Wednesday, May 28, 2014

“Trung Quốc nói dối trơ trẽn quá"

TN- Đó là phát biểu của bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa 90152 (Đà Nẵng) bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm trước những lời lẽ của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương vụ vạ cho Việt Nam trong vụ việc này! 

Theo Tân Hoa xã và các hãng thông tấn, báo chí quốc tế như BBC, VOA thì ngày 27/5, phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “tàu cá của Việt Nam đã cố tình xâm nhập vào khu vực giàn khoan của Trung Quốc và đã bị lật sau khi đâm vào tàu cá của TP Đông Phương, tỉnh Hải Nam”.


Tàu cá ĐNa 90152 trước khi rời bến đánh bắt ở Hoàng Sa

Phát ngôn viên Tần Cương còn nói rằng “sự việc xảy ra cho thấy sự quấy rối và phá hoại trái phép và bất hợp pháp của Việt Nam nhắm vào các hoạt động bình thường của Trung Quốc là điều vô ích và sẽ chỉ làm tổn hại tới các lợi ích của Hà Nội”.

Rõ ràng trước dư luận phản đối tàu vỏ sắt Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng chiều 26/5 ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, nhà cầm quyền Trung Quốc lại tiếp tục “vừa ăn cướp, vừa la làng”, nhưng lần này tuy họ vẫn muốn “giấu đầu” song lại “lòi đuôi”, và “lòi” một lúc nhiều cái “đuôi” ra quá rõ ràng.

Bị điên hay sao mà đâm vô tàu vỏ sắt Trung Quốc lớn hơn gấp 4 lần!

Trao đổi với Infonet sáng 28/5, ông Phan Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ứng phó sự cố tràn dầu và dịch vụ hàng hải Bảo Duy (Đà Nẵng) chuyên đóng tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá cho rằng, dẫu thiên vị đến mấy thì người ta cũng sẽ nhận ra những điều dối trá trong lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông dẫn chứng, mới đây Công ty Bảo Duy vừa hạ thủy thành công tàu hậu cần nghề cá ĐNa 90611TS có công suất 850CV nhưng tổng trọng tải chỉ 90 tấn (gồm sức nặng tự thân của con tàu là 30 tấn và sức chở tối đa 60 tấn hàng hóa). Với tàu ĐNa 90152 chỉ là tàu đánh cá công suất 450CV nên tổng trọng tải chỉ 50 tấn (gồm sức nặng tự thân của con tàu là 20 tấn và sức chở tối đa 30 tấn).

“Như báo chí phản ảnh, các tàu vỏ sắt của Trung Quốc quấy nhiễu, ngăn cản tàu chấp pháp của Việt Nam tiếp cận giàn khoan trái phép Hải dương 981 cũng như uy hiếp các tàu cá của ta đều có trọng tải 200 – 400 tấn. Nghĩa là tàu ĐNa 90152 nhỏ hơn 4 – 6 lần, làm sao tàu này dám đâm vào tàu vỏ sắt đó?” – ông Hùng chỉ rõ.

Bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa 90152 bức xúc nói: “Trung Quốc nói tàu của tôi đâm vô tàu của họ là dối trá. Họ nghĩ mình bị điên hay răng mà làm như thế, trong khi tàu của họ lớn gấp 4 lần tàu mình? Ngư dân của tui đi làm để kiếm tiền về nuôi vợ con chứ có phải đi đánh nhau với ai đâu. Đâm vô tàu vỏ sắt Trung Quốc mà tự sát à, rồi bỏ vợ con cho ai? Họ hành xử dã man, cố tình đâm chìm tàu mình, suýt làm chết cả chục mạng, chừ lại giở giọng dối trá đến đứa con nít cũng nhận ra mà không sợ Trời, Phật phạt. Họ không chỉ tấn công một tàu mà cả hai tàu của mình. Mình còn chiếc kia để làm chứng chứ không phải họ muốn nói gì thì nói!".

Sự dối trá về “tàu cá” vỏ sắt

Phát ngôn viên Tần Cương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, tàu 11209 (đâm chìm tàu ĐNa 90152) là tàu cá của ngư dân TP Đông Phương, tỉnh Hải Nam. Tuy nhiên ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng hoàn toàn bác bỏ luận điệu này và khẳng định “đó là tàu sắt Trung Quốc giả dạng tàu cá chứ hoàn toàn không phải tàu cá của ngư dân nước này”.

