Wednesday, May 28, 2014

TQ tiếp tục tấn công gây thương tích cho phía VN gần giàn khoan Hải DươngTàu


Tàu Trung Quốc dùng vòi ròng tấn công tàu Việt Nam
Trung Quốc dùng vòi ròng tấn công tàu Việt Nam

Trà Mi-VOA-28.05.2014
Thêm 4 tàu của Việt Nam bị Trung Quốc tấn công, xịt vòi rồng tại khu vực gần giàn khoan Hải Dương mà Bắc Kinh đặt tại vùng biển Hà Nội có tuyên bố chủ quyền, một ngày sau khi Việt Nam tố cáo Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam tại khu vực.

Cục Kiểm Ngư nói trong số các tàu gặp nạn hôm nay có 3 tàu cá và 1 tàu của lực lượng Kiểm ngư cùng 3 nhân viên kiểm ngư bị thương.

Cục Trưởng Cục Kiểm Ngư kiêm Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Oai, cho VOA Việt ngữ biết thêm chi tiết:

Nguyễn Ngọc Oai: Trung Quốc trên thực địa vẫn hàng trăm tàu còn tăng cường cả máy bay trinh sát nữa. Một tàu Việt Nam bị từ 8 đến 10 tàu gồm hải giám, hải cảnh, ngư chính, tàu cá Trung Quốc vây ép, phun vòi rồng vào.

VOA: Phản ứng phía Việt Nam như thế nào?

Nguyễn Ngọc Oai: Việt Nam vẫn kiên trì mục tiêu giữ hòa bình, chủ yếu ngăn cản, xua đuổi và tuyên truyền để Trung Quốc rút giàn khoan. Khi Trung Quốc vây hãm và phun vòi rồng, chúng tôi chủ yếu là né tránh, không hành động chống trả.

VOA: Chiến lược Việt Nam hiện nay là tiếp cận giàn khoan bằng tàu bè vốn gặp rất nhiều khó khăn vì Trung Quốc vây quanh bảo vệ giàn khoan rất chặt chẽ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bố trí một lực lượng trên không. Vì sao Việt Nam không dùng các phương tiện trên không?

"Tàu cá của Trung Quốc không gọi là tàu cá được. Thật ra đó là những tàu thiết kế để thực hiện nhiệm vụ khác. Những tàu đó cũng là một trong những mũi tấn công chính trong các vụ gây hấn với Việt Nam-Nguyễn Ngọc Oai"


Nguyễn Ngọc Oai: Quan điểm của Việt Nam là đấu tranh bằng con đường ngoại giao để Trung Quốc thấy đó là chủ quyền Việt Nam. Chúng tôi thể hiện kiên quyết bảo vệ chủ quyền thông qua đàm phán, chứ không dùng võ lực theo đúng Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, Thỏa thuận cấp cao Việt-Trung, và Tuyên bố Ứng xử Biển Đông DOC. Chúng tôi chỉ dùng tàu và các lực lượng chấp pháp trên biển để xua đuổi, cản phá để Trung Quốc rút lui. Chúng tôi không có bất cứ hành động nào, kể cả hành động nhỏ nhất như Trung Quốc nói là sử dụng vòi rồng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ sẵn sàng có những phương án tiếp theo.

VOA:  Các phương án tiếp theo đó là gì?

Nguyễn Ngọc Oai: Các phương án đó tùy cách ứng xử của Trung Quốc. Nếu chúng tôi thông qua tuyên truyền, đối thoại, qua phản ánh của bạn bè quốc tế ủng hộ mà Trung Quốc nhận thức ra thì rất tốt. Ứng xử của Việt Nam tùy vào ứng xử của Trung Quốc.

VOA: Người ta thấy rằng ứng xử của Trung Quốc rất cương quyết, không nhượng bộ. Ứng xử của Việt Nam sắp tới ông dự đoán sẽ như thế nào?

Nguyễn Ngọc Oai: Theo tôi, bây giờ bạn bè quốc tế cũng đã nhận rõ việc sai trái của Trung Quốc. Các phương tiện thông tin quốc tế đã đưa rất mạnh việc này. Các nước trong ASEAN cũng đã có những nước lên tiếng rất mạnh như Philippines, và một số nước khác như Nhật Bản. Tôi nghĩ trong chừng mực nào đó nhà cầm quyền Trung Quốc cũng sẽ có, phải thay đổi cách ứng xử.

VOA: Lực lượng Việt Nam tại khu vực có được tăng cường về số lượng tàu và phương thức tiếp cận?

Nguyễn Ngọc Oai: Điều kiện kinh tế và tất cả mọi thứ đều giới hạn. Chúng tôi cũng chỉ duy trì ở mức độ nhất định thôi.

VOA: Trung Quốc tuyên bố đã khoan xong đợt đầu tiên và di chuyển tới một khu vực khác gần đó. Thông tin phía Việt Nam ghi nhận thế nào?

