Wednesday, May 28, 2014

Nóng sáng 28/5: Ong bám biển và ‘ong ve’ ở Hoàng Sa 


(Kênh 13) – Nếu đàn ong trên tàu KN-767 được toàn biên đội quan tâm, thì ngược lại, loại “ong ve” trên trời bị căm ghét và liên tục phải cảnh giác.
Sau mỗi trận va đụng với tàu hải cảnh Trung Quốc, các cán bộ, thuyền viên của KN-767 đều kéo nhau ra góc cao sau lái, chăm chú ngắm nhìn và thì thào trò chuyện. Tò mò đi theo, mới biết là họ chăm sóc cho cái tổ ong nhỏ, treo từ hồi trong đất liền.
Phóng viên  dẫn lời thuyền trưởng tàu KN-767 Đinh Hữu Đoan dân An Dương (quê Hải Phòng): “Tổ ong kết cách đây mấy tháng, lúc tàu nằm trong bờ. Khi ra nhận nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa, thời tiết biển rất xấu, sóng to gió lớn, cứ nghĩ rời khỏi cảng hướng ra cửa vịnh Cam Ranh là cả đàn sẽ bay vào những rừng cây ven bờ vịnh, nhưng rất lạ là đàn ong vẫn “bám trụ” cùng con tàu.
Duy nhất có điều khác ong trong bờ là ngoài biển không có hoa quả kiếm ăn, nên anh em phải dành dụm các phần đường ngọt, làm thức ăn cho ong”.
 Nếu đàn ong trên tàu KN-767 được toàn biên đội quan tâm, thì ngược lại, loại “ong ve” trên trời bị căm ghét và liên tục phải cảnh giác. Ảnh: TNO
Nếu đàn ong trên tàu KN-767 được toàn biên đội quan tâm, thì ngược lại, loại “ong ve” trên trời bị căm ghét và liên tục phải cảnh giác. Ảnh: TNO
Ở biển xa, đến con người còn thiếu thốn vất vả, nên “bát đựng thức ăn” cho ong là phần đáy nửa chai nước suối buộc vào cột và “thìa” là mẩu giấy, chấm nước đường, vẩy vào tổ ong.
“Bên tàu Trung Quốc quan sát thấy anh em chăm ong, rất muốn dùng vòi rồng bắn rụng tổ ong nên toàn nhằm sau lái phun nước!”, Kiểm ngư viên Đặng Văn Hà thật thà kể vậy và lắc đầu: “Sau mỗi trận bắn nước, lại phải rửa bát đựng và thay nước đường mới, kẻo dính nước mặn, ong chết hết!”.
Nếu đàn ong trên tàu KN-767 được toàn biên đội quan tâm, thì ngược lại, loại “ong ve” trên trời bị căm ghét và liên tục phải cảnh giác. Đó là những máy bay các loại của Trung Quốc, vừa đều đặn vừa đột ngột xuất hiện phía trên đội hình để quan sát, quay phim – chụp ảnh hoặc uy hiếp, khiêu khích.
Vị trí mới của giàn khoan Trung Quốc nằm trên thềm lục địa Việt Nam
Trước việc Cục Hải sự Trung Quốc ra thông báo ngày 27/5/2014 về việc di chuyển giàn khoan dầu khí Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Trung Quốc từ vị trí 15 độ 29,58 phút N-111 độ 12,06 phút E đến vị trí 15 độ 33,38 phút N-111 độ 34,62 phút E, ngày 27/5/2014, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định:
“Vị trí mới mà giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Trung Quốc được di chuyển tới theo thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 27/5/2014 nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam; hoạt động của giàn khoan ở vị trí này vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Trung Quốc đã dịch chuyển kéo giàn khoan Hải Dương-981 cách vị trí cũ 23 hải lý. Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+
Trung Quốc đã dịch chuyển kéo giàn khoan Hải Dương-981 cách vị trí cũ 23 hải lý. Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+
Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt hoạt động, rút giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống, tàu dịch vụ ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời không để tái diễn các hành vi tương tự.”
Vòi rồng không thể hút cạn nước Hoàng Sa
Độc giả Nguyễn Minh Nhị (Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) viết trên Vietnamnet: “Dù chính quyền Trung Quốc rất thèm thuồng và có nhiều mưu kế khiêu khích để Việt Nam nổi nóng, rơi vào “bẫy” và Trung Quốc có cớ ra tay. Nhưng tôi vẫn tin, người Việt Nam chúng ta không hề run sợ.