Thực tế ghi nhận tại hiện trường cho thấy, cùng với các loại tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính, vận tải, dịch vụ dầu khí, tàu kéo, tàu quét mìn và kể cả tàu tên lửa thì các tàu vỏ sắt này luôn được bố trí dày đặc, dàn thành hình vòng cung chắn trước mặt giàn khoan trái phép Hải dương 981 hay dàn thành hàng ngang cản trở, đe dọa, đâm húc, đẩy tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động ở phạm vi cách giàn khoan 15-17 hải lý.


Tàu vỏ sắt Trung Quốc (phải) giả dạng tàu cá cố tình uy hiếp, đâm húc tàu cá của ngư dân Việt Nam

Có thể khẳng định việc bố trí “đội hình” như thế này hoàn toàn không phải để đánh bắt cá và sự “giả dạng” đó chính là nhằm lừa gạt thế giới và che đậy cho những những mưu toan đen tối của Trung Quốc trên biển Đông.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng nêu rõ: “Nhìn từ góc độ lịch sử nghề cá, chúng tôi cho rằng khó tin được các hung thủ trên chiếc tàu cá Trung Quốc vừa có hành động cố ý giết người như vậy là ngư dân thực sự. Bởi ngư dân thực sự trên toàn thế giới, với đặc thù của lao động nghề nghiệp, luôn có những tín ngưỡng thấm đẫm màu sắc tâm linh, không thể làm điều ác đối với đồng nghiệp của mình. Chỉ có cướp biển mới coi thường mạng sống của con người giữa đại dương mênh mông!”.

Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera khi trả lời phỏng vấn của báo chí nước này và quốc tế cũng phải lên tiếng: "Chúng tôi cho rằng đây là một hành động đáng báo động khi mà một tàu cá Việt Nam bị nhiều tàu cá của Trung Quốc bao vây và sau đó đâm chìm. Quý vị thực sự phải đặt câu hỏi tại sao một tàu đánh cá, với công việc đơn giản là đánh bắt cá, lại đâm vào một tàu khác như vậy. Thật khó tin!" (theo VTV).

Và dối trá về “bảo vệ nguồn lợi thủy sản” trên biển Đông!

Ở một góc độ khác, khi cho rằng hoạt động của các “tàu cá” vỏ sắt này nằm trong “các hoạt động bình thường của Trung Quốc” (trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam – PV) thì phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương còn làm bộc lộ những sự dối trá khác nữa của nhà cầm quyền nước này.

Bởi lẽ cả thế giới đều biết, Trung Quốc đã đơn phương ban hành lệnh cấm ngư dân các nước đánh bắt cá trên biển Đông (kể cả ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa) từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2014 với cái gọi là “bảo vệ nguồn lợi thủy sản”. Như vậy, tại sao Trung Quốc lại cho rằng hoạt động của các “tàu cá” vỏ sắt của họ trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam trong những ngày này là “hoàn toàn bình thường”, dù rõ ràng là những con tàu này đã vi phạm chính lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông của nhà cầm quyền Bắc Kinh?

Ông Trần Văn Lĩnh nêu rõ: “Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đối với tàu cá của các nước khác trong khi tàu cá của nước họ vẫn hoạt động trên biển Đông, đặc biệt là ở vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam, khai thác theo kiểu tận diệt nguồn lợi thủy sản và liên tục đâm va, uy hiếp tàu cá của ngư dân ta.

Tôi cho rằng việc áp đặt lệnh cấm này hoàn toàn không phải để bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà đây là âm mưu nhằm thể hiện uy lực của họ trên biển Đông, ngăn cản sự làm ăn của người khác, nhất là của ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa vốn là ngư trường truyền thống từ bao đời nay. Qua đó để khẳng định thêm chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển vốn không phải của họ!”.

Như vậy có thể thấy, những luận điệu mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đưa ra trong vụ đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng là nhằm đổi trắng thay đen, đánh lừa dư luận thế giới và cả người dân Trung Quốc để che đậy cho hành vi xâm phạm trái phép chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên, và chắc chắn cũng không phải lần cuối cùng chính quyền Trung Quốc dối trá một cách trơ tráo. Việc phải sử dụng đến cả những biện pháp chẳng hề “quân tử Tàu” chút nào như vậy chỉ có thể là hành vi của kẻ yếu. Yếu về pháp lý. Yếu về đạo lý. Yếu về chính nghĩa. Và do đó mà khó lòng nhận được kết cục tốt đẹp về sau!
Thứ tư, 28/5/2014 23:00 GMT+7
HẢI CHÂU (Infonet)

No comments:

Post a Comment