Nguyễn Ngọc Oai: Đúng thế. 5 giờ sáng qua Trung Quốc bắt đầu di chuyển giàn khoan. Đến 16 giờ chiều qua, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan ra phía Đông Bắc của đảo Tri Tôn, cách vị trí ban đầu khoảng 22 hải lý.

VOA: Vị trí mới cách bờ biển Việt Nam bao xa?

Nguyễn Ngọc Oai: Chừng hơn 130 km.

VOA: Phản hồi của Việt Nam như thế nào trứơc loan báo của Trung Quốc khoan xong đợt đầu?

Nguyễn Ngọc Oai: Chúng tôi chưa có thông tin nhất định về việc này vì hiện nay các tàu chấp pháp của Trung Quốc vẫn bám trụ ở vị trí đặt giàn khoan cũ.

VOA: Số tàu Trung Quốc chính thức hiện diện tại đó ghi nhận hiện nay là bao nhiêu?

Nguyễn Ngọc Oai: Hơn 120 chiếc và trên 60 tàu cá.

VOA: Còn lực lượng phía Việt Nam là bao nhiêu?

Nguyễn Ngọc Oai: Hiện nay trên đó chúng tôi có trên 30 tàu của Kiểm ngư và Cảnh sát biển.

VOA: Thông tin về tàu cá Việt bị chìm hôm qua ở khu vực, Việt Nam nói do Trung Quốc đâm lật. Trung Quốc nói tàu Việt tự đâm vào tàu Trung Quốc và chìm. Việt Nam có bằng chứng cụ thể nào bằng hình ảnh hay âm thanh từ radar để chứng minh lập luận của mình?

Nguyễn Ngọc Oai: Chắc chắn là Việt Nam có bằng chứng.

Tất cả những hành động đâm va, quấy phá từ Trung Quốc, Việt Nam đều có bằng chứng cả. Ngược lại, Trung Quốc không có bằng chứng. Thứ hai, tàu cá Trung Quốc tổng công suất gấp 3,4 lần tàu cá Việt thì làm sao tàu cá Việt đâm tàu cá Trung Quốc được? Tàu cá Việt đều là vỏ mũ, không có vỏ sắt. Tàu cá Trung Quốc đều là tàu vỏ sắt. Đến nay, trong mấy tuần qua, hàng chục tàu cá Việt bị các lực lượng chấp pháp Trung Quốc xua đuổi , đâm va. Trong đó có một tàu bị đâm chìm và nhiều tàu khác hỏng hóc.

VOA: Sau vụ việc hôm qua, tàu cá Việt hôm nay có ra đó hoạt động?

Nguyễn Ngọc Oai: Ngư dân chúng tôi đến giờ vẫn xác định bám biển khai thác trên các vùng biển truyền thống của chúng tôi.

VOA: Việt Nam có tăng cường những biện pháp bảo vệ cho họ sau vụ việc hôm qua?

Nguyễn Ngọc Oai: Chúng tôi ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, còn tham gia bảo vệ ngư dân. Những trường hợp ngư dân bị Trung Quốc đâm hỏng tàu, chúng tôi phối hợp sữa chữa kịp thời. Ngư dân bị tai nạn, chúng tôi cấp cứu.

VOA: Đó là những biện pháp hỗ trợ. Ngoài ra có những biện pháp nào bảo vệ họ, giúp ngăn ngừa những vụ va chạm?

Nguyễn Ngọc Oai: Chúng tôi khuyến cáo ngư dân đối với các vùng biển cả truyền thống của chúng ta, nên khai thác xa hơn một chút.

VOA: Tàu cá Trung Quốc  có lực lượng chấp pháp đi theo bảo vệ khi khai thác. Việt Nam có tính đến phương án đó hay không?

Nguyễn Ngọc Oai: Tàu cá của Trung Quốc không gọi là tàu cá được. Thật ra đó là những tàu thiết kế để thực hiện nhiệm vụ khác. Những tàu đó cũng là một trong những mũi tấn công chính trong các vụ gây hấn với Việt Nam.

VOA: Tuy nhiên, tàu cá Việt hoạt động trong khu vực đầy rủi ro, khó tránh va chạm với Trung Quốc. Lực lượng chấp pháp Việt Nam có phương án đi theo bảo vệ tàu cá Việt?

Nguyễn Ngọc Oai: Không, không. Chúng tôi không theo bảo vệ vì lực lượng chúng tôi có hạn. Cả vùng biển rộng lớn chúng tôi chỉ có 30 tàu. Chúng tôi chủ yếu tuyên truyền, quan sát ở xa để theo dõi, để hỗ trợ thôi, chứ chúng tôi không phải theo để bảo vệ tàu cá.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn

No comments:

Post a Comment