Sunday, May 18, 2014

Yêu nước có cần "ra điều kiện"



Người Hà Nội tham gia tuần hành yêu nước, phản đối TQ

Yêu nước kiểu mới là xây dựng nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường và công nhận các hội đoàn dân sự: Trong thế giới văn minh ngày nay, lẽ phải và chân lý không còn là “sáng tạo” tùy tiện của kẻ mạnh, mà thuộc về các giá trị, các chuẩn mực, các mô hình lấy sự phát triển của con người làm trung tâm.


Nhìn lại tinh thần yêu nước truyền thống

Từ xưa đến nay, lòng yêu nước của người Việt thường được hiểu là tinh thần chiến đấu “bất khuất, gan dạ, dũng cảm” nhằm bảo vệ đến cùng nền độc lập dân tộc trước họa xâm lăng. Nghĩa là, nói đến tinh thần yêu nước là nói đến một thái độ ứng xử đặc trưng gắn liền với bối cảnh chiến tranh: Được hình thành, tôi luyện bởi các cuộc chiến tranh vệ quốc triền miên; tỏa sáng rực rỡ trong các cuộc chiến tranh khi Tổ quốc bị xâm lược.

Vì thế, mặc dù được tôn vinh bằng vô số mỹ từ, chúng ta vẫn có lí do để nói rằng: Tinh thần yêu nước “kiểu cũ” là một kiểu ứng xử bùng lên nhất thời, do ngoại cảnh kích thích, còn đời thường, nó bị “phủ lên” vô vàn những nhược điểm, thậm chí là thói xấu. Bởi, trong đời thường, hình ảnh của người Việt nhiều lúc trở nên… nhếch nhác.

 Giã từ vũ khí, người Việt trở lại cuộc sống đời thường trong nguyên vẹn hình hài của người tiểu nông: Khôn vặt, nhỏ nhen, vị kỉ, vị lợi, cục bộ, phe cánh, cá mè một lứa, cá đối bằng đầu... Kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ - vốn được xem là “túi khôn” của người Việt có rất nhiều câu biện minh cho lối sống ấy: “Thổi lửa cháy mồm”, “Ăn cây nào rào cây ấy”, “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, “Ta về ta tắm ao ta – Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Là tập hợp nhiều cá nhân đơn lẻ, xã hội người Việt trở thành một cộng đồng rời rạc, manh mún, rất dễ chia cắt và phân hóa. Chán nản, mệt mỏi trước thực tại, số đông chọn cách ẩn mình trong ốc đảo cá nhân và thờ ơ với  bên ngoài.

Dù cuộc sống luôn đặt ra nhu cầu đổi mới, nhưng do thiếu liên kết xã hội và khan hiếm niềm tin, rất ít người có ý thức thay đổi tư duy, nhận thức và lề lối sinh hoạt. Tình trạng dửng dưng, an phận được bộc lộ qua câu cửa miệng quen thuộc: “Mắc kê nô” (mặc kệ nó). Cứ thế, cuộc sống trôi đi trong một nhịp quay luẩn quẩn, đơn điệu. Tình yêu nước khi đó có tính nhất thời.

Điểm lại cách ứng xử của một số  thể chế nhà nước đã từng tồn tại trong lịch sử. Điểm chung là chỉ đẹp trong chiến tranh: khi Tổ quốc lâm nguy.

Cho nên, sau các cuộc chiến tranh vệ quốc, tuy nền độc lập quốc gia được giữ vững nhưng sự tự do cá nhân với các quyền cơ bản của con người không được đảm bảo, công nhận. Điều này tạo nên một sự kìm hãm to lớn đối với sự phát triển nguồn lực con người nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.

Tuy mang đến các chiến thắng oanh liệt trong các cuộc chiến tranh, nhược điểm của tinh thần yêu nước kiểu cũ là nguyên nhân sâu xa làm cho quốc gia suy yếu, trì trệ, nguy hiểm nhất là trở thành đối tượng béo bở cho các ý đồ xâm lăng từ bên ngoài.