Trong hoàn cảnh quan hệ đan xen lợi ích các nước lớn và giữa Trung Quốc với Việt Nam, Trung Quốc sẽ khó lòng “chặt đôi trôi ghe”.
Hãy nhìn xem các quốc gia chia sẻ những giá trị gì? Nước Anh, Pháp, Đức… từng là trung tâm của thực dân đế quốc ở mấy thế kỷ trước, nhưng nay các nước láng giềng của họ có ai trong tình cảnh như các nước láng giềng của “Đại Hán” hay không?
Ảnh: Kiên Trung/Tuần Việt Nam
Ảnh: Kiên Trung/Tuần Việt Nam
Biển Đông dậy sóng đã ba tuần nay. Vòi rồng tàu Trung Quốc hút không cạn nước Hoàng Sa, nhưng cái “ao làng” của “đồng chí” đã cạn và cá đã … bày lưng!
Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần nhanh chân bước từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp, trên nền tảng dựa vào nội lực chính mình. Mà, bài học muôn đời, muốn dựa vào nội lực, phải TIN DÂN và được DÂN TIN.
Kêu gọi thanh niên thế giới phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam
Báo  đưa tin, ngày 27/5, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đã gặp gỡ và hội đàm với đoàn đại biểu lãnh đạo Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới (LĐTNDCTG) do Tổng thư ký Jesus Rafael Mora Gonzalez làm trưởng đoàn, đang ở Việt Nam dự hội nghị Hội đồng điều hành chung LĐTNDCTG.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh khẳng định thanh niên Việt Nam có tấm lòng thủy chung với bạn bè quốc tế, yêu chuộng hòa bình và ủng hộ các biện pháp đấu tranh hòa bình giải quyết các vấn đề trong khu vực, nhưng kiên quyết phản đối hành động nêu trên của chính quyền Trung Quốc.
Thông qua LĐTNDCTG, anh Nguyễn Đắc Vinh chính thức kêu gọi lực lượng thanh niên dân chủ, tiến bộ trên toàn thế giới tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ, phản đối Trung Quốc có hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Thanh niên phải xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước
Theo TTXVN, ngày 27/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt 60 đại biểu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” của Khối doanh nghiệp T.Ư.
Thông báo những thông tin thời sự về tình hình biển đảo hiện nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn các đại biểu thanh niên tiếp tục có những đóng góp cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến Chiến lược biển của Việt Nam.
Đánh giá cao công sức cống hiến của thanh niên Đoàn khối Doanh nghiệp T.Ư, Chủ tịch nước tin tưởng, 60 đại biểu tượng trưng cho truyền thống 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, truyền đạt khí thế cho thanh niên cả nước.
Nhắc đến lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh thanh niên thời nào cũng là rường cột của đất nước. Một quốc gia nghèo, chậm phát triển sẽ khó phát huy được tính tự cường trong bối cảnh hội nhập.
Thanh niên phải đi đầu gương mẫu, cùng cả nước phải phát huy tinh thần xung kích tối đa, chuyển hóa thành sức mạnh vật chất, xốc lại hành trang, xứng đáng là những người chủ tương lai của đất nước.
Không mơ hồ “16 chữ vàng” và “4 tốt”
Sáng nay, trên báo điện tử Tổ Quốc có bài bình luận về “16 chữ vàng” và “4 tốt” trong mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Bài báo viết: “Đối với Việt Nam, Trung Quốc là một nước láng giềng quá lớn không thể không tính đến và không thể thoái thác quan hệ. Cuộc khủng hoảng mang tên Hải Dương-981 do Trung Quốc gây ra đã đẩy quan hệ Việt-Trung vào thế bế tắc.
16_chu_vangNgười Việt Nam ta cần nhìn lại mối quan hệ này, xác định một cách minh triết bản chất mối quan hệ ấy, tránh những điều mơ hồ, ngộ nhận. Tránh cái bẫy ý thức tư tưởng có thể gây chập chững về chiến lược, nhập nhằng và mơ hồ giữa các ngôn từ hữu nghị, đối tác, đồng chí, đại cục…
Kể từ khi phía Trung Quốc khái quát phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, nêu trong Tuyên bố chung cấp cao 1999, phía ta lại thêm vào đó một chữ “vàng”. 16 chữ vàng tạo nên sự ngộ nhận to lớn. Đến năm 2002, người Trung Quốc lại khái quát một phương châm nữa, gọi là “4 tốt”: “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt”.
