HÀ NỘI (NV) - Tổ chức dân sự mang tên Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Tự Do vừa ra thông cáo nhằm công khai hóa sự hiện diện của tổ chức này trong cộng đồng các tổ chức dân sự tại Việt Nam.
Mục tiêu của Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Tự Do là bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam, những quyền lợi mà hiện không có ai bảo vệ.
Một trong hàng ngàn vụ đình công đòi quyền lợi của công nhân. Tất cả các cuộc đình công này đều bị xếp vào loại tự phát vì hệ thống công đoàn của chính quyền luôn đứng ngoài các cuộc tranh đấu đòi quyền lợi của công nhân. (Hình: Internet)
Trong thông cáo vừa kể, Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Tự Do cho biết, tuy trên danh nghĩa, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một nhà nước của liên minh công nông nhưng trong thực tế, nhà nước này đã phản bội quyền lợi của hai khối dân đó trong cộng đồng dân tộc. Cũng vì vậy đã có hàng triệu nông dân trở thành dân oan và chưa bao giờ người lao động Việt Nam bị bóc lột ở qui mô như hiện tại.
Việt Nam hiện có Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng và trên danh nghĩa là tổ chức đại diện trực tiếp cho quyền lợi của người lao động nhưng trong thực tế, tổ chức này chỉ là công cụ của Ðảng CSVN nên không thể bảo vệ những lợi ích của giai cấp công nhân Việt Nam. Ðây cũng là lý do hồi tháng 10 năm 2006, Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam ra đời. Ðến tháng 12 cùng năm, Hiệp Hội Ðoàn Kết Công Nông Việt Nam thành hình. Sau đó tới tháng 10 năm 2008, Phong Trào Lao Ðộng Việt được thành lập.
Các thành viên của những tổ chức dân sự vừa kể đã bị chính quyền Việt Nam ngược đãi: Công Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam có Luật Sư Lê Thị Công Nhân bị bắt, bị phạt tù. Toàn bộ nhóm lãnh đạo của Hiệp Hội Ðoàn Kết Công Nông Việt Nam cũng đã bị bắt, bị phạt tù. Ba thành viên chủ chốt của Phong Trào Lao Ðộng Việt là Ðoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Ðỗ Thị Minh Hạnh nay vẫn ở trong tù.
Hồi giữa tháng 1 năm nay, ba tổ chức dân sự vừa kể đã kết hợp với Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam (thành lập vào tháng 10 năm 2006, tại Ba Lan) để trở thành Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Tự Do, gọi tắt là Lao Ðộng Việt, ra mắt tại Bangkok, Thái Lan.
Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Tự Do tuyên bố, việc thành lập và hoạt động của mình căn cứ vào Hiến pháp Việt Nam và Quy ước Quốc tế số 87 về tự do nghiệp đoàn và bảo vệ quyền hoạt động nghiệp đoàn, Quy ước Quốc tế số 98 về quyền tổ chức và cộng đồng thương thảo của Tổ Chức Lao Ðộng Quốc Tế (International Labor Organization - ILO).
Quá trình hình thành Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Tự Do nằm trong xu hướng dân chủ hóa Việt Nam và là một đòi hỏi không thể bỏ qua của phong trào lao động thế giới khi Việt Nam đang tìm cách tham gia vào Hiệp định Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP).
Trong thông cáo vừa kể, Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Tự Do yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho những người vì tranh đấu cho quyền lao động ở Việt Nam mà bị cầm giữ như các ông: Ðoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và cô Ðỗ Thị Minh Hạnh.
Cũng cần nói thêm là hôm 5 tháng 6, đại diện 16 tổ chức dân sự tại Việt Nam, trong đó có những tổ chức dân sự của Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Cao Ðài, Hòa Hảo đã họp tại chùa Liên Trì ở quận 2, Sài Gòn để bàn về nhiều vấn đề liên quan đến hiện tình Việt Nam.
Sau cuộc họp vừa kể, ngày 8 tháng 6, các tổ chức này phát hành một thông báo, tuyên bố ủng hộ việc thành lập tổ chức công đoàn độc lập. Hứa sẽ giới thiệu người tham gia và kêu gọi công nhân gia nhập. Ðồng thời tuyên bố sẽ vận động các quốc gia và các tổ chức quốc tế ủng hộ, bảo vệ tổ chức công đoàn độc lập.
Công đoàn độc lập được các tổ chức dân sự tuyên bố ủng hộ được xác định phải là tổ chức xã hội do chính công nhân thành lập, thật sự hướng đến công nhân, lấy công nhân làm trung tâm và bảo vệ quyền lợi thiết thực của mỗi công nhân trong từng nhà máy, xí nghiệp.
Các tổ chức dân sự cho rằng, công đoàn độc lập không thể như Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam, đã và đang tồn tại như một khâu trung gian, thụ hưởng 2% tổng quỹ lương nhưng chưa bao giờ đồng thuận với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong hàng ngàn cuộc đình công tự phát hàng năm.
Công đoàn độc lập phải có quyền lên tiếng để bảo vệ những lợi ích của công nhân trước giới chủ và trước những chính sách bất hợp lý của chính quyền về thuê và sử dụng lao động. Ðặc biệt là trong bối cảnh giá cả tăng vọt từ hai đến ba lần nhưng thu nhập lại giảm từ 25% đến 30% dù đa số công nhân làm việc 10 tiếng/ngày và 6 ngày/tuần.
Chấp nhận công đoàn độc lập đang được xem như một điều kiện để Việt Nam trở thành một thành viên của TPP. (G.Ð)
06-10-2014 3:25:39 PM
No comments:
Post a Comment