Tuesday, June 10, 2014

Cuộc chiến tin tặc Mỹ-Trung đến hồi gay cấn

(BáoĐấtViệt) - Cuộc chiến tin tặc giữa Mỹ và Trung Quốc vừa tạm lắng nay lại nóng lên khi Mỹ liên tiếp tố các đơn vị của quân đội Trung Quốc do thám mạng.
Ngày 9/6, công ty bảo mật Crowdstrike của Mỹ cáo buộc một đơn vị của quân đội Trung Quốc thực hiện các hoạt động tin tặc nhằm cải tiến các chương trình hàng không vũ trụ và vệ tinh của nước này.
Theo đó, đơn vị 61486 (cục 12) của quân đội Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Thượng Hải đã tấn công mạng nhắm vào các cơ quan chính phủ phương Tây và các nhà thầu quốc phòng từ năm 2007.
Theo CrowdStrike, các vụ tấn công chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực không gian, hàng không vũ trụ và truyền thông của Mỹ bằng các chương trình độc hại phát tán thông qua email.
Thông tin mới nhất này có thể khiến những căng thẳng liên quan đến an ninh mạng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới thêm căng thẳng.
Khoảng 3 tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố 5 tin tặc thuộc quân đội Trung Quốc bị truy tố tội do thám mạng 6 công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, sản xuất kim loại và các sản phẩm năng lượng mặt trời.
Những người này được cho là thành viên của đơn vị tin tặc 61398 thuộc quân đội Trung Quốc, cũng đóng ở Thượng Hải.
5 sĩ quan quân đội Trung Quốc bị cáo buộc tấn công mạng và đánh cắp bí mật thương mại của các công ty lớn của Mỹ.
5 sĩ quan quân đội Trung Quốc bị cáo buộc tấn công mạng và đánh cắp bí mật thương mại của các công ty lớn của Mỹ.
Bà Jen Weedon, chuyên gia phân tích thuộc hãng an ninh mạng Mandiant của Mỹ, cho biết Trung Quốc có hàng chục đơn vị tương tự như 61398.
Không chỉ được trang bị đường dây cáp quang đặc biệt, các thành viên trong đơn vị này còn được huấn luyện trong nhiều lĩnh vực, từ tiếng Anh đến các cách thức liên lạc bí mật, an ninh mạng và các chiến thuật tấn công điện tử.
Theo hãng Akamai Technologies, các vụ tấn công mạng xuất phát từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với con số 40% trong tổng số các vụ tấn công toàn cầu trong quý IV năm 2012. Trong lĩnh vực gián điệp, Trung Quốc chiếm ưu thế hơn nhiều, ước tính có tới 96% các vụ đột nhập mạng lưới để do thám trong năm 2012 là do tin tặc Trung Quốc tiến hành.
Mỹ lâu nay lên tiếng cáo buộc Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công mạng nhắm vào Mỹ, nhưng Bắc Kinh luôn bác bỏ cáo buộc này, cho rằng họ cũng là nạn nhân của tin tặc.
Thậm chí, cuối tháng 5 vừa qua, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Thượng tướng Tôn Kiến Quốc đã gọi Mỹ là tin tặc hàng đầu thế giới, đồng thời cho rằng lực lượng gián điệp mạng của Mỹ phải bị các quốc gia khác kết tội.
Phát biểu bên lề một cuộc hội thảo an ninh quốc tế, ông Tôn Kiến Quốc nói: "Xét cả về bí mật tình báo quân sự-chính trị và bí mật thương mại, Mỹ là tin tặc số 1 thế giới và lực lượng gián điệp nước này phải bị kết tội.
Thật lố bịch khi Mỹ cho rằng gián điệp mạng nhằm vào lĩnh vực tình báo chính trị và quân sự là hành động bình thường, trong khi kẻ đánh cắp bí mật thương mại lại là phạm pháp. Chừng nào an ninh của một nước bị lo ngại, chẳng nhẽ tình báo chính trị - quân sự lại không quan trọng hơn bí mật thương mại?"
Những vụ việc trên đây được xem là thách thức lớn nhất trong quan hệ giữa hai nước này kể từ cuộc gặp gỡ hồi mùa hè năm ngoái giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Sunnylands, California.
Mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới vốn đã căng thẳng vì những chỉ trích công khai gần đây của Washington nhằm vào những động thái khiêu khích của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở các khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bắc Kinh tố cáo rằng, nỗ lực của chính quyền Obama nhằm thay đổi hướng trọng tâm vào châu Á và mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực đang khiến cho Nhật Bản và các nước láng giềng của Trung Quốc trở nên bạo gan hơn, đẩy tình hình căng thẳng trong khu vực leo thang hơn nữa.
Thứ Ba, 10/06/2014 16:25
Minh Thái (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment