Wednesday, May 28, 2014

Gây hấn ở Biển Đông:Trung Quốc là kẻ cướp và sẽ là kẻ thua cuộc

 TN- Chiến lược pháp lý của Trung Quốc trên Biển Đông đang dần không còn phù hợp với tình hình hiện tại bởi các quốc gia có tranh chấp trong khu vực đã hiểu rõ những mánh lưới của Bắc Kinh và có hành động phản ứng đáp trả. 

Từ giữa những năm 1990 đến đầu năm 2000, Trung Quốc và các bên tranh chấp đã ưu tiên giải quyết xung đột thông qua đàm phán và hành động dựa trên luật pháp quốc tế cũng như con đường ngoại giao.

Tuy nhiên, theo tác giả Sean Mirski, vào giữa những năm 2000, các bên có tranh chấp với Trung Quốc mà đặc biệt là Việt Nam và Philippines đã nhận ra rằng họ đang gặp bất lợi và yếu thế khi đi theo “chiến lược trì hoãn” của Trung Quốc. Do đó, Việt Nam và Philippines đã thay đổi các quy tắc của cuộc chơi.

Quân đội Mỹ - Philippines tổ chức tập trận chung hải quân tại bãi cạn Scarborough.

Chiến lược pháp lý của TQ không còn phù hợp

Trên phương diện tuyên bố, các bên tranh chấp vẫn tiếp tục sử dụng những lời lẽ như trước đây, song hành vi đã bắt đầu thay đổi. Các bên tranh chấp đặc biệt là Philippines và Việt Nam, đã hoàn thiện một chiến lược mới nhằm buộc Trung Quốc phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan của chính mình.

Trong 10 năm qua, Philippines và Việt Nam đã cố gắng gây áp lực lên Trung Quốc bằng cách thay đổi nhận thức dân chúng và quốc tế hóa cuộc xung đột trên Biển Đông. Khi nắm giữ vị thế chủ động hơn, Philippines và Việt Nam hy vọng buộc Trung Quốc phải đưa ra quyết định. Thứ nhất, Bắc Kinh sẽ phải chọn hoặc phản ứng một cách cứng rắn và điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chiến lược tăng trưởng dài hạn. Thứ hai, Trung Quốc hoặc chấp nhận nhượng bộ một số điều khoản trong tranh chấp. Trong đó, Philippines và Việt Nam hy vọng Trung Quốc chọn giải pháp thứ hai là nhượng bộ.

Ban đầu, Trung Quốc đã mất cảnh giác trước chiến lược mới của Manila và Hà Nội. Tuy nhiên, sau đó, Bắc Kinh đã nhanh chóng bừng tỉnh và đưa ra chiến lược mới mang tên “hai gọng kìm”.

Như chuyên gia Peter Dutton thuộc Viện Nghiên cứu an ninh CNAS (Mỹ) nhận định gọng kìm đầu tiên của Trung Quốc nhắm tới sự cưỡng ép phi quân sự. Một phần của chiến lược này là việc Trung Quốc đưa hàng loạt “tàu vỏ trắng” ra khu vực Biển Đông. Những con tàu này thuộc sở hữu của các cơ quan hàng hải dân sự Trung Quốc. Sau đó, cũng chính những con tàu này được sử dụng để ngăn cản các bên có tranh chấp khác như bắt giữ ngư dân nước ngoài hoặc cắt cáp của các tàu thăm dò dầu khí.


Tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông của Trung Quốc trở thành điểm nóng gây căng thẳng trong khu vực.

Điển hình, hồi đầu tháng Năm, Bắc Kinh đã lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn 119 hải lý gần quần đảo Hoàng Sa với sự hộ tống của một hạm đội tàu màu trắng. Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng sức mạnh kinh tế để gây “trở ngại” buộc các nhà đầu tư quốc tế không dám mạo hiểm đổ tiền vào vùng biển đang xảy ra tranh chấp trong khu vực.

Gọng kìm thứ hai nhắm tới việc Bắc Kinh tiếp tục mở rộng và tăng cường năng lực hải quân phục vụ cho mục đích răn đe. Theo đó, Trung Quốc không muốn lâm vào một cuộc xung đột trực tiếp, mà tìm cách đưa ra giới hạn cưỡng chế phi quân sự từ chính sách gọng kìm thứ nhất và ngăn nó không vượt khỏi tầm kiểm soát. Do đó, khi tàu Philippines đối đầu với các tàu dân sự Trung Quốc, họ luôn biết rằng Hải quân Trung Quốc cũng đang ẩn nấp đâu đó.

Khi hai gọng kìm kết hợp lại, nó cho phép Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ trước các hành động khiêu khích của những bên có tranh chấp khác mà vẫn kiềm chế khả năng leo thang căng thẳng. Nói cách khác, mục đích dung hòa các lợi ích chiến lược đầy mâu thuẫn của Trung Quốc gói trọn trong việc Bắc Kinh bảo vệ các tuyên bố chủ quyền thông qua lực lượng dân sự mà vẫn có thể ngăn chặn cuộc tranh chấp làm ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Trung Quốc còn gia tăng thêm áp lực buộc các bên tranh chấp phải lùi bước. Điển hình, sau khi một tàu hải quân Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough hồi tháng 4/2012, Trung Quốc đã điều động hàng loạt tàu biển dân sự tới khu vực này. Cuộc xung đột lâm vào bế tắc trong suốt 2 tháng cho tới khi Mỹ can thiệp để hai bên cùng rút quân.
Trong khi Philippines tuân thủ rút lui, Trung Quốc vẫn thất hứa và không rút tàu. Thậm chí, một tháng sau, hải quân Trung Quốc còn chặn lối vào bãi cạn Scarborough. Kể từ đó, các con tàu của Trung Quốc thường xuyên tiến hành tuần tra tại khu vực này.

Sợ mang tiếng xấu

Tương tự như những sự việc tranh chấp chủ quyền trước đây, câu chuyện về bãi cạn Scarborough chỉ được hé lộ sau vài tháng Trung Quốc giành quyền kiểm soát khu vực này.

Ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ trình đơn kiện yêu sách của Trung Quốc lên tòa trọng tài quốc tế chiểu theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối tham gia và vụ kiện nhanh chóng bị gạt bỏ do thiếu thẩm quyền. Song ngay cả khi vụ kiện được tiến hành và tòa án phán quyết Manila giành phần thắng, Trung Quốc vẫn có thể phớt lờ kết quả và chờ cho tới khi làn sóng phản đối của dư luận quốc tế lắng dịu. Điều đó cho thấy bất cứ phán quyết nào từ vụ kiện trên cũng không có hiệu lực.



Tàu của ngư dân Philippines hoạt động gần bãi cạn Scarborough.

Song điều bất ngờ là tới tháng Một năm nay, một số nguồn tin cho hay Bắc Kinh đã đề nghị rút toàn bộ đội tàu của mình ra khỏi bãi cạn Scarborough nếu Philippines ngừng hành động nộp chứng cứ lên Tòa án trọng tài quốc tế.

Mặc dù lâu nay, Trung Quốc nổi danh là quốc gia luôn thất hứa trong việc thực hiện những thỏa thuận liên quan tới bãi cạn Scarborough song nếu lời đề nghị trên là sự thật thì đây quả là một điều bất thường. Bởi nó cho thấy Trung Quốc sẵn sàng từ bỏ quyền kiểm soát lãnh thổ mà quốc gia này tuyên bố chủ quyền để mong tránh khỏi tiếng xấu. Do đó, dù có chiếm được bãi cạn Scarborough, Trung Quốc vẫn bị coi là kẻ thua cuộc bởi Manila đã có được “danh tiếng là một quốc gia biết tuân thủ luật pháp quốc tế” – điều mà Bắc Kinh đánh giá cao hơn cả chủ quyền lãnh thổ.

Đối với Trung Quốc, danh tiếng này liên quan mật thiết đến chiến lược phát triển lâu dài. Bởi Bắc Kinh không muốn cả thế giới biết rằng mình là quốc gia không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Những diễn biến mới nhất tại bãi cạn Scarborough đã thêm một lần minh chứng cho giới hạn trong chiến lược mới của Trung Quốc. Không thể phủ nhận rằng những chiến thuật thẳng thừng của Trung Quốc đã thu được một số thành công nhất định. Do đó, trong tương lai, Manila cần cân nhắc thận trọng hơn trong các cuộc đối đầu giành quyền kiểm soát một hòn đảo tranh chấp.

Tuy nhiên, điều đáng nói là chiến lược của Trung Quốc đã không thể thay đổi vĩnh viễn những tính toán mang tính toàn diện của các bên có tranh chấp. Minh chứng là mỗi khi ngăn cản thành công một hành động khiêu khích thì Trung Quốc cũng đồng thời kích động sự leo thang của các bên còn lại. Điều này dẫn tới tình thế lưỡng nan của Trung Quốc đang bị chi phối cả về chiến lược phát triển lâu dài và mối đe dọa từ chính tuyên bố chủ quyền của mình.

Sẽ tới lúc Bắc Kinh nhận ra rằng họ phải ngậm đắng nuốt cay và đưa ra một trong hai lựa chọn vô cùng khó khăn: hoặc leo thang căng thẳng tranh chấp thành một cuộc xung đột hải quân, hoặc nhượng bộ vùng lãnh thổ có giá trị chiến lược như đề nghị rút quân khỏi bãi cạn Scarborough hồi đầu năm và đối mặt với làn sóng phản đối trong nước.

Dù Trung Quốc sẽ làm tất cả có thể để trì hoãn việc phải lựa chọn một trong hai lựa chọn trên nhưng sớm hay muộn, Trung Quốc cũng phải đưa ra một quyết định.

Thứ năm, 29/5/2014 10:02 GMT+7
(Theo infonet)

No comments:

Post a Comment