Wednesday, May 28, 2014

Trông đợi gì ở Thủ tướng về vấn đề biển Đông?

000_Del6318771-600.jpg
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (giữa) đến sân bay quốc tế tại thủ đô của Naypyidaw, Myanmar để tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN 24 vào ngày 10/5/2014 trong tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông-AFP photo
Hòa Ái, phóng viên RFA-2014-05-28
Trước tình hình căng thẳng ở biển Đông giữa VN và Trung Quốc, một trong những lãnh đạo của chính quyền Hà Nội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đưa ra một số tuyên bố được cho là cứng rắn.
Người dân mong đợi gì?
Động thái đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong quốc nội về vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan khổng lồ HD 981 thuộc chủ quyền lãnh hải của VN là gửi tin nhắn đến hàng triệu máy điện thoại với thông điệp chỉ thị mọi người dân đề cao tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc bằng những việc làm đúng luật pháp, không để bị lợi dụng, bị kích động gây tổn hại đến lợi ích và hình ảnh của quốc gia.
Việc làm này của Thủ tướng được đánh giá là để “an dân” sau các cuộc bạo động do công nhân gây ra ở Bình Dương và Hà Tĩnh trong 2 ngày 13 và 14 tháng 5. Trong khi đó, những người nhận được tin nhắn từ Thủ tướng Chính phủ có cảm nhận ra sao? Chị Sol chia sẻ cảm nghĩ của mình với đài ACTD rằng trong lúc đất nước lâm cảnh nguy nan vì sự bành trướng của Bắc Kinh, điều chị trông đợi ở một vị nguyên thủ quốc gia không phải là tin nhắn. Chị Sol nói:
“Thấy tức cười. Lúc cần lãnh đạo có tiếng nói mạnh mẽ trước thế giới, trước toàn dân thì chẳng nghe tiếng nào hết. Tự nhiên lại làm chuyện ruồi bu, nhắn tin”.
Nhiều người dân giống như chị Sol đều bày tỏ muốn những người lãnh đạo hàng đầu VN, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cần có tiếng nói mạnh mẽ, có quyết định chính chắn để đất nước thoát khỏi tình trạng xung đột hiện nay với Trung Quốc. Không cần nhắn tin nhưng cần có động thái tích cực hơn.
Thấy tức cười. Lúc cần lãnh đạo có tiếng nói mạnh mẽ trước thế giới, trước toàn dân thì chẳng nghe tiếng nào hết. Tự nhiên lại làm chuyện ruồi bu, nhắn tin.
- Chị Sol
Hiệu quả của việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắn tin 2 lần để kêu gọi người dân bình tĩnh trong tình hình căng thẳng ở biển Đông không được phản ánh một cách chính thức trên báo, đài ở trong nước. Tuy nhiên, lời phát biểu của Thủ tướng VN trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines hôm 22/5 được người dân hân hoan đón nhận và ủng hộ qua hệ thống truyền thông chính thống và trên các trang mạng xã hội. Trả lời câu hỏi các hãng thông tấn AP và Reuters liệu VN có nộp đơn kiện Trung Quốc theo cơ chế của luật pháp quốc tế hay giải quyết căng thẳng bằng biện pháp quân sự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định VN luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nhất định không đánh đổi điều thiêng liêng này để lấy một thứ hòa bình viễn vông, lệ thuộc nào.
Đây là lời tuyên bố được cho là hay nhất và hợp lòng dân nhất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể từ khi nhậm chức người đứng đầu Chính phủ VN. Nhiều người cho rằng lời phát biểu của Thủ tướng đã thể hiện ý chí cho toàn dân tộc, luôn muốn có hòa bình nhưng không được phép đánh đổi bằng bất cứ thứ gì của ông cha để lại. Anh Sơn cho biết quan điểm của mình sau khi đọc tin tức về lời phát biểu của Thủ tướng tại Philippines:
“Quan điểm của Sơn trước những tuyên bố gọi là cứng rắn nhất từ trước tới giờ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với Trung Quốc thì rất vui vẻ và tán đồng ý kiến của ông. Đây là hành động trong lúc khó khăn ông muốn tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên những tuyên bố bây giờ của ông có muộn quá hay không khi mà từ trước đến đến giờ Chính phủ VN-Nhà nước VN-Đảng Cộng Sản VN luôn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc?”
Liệu có muộn màng?
Anh Sơn và nhiều người dân khác đưa ra các bằng chứng thực tế như trong thời gian qua khi có những mâu thuẩn tranh chấp trên biển Đông giữa VN và Trung Quốc xảy ra thì Đảng CSVN và Chính phủ VN luôn đàn áp các cuộc biểu tình, bắt bớ những tiếng nói của người dân phản đối Trung Quốc khiến cho lòng dân rất bất mãn. Mới đây nhất, 2 ngày trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có lời tuyên bố khẳng khái không đánh đổi chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ để lấy một thứ hòa bình viễn vông lệ thuộc, Chủ tịch Quốc hội VN Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội VN tại Hà Nội rằng VN kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia nhưng vẫn kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa 2 nước Việt Nam-Trung Quốc càng khiến cho người dân hoang mang.
Tuy nhiên những tuyên bố bây giờ của ông có muộn quá hay không khi mà từ trước đến đến giờ Chính phủ VN-Nhà nước VN-Đảng Cộng Sản VN luôn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc?
- Anh Sơn
Câu hỏi người dân đặt ra liệu rằng trong tình thế căng thẳng ở biển Đông, nguy cơ chiến tranh Việt-Trung xảy ra thì Đảng CSVN, Chính phủ và Nhà nước VN sẽ làm gì để cứu vãn tình thế? Có phải lời tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ VN là một tín hiệu lạc quan hay không? Là một người dân, qua làn sóng phát thanh, anh Sơn gửi đến Thủ tướng VN ý nguyện của nhiều người:
“Những gì ông Thủ tướng nói được là ông phải làm được. Và đặc biệt trong lúc này ông phải làm việc gì đó tác động đến Đảng và Nhà nước VN, chính quyền CSVN đưa ra làm thế nào để quyết định một là chọn lựa Đảng, giữ quyền lợi của Đảng; hoặc hai là vì quyền lợi của người dân, bảo vệ đất nước chống Trung Quốc”.
Tại biển Đông vào hôm 27/5, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan HD 981 cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc. Đồng thời, Cảnh sát biển VN và Tập đoàn Dầu khí VN cho biết thông tin có dấu hiệu mũi khoan đã cắm xuống biển. Bên cạnh đó, từ ngày 18 đến ngày 26/5, 2 ngư dân ở Quảng Ngãi bị lực lượng kiểm ngư Trung Quốc đánh trọng thương ở khu vực biển Hoàng Sa, 1 tàu cá ở Lý Sơn bị tàu “lạ” đâm chìm ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ thuộc Hải Phòng, làm 2 ngư dân chết và mất tích và 1 tàu cá ở Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm tại vùng biển Hoàng Sa.
Qua những diễn tiến liên tiếp vừa nêu, những người dân đài ACTD tiếp xúc đang nôn nóng trông đợi hành động quyết đoán của người đứng đầu chính phủ VN để chứng minh rằng lời tuyên bố của Thủ tướng không phải là lời nói suông.

No comments:

Post a Comment