- Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.000 trường hợp mắc bệnh tại 62 tỉnh.
Mặc dù số trường hợp mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng trong cả nước giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số mắc lại tăng cao cục bộ tại một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bình Dương, và Kon Tum, tăng từ 17,2% đến 44,6%
Số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cao và tập trung tại một số tỉnh ở khu vực miền Nam, chiếm hơn 80%, trong đó, ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu với tác nhân gây bệnh chính là virus EV71 có độc lực cao.
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Theo thống kê từ những năm trước thì số mắc thường gia tăng từ tháng 5 trở đi. Trong các tháng tới bước vào mùa hè thuận lợi cho sự phát triển của mầm bệnh, thêm vào đó bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine dự phòng, điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên nguy cơ dịch gia tăng trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.
Cũng theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 9.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 42 tỉnh/thành phố, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại Cà Mau, Bình Dương, Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh. Số mắc tập trung tại khu vực miền Nam (chiếm 83,8%) sau đó đến khu vực miền Trung (chiếm 13%). Mặc dù số mắc trong cả nước giảm so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên số mắc có tăng cục bộ tại một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận và Đồng Nai./.
Văn Hải/VOV - Trung tâm Tin
No comments:
Post a Comment