Xây dựng một tinh thần yêu nước “kiểu mới”

Yêu nước kiểu mới là hình thành tư cách công dân: Tư cách công dân với một số thuộc tính cơ bản (khả năng tư duy độc lập, tinh thần khoan dung với kẻ khác, tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức chịu trách nhiệm, ý thức vị cộng đồng) được xem là yêu cầu quan trọng hàng đầu của người công dân trong xã hội hiện đại.

Với người Việt Nam hiện nay, yêu nước kiểu mới nghĩa là quyết tâm khắc phục những nhược điểm của lối sống tiểu nông vốn chịu sự chi phối sâu sắc của bản năng và tập tục để sống theo tinh thần của người công dân hiện đại. Thay vì trở thành một phản xạ có điều kiện cho trước, lòng yêu nước cần được chuyển hóa thành cách suy nghĩ, hành vi cụ thể trong đời sống thường nhật. Thay vì thụ động chờ đợi ngọn gió đổi mới từ Nhà nước, mỗi người dân cần chủ động thay đổi lối sống, hành vi của mình.

Non sông, trường tồn, yêu nước kiểu mới, kiểu cũ, Hoàng Giang, Nhà nước, tiểu nông, người Việt
Ảnh: Kiên Trung

Bởi lẽ, khi một người dân tìm cách thay đổi nhận thức và hành vi, anh ta đang tự mở ra một khả năng thay đổi cho đời sống xã hội. Hơn nữa, nếu một mô hình kinh tế và chính trị muốn trở nên tốt đẹp hơn, thì động lực trực tiếp của nó phải luôn xuất phát từ những thay đổi đạo đức và hiện sinh căn bản trong xã hội.

Yêu nước kiểu mới là xây dựng nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường và công nhận các hội đoàn dân sự: Trong thế giới văn minh ngày nay, lẽ phải và chân lý không còn là “sáng tạo” tùy tiện của kẻ mạnh, mà thuộc về các giá trị, các chuẩn mực, các mô hình lấy sự phát triển của con người làm trung tâm.

Trên đường đi tới xã hội hiện đại, vượt qua các giới hạn ngặt nghèo của ý thức hệ, con người đã sáng tạo nên một mô hình thể chế tiến bộ - được xem là bệ đỡ vật chất cho sự phồn thịnh của các quốc gia phát triển. Đó là một cấu trúc bao gồm: Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và các hội đoàn dân sự.

Nếu tư cách công dân được xem là chuẩn mực của con người hiện đại thì cấu trúc này được xem là cơ sở căn bản để xác định trình độ văn minh và năng lực phát triển của mỗi quốc gia. Do đó, yêu nước theo kiểu mới cũng có nghĩa là kiên quyết chuyển từ cấu trúc thể chế cũ sang cấu trúc thể chế mới với ba trụ cột vừa nêu.

Xét trong điều kiện Việt Nam hiện tại, đây là con đường chuyển đổi hòa bình, khả thi, phù hợp và hiệu quả nhất. Nếu thực tâm chuyển đổi theo hướng này, chúng ta không chỉ tìm ra một lối thoát hữu hiệu cho vấn đề Biển Đông trước mắt, mà còn là giải pháp dài hạn để đưa đất nước thoát khỏi vũng lầy của chia rẽ, nghèo đói, lạc hậu và trở thành một thành viên có giá trị trong thế giới hiện đại, văn minh.

Dã tâm của Trung Quốc tại Biển Đông đang đặt tương lai dân tộc trước hiểm họa sống còn, nhưng cũng mở ra một cơ hội không thể tốt hơn để dân tộc ta đi tới một cuộc thay đổi thực sự. Người nắm vận mệnh thay đổi chính là cả dân tộc Việt, từ Nhà nước đến mỗi người dân.
18-05-2014-Đặng Hoàng Giang -Theo TVN
http://bolapquechoa.blogspot.ca/2014/05/yeu-nuoc-co-can-ra-ieu-kien.html

No comments:

Post a Comment