, hệ thống máy tính cùng nhiều vật dụng dễ cháy khác của xí nghiệp… Ước tính tổng thiệt hại ban đầu do vụ cháy gây ra là khoảng trên 10 tỉ đồng, trong đó thiệt hại về máy móc và các thiết bị khác khoảng 4 tỉ đồng. 
Rất may, hệ thống dữ liệu của xí nghiệp không bị ảnh hưởng bởi vụ cháy, công việc in ấn, xuất bản vẫn được đảm bảo.

Hiện trường sau vụ cháy 
Liên quan đến vụ cháy, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Đồng Nguyễn Văn An khi nghe tin, cho biết: “Tôi cùng nhiều người đã ngỡ ngàng, vì đây là một trong những công trình kiến trúc đặc trưng có 1 không 2 và rất gần gũi với người Đà Lạt”.
Ca sĩ Thu Minh: Nghe nó bị cháy buồn lắm!
Còn bà chủ quán cà phê Căn Nhà xưa Đà Lạt - ca sĩ Thu Minh, tâm sự: “Trước khi chuyển về sống ở khu ngoại ô đèo Prenn, mình từng có thời gian gắn bó với cái xóm cạnh Nha Đia dư này. Rất nhiều kỷ niệm vui buồn, nói chung là cứ bước chân ra khỏi ngõ thì đập ngay vào mắt là tòa nhà Nha Địa dư”.
Cũng theo Thu Minh, đi chợ qua đây, đi làm qua đây, chiều về dắt cô cháu gái ra nơi cái cổng tòa nhà Nha Đia dư chơi đủ thứ trò; có khi chỉ là nhìn người đi qua đi lại, chán rồi thì leo hàng rào vô phía trong sân chơi, đang leo giữa chừng thì bị cô hàng xóm bán cửa hàng tạp hóa gần đó phát hiện, la mắng um sùm... Vậy nên khi "nghe nó bị cháy thì buồn lắm"!
Một số người từng có thời gian công tác ở Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt cũng lên facebook thổ lộ rằng: Thật ngỡ ngàng khi nghe tin Nha Địa dư bị cháy, nó (tòa nhà) gắn bó với họ rất nhiều kỷ niệm…
Đây không chỉ là tài sản kiến trúc của riêng Đà Lạt mà là tài sản quốc gia nên cần được phục hồi và giữ gìn nguyên trạng.

Tòa nhà Xi nghiệp Bản đồ Đà Lạt (bên trái) nằm trong cụm 3 kiến trúc tiêu biểu của Đà Lạt

Cận cảnh tòa nhà Nha Địa dư nay là Xi nghiệp Bản đồ Đà Lạt
Bài, ảnh: Cao Nguyên

Không có tài liệu quý bị mất
Những quy định bảo quản tài liệu của quân đội đã giúp chúng tôi không bị thiệt hại dữ liệu trong trận hỏa hoạn. Cần nói rõ những tài liệu quan trọng liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia chúng tôi đã chuyển giao Bộ Quốc phòng quản lý theo những tiêu chí bảo vệ tuyệt mật và độ an toàn cao.
Đối với những bản đồ quý, tài liệu quý liên quan đến Đà Lạt, chúng tôi bảo quản ở vị trí khác tuân theo những tiêu chí bảo mật và bảo vệ của quân đội nên sau trận hỏa hoạn mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn. Vị trí xảy ra vụ hỏa hoạn là nơi làm việc của nhân viên, không phải nơi lưu trữ như dư luận đồn đoán.
Thượng tá Vũ Đình Hợi - Giám đốc Cục Bản đồ Đà Lạt (Theo TT)

No comments:

Post a Comment