Ngày nay, chúng ta cần có cách tiếp cận cụ thể và đổi mới đối với các khái niệm truyền thống “ta-địch”, “đối tượng-đối tác”, tuyệt đối không để những khái niệm “đồng chí, anh em” gây mơ hồ, để ta có thể thực hiện những mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc phù hợp với lợi ích quốc gia của mỗi nước.
Muốn không lệ thuộc kinh tế Trung Quốc, doanh nghiệp phải đoàn kết
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, báo VOV phỏng vấn đại biểu Trần Xuân Hòa (đoàn Quảng Ninh), nguyên Chủ tịch Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, về những việc các doanh nghiệp phải làm lúc này để tăng nội lực kinh tế, giảm lệ thuộc Trung Quốc.
Ông Trần Xuân Hòa cho biết: “Tình hình hiện nay đặt ra một vấn đề rất quan trọng, đó là phải đoàn kết, phát huy được nội lực. Đây không phải là lúc từng thành phần kinh tế ngồi nhìn nhau và ông này nói ông kia và để rồi chúng ta không phát huy được hiệu quả của kinh tế đất nước”.
Ông Trần Xuân Hòa
Ông Trần Xuân Hòa
“Tập đoàn đã, đang phát triển và vừa qua có thành công nhất định trong việc phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước. Ví dụ như toàn bộ các hệ thống băng tải hiện nay để chở đất than đều theo hình thức BOT, đấu thầu.
Các DN tư nhân của Việt Nam họ đảm đương được, ví dụ như công trình băng tải Mạo Khê, hay băng tải Mông Dương đều do doanh nghiệp tư nhân Việt Nam làm.
Gần đây là dây chuyền lớn nhất vừa đấu thầu của Cao Sơn cho đất đá, đầu tư gần 3000 tỷ, cũng là một doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận. Lúc này không phải là lúc chúng ta lại để cho người khác hưởng lợi, ông Hòa nhấn mạnh.
Đất nước có nguy biến, ngư dân là dân quân kiên cường trên biển
Trên báo Sài Gòn Giải Phóng sáng nay có bài viết “Cột mốc sống” giữa biển Đông. “Có ra khơi mới hiểu được tình yêu biển của ngư dân mãnh liệt đến nhường nào. Khi đất nước bình yên thì ngư dân là những người dân đánh cá chất phác hiền lành, nhưng khi đất nước có nguy biến thì ngư dân trở thành những dân quân kiên cường trên biển. Hễ phát hiện tàu lạ xâm phạm vùng biển nước ta, ngư dân liền báo tin về đất liền cho cơ quan chức năng xử lý.
Cả khi phải trực diện đối mặt với kẻ gây hấn thì ngư dân trở thành lực lượng hậu thuẫn đáng tin cậy của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư, góp phần kết thành những cột mốc sống trên biển để ngăn cản kẻ gây hấn, tác giả viết.
Anh Nguyễn Văn Chí, ngư dân thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, thuyền trưởng tàu QNg 996345 TS đi đánh bắt cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa từ hơn 1 tháng nay, tàu anh bị người trên tàu Trung Quốc đập phá hết tài sản, lấy mất icom liên lạc nên ngày nào vợ con cũng ra bến tàu ngóng tin. Chị Bùi Thị Mận, vợ anh Chí ở nhà cùng 3 đứa con nhỏ cứ nghẹn ngào: “Chồng tôi gan lắm, dù bị người trên tàu Trung Quốc đập phá hết tài sản nhưng anh ấy vẫn bám biển đến cùng…”.
Ngư dân Lý Sơn can trường bám biển. Ảnh: VNE
Ngư dân Lý Sơn can trường bám biển. Ảnh: VNE
Nhìn các ngư dân ra biển với vũ khí duy nhất là lòng dũng cảm và tình yêu biển mãnh liệt dù phương tiện tàu bè còn nhỏ bé, lạc hậu, chúng tôi không khỏi xúc động
Tiếp bước cha anh, giờ đây ở đảo Lý Sơn đang có một lớp “ngư dân nhí” cũng kiên cường bám biển, trở thành thế hệ viết tiếp câu chuyện của Hải đội Hoàng Sa năm xưa. Cũng như nhiều em khác, em Đỗ Thanh Tâm, học lớp 4, con trai của ngư dân Đỗ Thanh Hùng “khoe”: “Cha con đi biển Hoàng Sa và Trường Sa từ hơn 3 tháng nay chưa về…”.

No comments:

Post a Comment